Số 5 năm 2008

Thanh Hóa chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Với diện tích hơn 629 nghìn hécta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 470 nghìn hécta đất có rừng, kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Trong những năm vừa qua, thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng của Thanh Hóa đã có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh có 131 xã ở nơi có rừng đã xây dựng được phương án phòng cháy chữa cháy và thành lập được ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, có 1700 tổ quần chúng bảo vệ rừng với 25.000 người tự nguyện tham gia. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy rừng và ban hành cấp dự báo cháy rừng, đổi mới công tác chỉ đạo và tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đầu tư trang thiết bị và dụng cụ chữa cháy rừng đến tận thôn bản ở nơi có rừng, từ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất nạn cháy rừng xảy ra. Số vụ cháy và diện tích cháy giảm đáng kể. Trong 5 năm, từ 2003 đến 2007 toàn tỉnh chỉ xảy ra 39 vụ cháy với diện tích 81,17ha rừng, là một trong nhữnh tỉnh có số vụ cháy và diện tích cháy thấp nhất toàn quốc. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã góp phần bảo vệ phát triển rừng, nâng độ che phủ của rừng đến năm 2007 lên 45,10%, tăng 18% so với năm 1990 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động của môi trường tự nhiên và xã hội, khí hậu khắc nghiệt, khô nóng kéo dài, nạn cháy rừng hàng năm vẫn còn xảy ra gây nhiều thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và hủy hoại môi trường sinh thái. Từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã xảy ra ba vụ cháy vào thực bì dưới tán rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích 4ha, ở các huyện Hà Trung, Tĩnh Gia và Ngọc Lặc. Tuy không gây thiệt hại về tài nguyên rừng nhưng thiệt hại về môi trường do tác dụng giữ đất giữ nước của lớp thảm thực bì dưới tán rừng bị thiêu hủy.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn tình hình thời tiết năm 2008 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra bất cứ lúc nào. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả, lực lượng kiểm lâm và chính quyền các cấp cần phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp kinh tế kỹ thuật kết hợp với xây dựng lực lượng quần chúng tham gia chữa cháy rừng, tuyên truyền Luật bảo vệ phát triển rừng, áp dụng một số biện pháp cụ thể để phòng cháy chữa cháy rừng. Đối với những loài cây, loại rừng dễ cháy, cần thực hiện phương thức trồng rừng hỗn giao theo băng hoặc theo hàng giữa cây lá rộng thường xanh với cây lá kim (cây thông) hoặc cây có dầu như trám, sao đen, sến, táu... Các khu rừng trồng và rừng tự nhiên ở nơi dễ cháy cần đầu tư xây dựng hệ thống đường ranh cản lửa đủ tiêu chuẩn ngăn cách, không cho đám cháy lây lan sang các khu rừng bên cạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Đầu tư xây dựng các trạm gác, chòi canh lửa rừng ở những vị trí trọng điểm thích hợp để phát hiện và báo động cháy rừng, kịp thời huy động lực lượng cứu chữa khi có cháy xảy ra. Lực lượng kiểm lâm ở cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng củng cố tổ đội, lực lượng quần chúng phòng cháy chữa cháy rừng hiện có, giám sát việc thực hiện quy ước bảo vệ rừng tại các thôn, bản. Tổ chức diễn tập chữa cháy rừng để chủ động chữa cháy khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Trong diễn tập phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là vùng đồng bào các dân tộc miền núi ở nơi có rừng và các vùng gần rừng về Luật bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ môi trường, tuần tra ngăn chặn cháy rừng. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật những tập thể, cá nhân gây cháy rừng, thiếu trách nhiệm cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra. Tích cực và chủ động phòng cháy chữa cháy rừng sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, phát triển ngành lâm nghiệp, bảo vệ tài sản quý của quốc gia và bảo vệ môi trường sống. Tích cực và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, phát triển ngành lâm nghiệp.

Khương Bá Tuân

Câu lạc bộ Lâm nghiệp Thanh Hóa


Số lượt đọc:  615  -  Cập nhật lần cuối:  25/06/2008 02:08:38 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH