Số 5 năm 2008

Cộng đồng địa phương yếu tố quan trọng góp phần bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng sinh thái Trung Trường Sơn với giá trị rất cao về đa dạng sinh học. Nhiều loài động, thực vật quý hiếm đã được phát hiện và bảo tồn. Tuy nhiên áp lực do con người, nhất là người dân địa phương gây bất lợi cho nguồn tài nguyên này vẫn đang xảy ra dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Trong bối cảnh đó, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên càng đặt ra nhiều vấn đề bức thiết hơn và không chỉ gói gọn trong các hoạt động chuyên biệt mà còn đòi hỏi ở mức độ bảo tồn cao hơn như bảo tồn cấp độ vùng với nhiều bên cùng tham gia và lồng ghép nhiều lĩnh vực hoạt động như một sự điều phối giữa lợi ích bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững. Cộng đồng địa phương được đánh giá có tính quyết định cao để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn toàn tỉnh.

Vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên.

Vai trò chính quyền cấp xã: Chính quyền cấp xã là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên do cơ chế còn nhiều bất cập cũng như sự phối hợp chưa nhuần nhuyễn nên vai trò của chính quyền cấp xã chưa phát huy hết hiệu quả. Tại Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm đã đưa ra một số mô hình điểm nhằm đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa trên nền tảng là chính quyền cấp xã và sự hậu thuẫn của cộng đồng người dân địa phương. Điển hình như mô hình đồng quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, mô hình làng sinh thái vùng đệm khu bảo tồn Phong Điền. Các mô hình này được xem như bước đi tiên phong trong cả nước về việc đồng quản lý tại các khu bảo tồn ở Việt Nam. Trong khung quản lý này, chính quyền cấp xã được đặc biệt chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch đến việc thực hiện các hoạt động và giám sát mô hình. Chính quyền cấp xã có cơ hội thể hiện vai trò và thực lực của mình trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại địa phương thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan. Một ví dụ điển hình như chính quyền xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) khi ngăn chặn các hành vi phá rừng, đào đãi vàng trong phạm vi khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Bên cạnh đó, chính quyền xã này cùng Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền tham gia lập kế hoạch quản lý rừng, tham gia các hoạt động điều tra vốn rừng.

Vai trò của các tổ chức đoàn thể: Hiện nay, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, và một số tổ chức hội khác đang dần phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên ở Thừa Thiên Huế. Các đoàn thể thông qua sự tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đã từng bước thể hiện mình như một tổ chức chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Hội Nông dân xã Phong Mỹ đã có bước chuyển mình quan trọng trong việc thành lập Hội Bảo tồn thiên nhiên vì cuộc sống với tiêu chí ”bảo tồn thiên nhiên vì cuộc sống của thế hệ tương lai“. Bắt đầu hoạt động từ năm 2006 với số lượng hội viên khiêm tốn chỉ 30 người có cùng quyết tâm bảo vệ môi trường sống, hiện nay số lượng hội viên không chỉ tăng lên về mặt số lượng (95 người) mà chất lượng của hội đã từng bước được nâng cao. Nguồn kinh phí ban đầu do Chi cục Kiểm lâm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình kết hợp bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động sản xuất nông lâm kết hợp, trồng rừng kinh tế gắn với phủ xanh đất trống, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Đến nay Hội này đã chủ động trong việc quản lý các nguồn tài trợ cũng như xin tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Một ví dụ điển hình khác về vai trò của các tổ chức đoàn thể là Đoàn Thanh niên xã Hồng Vân (huyện A Lưới) với nhiều hoạt động khá tiêu biểu như tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, tuần tra bảo vệ rừng, tổ chức tìm hiểu và đánh giá tài nguyên rừng. Thông qua các hoạt động thường nhật, Đoàn Thanh niên đã lồng ghép các hoạt động bảo tồn thiên nhiên vào chương trình hoạt động chính. Hoạt động đó cảm hóa nhiều đối tượng từng có tác động xấu đến tài nguyên thiên nhiên.

Vai trò của cộng đồng dân cư địa phương: Một thực tế hiển nhiên là đời sống của một bộ phận người dân phải dựa vào tài nguyên thiên nhiên thông qua các hoạt động săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản làm nơi trú ngụ, chất đốt, thuốc chữa bệnh, thức ăn hằng ngày, khai phá đất đai làm nương rẫy sản xuất lương thực,... Tài nguyên thiên nhiên của chúng ta với nhiều loại có giá trị thương phẩm cao nên khi nhu cầu thị trường đòi hỏi đã thôi thúc nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức trong và ngoài địa bàn khai thác dưới mọi hình thức, cả lén lút và công khai, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Có thể khẳng định, tài nguyên thiên nhiên đang bị sức ép rất lớn từ nhiều phía, nhất là cộng đồng người dân địa phương. Xác định được vấn đề đó, nhiều mô hình đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên đã xuất hiện tại Thừa Thiên Huế với việc đề cao vai trò của người dân địa phương đến hiệu quả quản lý. Các tiêu chí hoạt động, hình thức hoạt động và đối tác thực hiện cho các hoạt động đều lấy người dân làm tâm điểm. Hình thức quản lý mới này không mang tính áp đặt từ trên xuống, mà các nhà quản lý nhạy bén đã biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển sinh kế người dân địa phương. Cộng đồng người dân địa phương tham gia nhiều lĩnh vực trong hoạt động bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên tại Thừa Thiên Huế, vai trò của họ là không nhỏ trong kết quả đạt được như ngày hôm nay. Họ chính là những người sống ở gần nguồn tài nguyên nhất, có điều kiện theo dõi, kế thừa thông tin lịch sử diễn biến, có kiến thức bản địa truyền thống. Lợi ích của nguồn tài nguyên thiên nhiên thật sự gắn bó trực tiếp, thường xuyên đối với cộng đồng người dân địa phương nên chính họ sẽ là lực lượng thường xuyên tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy nó. Cộng đồng địa phương là tai mắt, là lực lượng nòng cốt chính trong tất cả các hoạt động nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác tài nguyên trái phép cũng như góp phần phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Chúng ta đã biết phát huy vai trò hệ thống quản lý nhà nước từ cấp cơ sở là trưởng thôn, chi bộ thôn đến những người có uy tín trong thôn như già làng, trưởng bản để cảm hóa cũng như hướng mọi người đến với nét văn hóa và truyền thống của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng thu hẹp cả về chất và lượng như thực tế hiện nay.

Hạn chế của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn. Định hướng đồng quản lý là một hướng đi hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây chỉ là sáng kiến của một bộ phận nhỏ nhà quản lý tại Việt Nam dám đi tiên phong cho dù gặp rất nhiều rào cản về thể chế, chính sách. Chúng ta có thể thấy rằng, các mô hình này đang được thực hiện thí điểm với sự đầu tư kinh phí của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước có tâm huyết về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở một vài địa phương tại Việt Nam. Trong khi các nước khác đã áp dụng thành công thì chúng ta chỉ mới dừng lại ở mức thí điểm để áp dụng những kiến thức tiến bộ của thế giới kết hợp với kiến thức bản địa của cộng đồng địa phương. Có thể nhìn nhận rằng, cộng đồng địa phương tham gia còn mang tính thụ động do bản thân họ chưa có quyền lợi cụ thể gì gắn liền với trách nhiệm mà bản thân họ đã tích cực tham gia. Đâu là rào cản chính của vấn đề này? Cái chính là các điều luật về quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta còn nhiều bất cập. Hơn thế mô hình đồng quản lý còn rất mới mẻ ở Việt Nam nên các quy định, thể chế, quyền và trách nhiệm của những thành phần tham gia chưa được cụ thể hóa. Ngoài ra chúng ta cũng không thể không nhắc đến các nguyên nhân khác ảnh hướng đến vấn đề này như sự đói nghèo của đại bộ phận người dân địa phương, nhận thức còn hạn chế, và lợi ích thực thụ của chính cộng đồng địa phương. Quyền năng của cộng đồng dân cư theo luật pháp còn rất hạn chế; triển vọng của việc phát triển chính sách đối với họ có thể bị các nhóm lợi ích khác thao túng. Các nước trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình đồng quản lý tài nguyên với tâm điểm nâng cao giá trị tham gia của cộng đồng địa phương. Nếu biết áp dụng hài hòa giữa những tiến bộ khoa học này với những kiến thức của chính chúng ta thì việc thành công trong phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên là trong tầm tay. Tuy nhiên, cần phải cụ thể hóa các mô hình để nhân rộng ra các địa phương khác cũng như đệ trình lên các cấp có thẩm quyền nhằm hợp pháp hóa hình thức quản lý này.

Định hướng công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Thừa Thiên Huế.

Chính sách và quy hoạch bảo tồn: Đây được xem là công tác chủ đạo có tính định hướng cho các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều văn bản quan trọng liên quan đến bảo tồn; tăng cường một số biện pháp ngăn chặn các hành vi khai thác tài nguyên bất hợp pháp...UBND tỉnh còn tổ chức phối hợp liên ngành các cơ quan, đoàn thể cùng hành động bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học, xây dựng chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, và thực hiện các dự án để thành lập các khu bảo tồn biển như Hải Vân - Sơn Trà, khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Nghiên cứu bảo tồn: Nghiên cứu hiện trường kết hợp với hoạt động bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được thực hiện và được bổ sung vào dữ liệu đa dạng sinh học. Một bản đồ phân bố loài sao la tại Thừa Thiên Huế đã được xây dựng từ các cuộc khảo sát tại các huyện Nam Đông, A Lưới và Hương Thủy và Chi cục Kiểm lâm đang xúc tiến dự án thành lập khu bảo tồn loài này tại huyện A Lưới với diện tích hơn 12.000ha. Các loài voọc, gà lôi lam cũng được nghiên cứu tại khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền với kết quả cho thấy những quần thể này đang có mặt và sinh trưởng rất tốt. Trong khuôn khổ nghiên cứu bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm thực hiện dự án Hành lang xanh do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) hiện triển khai có hiệu quả. UBND tỉnh đã xây dựng một kế hoạch giám sát và đánh giá đa dạng sinh học trong dải Hành lang xanh nối khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền với Vườn quốc gia Bạch Mã. Ngoài ra các đánh giá bảo tồn cũng đang được thực hiện với mục tiêu phát triển bền vững gắn với việc nâng cao đời sống người dân. Một trong những hoạt động thiết thực trong giai đoạn hiện nay là Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng WWF, Quỹ ủy thác lâm nghiệp (TFF) đánh giá tài chính bền vững cho Vườn quốc gia Bạch Mã. Chương trình này sẽ mở ra cho các nhà quản lý tài nguyên thiên nhiên một cái nhìn mới về mối liên hệ mật thiết giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.

Truyền thông giáo dục bảo tồn: Đây là hoạt động được tiến hành thường xuyên. Các hoạt động này đã lôi kéo rất nhiều người dân địa phương và các nhóm cộng đồng tham gia. UBND tỉnh đang phấn đấu nhân rộng các hoạt động này theo cách tự quản như là một tổ chức cộng đồng và cơ quan quản lý bảo tồn chỉ đóng vai trò tư vấn. Thực tế, hoạt động này đang đi vào chiều sâu với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng và không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nâng cao nhận thức mà còn kết hợp với việc thực hiện các mô hình ứng dụng kỹ năng trong các hoạt động lâm nghiệp như xây dựng vườn ươm cộng đồng, tạo cảnh quan cho môi trường nông thôn. Có thể nói hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đạt được kết quả tốt đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác về mọi mặt của cơ quan quản lý với chính quyền địa phương, nhất là cộng đồng dân cư địa phương. Để thúc đẩy quá trình tham gia của các địa phương, nhất là các nhóm cộng đồng vào hoạt động bảo tồn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực nhân rộng các mô hình tổ bảo tồn cộng đồng tại các huyện, xã nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về thực thi kỹ thuật và đa dạng sinh học cho các hoạt động này.

Nguyễn Quang Hòa Anh

Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế


Số lượt đọc:  1167  -  Cập nhật lần cuối:  25/06/2008 02:07:47 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH