Số 5 năm 2008

Phát triển rừng kinh tế: Hướng làm giàu ở Yên Thế

Yên Thế là huyện miền núi tỉnh Bắc Giang. Tổng diện tích đất tự nhiên hơn 30.125ha, trong đó đất lâm nghiệp chiến 52% diện tích. Nghề rừng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, đảm bảo đời sống cho hơn 96 nghìn người thuộc 6 dân tộc sinh sống hòa thuận là Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Hoa, Dao. Yên Thế có nhiều dải đồi, núi thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, xen ke với ao hồ, sông suối nên rất thuận lợi cho canh tác phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp.

Yên Thế hôm nay khác trước rất nhiều, những vùng đồi bát úp không còn trơ trọi mà được phủ kín bởi những cánh rừng. Không khí tấp nập của phong trào trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng lan rộng trong toàn huyện. Gia đình anh Trần Văn Mùi, bản Đồng Cả, xã Canh Nậu đã nhiều năm trồng rừng bằng loài bạch đàn Uprophylla cho biết: Cuối năm vừa qua, gia đình anh khai thác lô rừng bạch đàn 2ha (6 năm tuổi) thu về được 80 triệu đồng. Số tiền đó giúp sửa nhà, mua sắm nhiều đồ đạc, nuôi con ăn học và tái đầu tư trồng rừng. Còn gia đình anh Triệu Ngọc Túc vào lập nghiệp tại xã Tam Tiến năm 1998 lại khác. Khi đó, rừng và đất rừng ở đây nghèo kiệt, người dân chỉ chặt phá, sử dụng rừng bừa bãi chứ chưa quan tâm đến trồng rừng. Năm 1993, gia đình anh nhận 45ha đất lâm nghiệp; đến năm 1998 nhờ dự án Pam, gia đình anh được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật trồng rừng. Năm 2004, rừng cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình anh khai thác khoảng 5ha rừng, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ nghèo đói nay gia đình anh đã trở lên giàu có với cơ ngơi bạc tỷ. Do sớm nhận thức, xác định được lợi thế tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực dồi dào tại địa phương với những cơ chế, chính sách thông thoáng khuyến khích phát triển lâm nghiệp nên ở Yên Thế có khoảng 6 nghìn hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp diện tích từ 0,5ha trở lên. Yên Thế là huyện đầu tiên của Bắc Giang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo giống mới bằng phương pháp giâm hom thay cho phương pháp gieo ươm năng suất thấp. Trước đây chu kỳ trồng rừng từ hạt kéo dài khoảng 10 năm, nay với phương pháp giâm hom chu kỳ rút ngắn còn khoảng 7 năm nhưng năng suất lại cao gấp 1,5 lần. Chính vì vậy, khối lượng gỗ thu được tăng dần qua các năm, năm 2007 sản lượng toàn huyện đạt 40 nghìn mét khối gỗ các loại, trên 5 nghìn ste củi nguyên liệu trị giá gần 25 tỷ đồng. Không riêng gia đình anh Mùi, anh Túc mà còn nhiều gia đình của các xã trong huyện được giao đất lâm nghiệp biết làm giàu từ mô hình trồng rừng kinh tế. Ngoài diện tích được giao, nhiều hộ còn liên danh trồng rừng kinh tế với công ty lâm nghiệp, lâm trường trong huyện. Các hộ còn phát triển nuôi gà thả vườn dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật, xây dựng mô hình VAC liên hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình đã làm giàu bằng kinh doanh rừng kinh tế cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Phong trào trồng rừng ở Yên Thế ngày một phát triển lan rộng khắp các xã từ Tiến Thắng, Tam Tiến, Đồng Vương, Xuân Lương, Canh Nậu và Đông Sơn... Diện tích vườn cây ăn quả kém hiệu quả đang được thay thế dần bằng rừng keo lai, bạch đàn cao sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong phát triển lâm nghiệp hiện vẫn còn xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, ý thức bảo vệ rừng của một số người dân còn thấp. Để nghề rừng phát triển mạnh hơn nữa các cơ quan liên quan cần năng động áp dụng các giải pháp sáng tạo về chính sách, kỹ thuật. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nghề rừng và bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm này với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện luân canh loài cây rừng để tránh thoái hóa đất. Tin rằng thời gian tới, nghề rừng và công tác bảo vệ rừng ở Yên Thế sẽ vững chắc, ổn định theo định hướng làm giàu từ phát triển kinh tế rừng.

Trần Ngọc Sơn

Hạt Kiểm lâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang


Số lượt đọc:  608  -  Cập nhật lần cuối:  25/06/2008 02:01:58 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH