Số 5 năm 2008

Kiểm lâm Việt Nam 35 năm xây dựng, trưởng thành

Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Trải qua, ba mươi lăm năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng kiểm lâm đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Lực lượng kiểm lâm được thành lập trong một bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn gay go ác liệt nhất, cả nước tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong hoàn cảnh đó, lực lượng kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn cả về nhân lực và cơ sở vật chất, nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng, tình yêu rừng núi; cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức kiểm lâm đã xây dựng lực lượng ngày một lớn mạnh.

Năm 1975, khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng kiểm lâm nhân dân đã nhanh chóng triển khai tổ chức và hoạt động ở các tỉnh thành phía Nam. Trong giai đoạn này, lực lượng kiểm lâm gặp không ít khó khăn. Với chức năng chủ yếu là bảo vệ rừng, lực lượng mỏng phải dàn trải trên suốt chiều dài đất nước, lực lượng kiểm lâm đã gắn bó chặt chẽ với chính quyền các địa phương, phối hợp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội vận động quần chúng nhân dân bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của đất nước. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm luôn luôn phải đối mặt với những phần tử chống phá cách mạng, đặc biệt là tổ chức fulrô. Để bảo vệ rừng, chúng ta không chỉ phải đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ mà cả xương máu, đã có nhiều đồng chí dũng cảm đấu tranh và hy sinh trước mũi súng fulrô hoặc những kẻ phá rừng hung hãn.

Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, có thể khái quát sự phát triển về tổ chức của lực lượng kiểm lâm theo các giai đoạn sau đây:

Giai đoạn thứ nhất, từ 1973-1979 (lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo Nghị định 101/CP). ở Trung ương: Cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp. Tại địa phương, Chi cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc Cục Kiểm lâm nhân dân.

Giai đoạn thứ hai, từ 1980-1994 (lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo Nghị định 368/CP). ở Trung ương, Cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc Bộ Lâm nghiệp; ở cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc Ty Lâm nghiệp; ở cấp huyện Hạt Kiểm lâm nhân dân trực thuộc ủy ban nhân dân Huyện.

Giai đoạn thứ ba, từ 1994-2006 (lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo Nghị định 39/CP). ở trung ương: Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ở cấp tỉnh nơi có rừng Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; ở cấp huyện Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.

Giai đoạn thứ tư, từ 2007 đến nay (lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP). ở Trung ương: Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; ở cấp huyện Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.

Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, lực lượng kiểm lâm luôn được sự quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng, giáo dục, quản lý của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy Đảng, lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban nhân các cấp, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của nhân dân. Nhờ đó, Kiểm lâm Việt Nam không ngừng rèn luyện, trưởng thành cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thành tựu nổi bật chúng ta đã đạt được chủ yếu như sau:

Một là, hệ thống thể chế pháp luật, chính sách quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày càng được hoàn thiện, cơ bản phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn. Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành năm 1991 và sửa đổi vào năm 2004 và hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành (nghị định, thông tư, chỉ thị...) để hướng dẫn, cụ thể hóa luật đã bao quát, điều chỉnh mọi hành vi xã hội trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản. Nhiều chính sách mới trong cơ chế thị trường và xã hội hóa được ban hành mới, sửa chữa, bổ sung, nhất là trong kiểm soát lưu thông lâm sản, giao đất giao rừng, cơ chế hưởng lợi, khoán bảo vệ rừng...

Hai là, tổ chức và thực hiện ngày càng có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 35 năm qua, lực lượng kiểm lâm đã thường xuyên bám rừng, thanh tra, kiểm tra về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, đường dây phá rừng nguy hiểm, trừng trị kẻ cầm đầu, cố tình vi phạm. Từ năm 2003 đến năm 2007, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý trên 200 ngàn vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, thu nộp ngân sách trên 600 tỷ đồng. Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm dần qua các năm.

- Cuộc đấu tranh để quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn diễn ra rất gay gắt, phức tạp, có lúc, có nơi trở thành “điểm nóng”, lâm tặc không từ một thủ đoạn nào để tẩu tán tang vật, mua chuộc người thi hành công vụ, các hành vi đó đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho lực lượng kiểm lâm. Chỉ tính từ năm 2002 đến nay, đã xảy ra hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng, chúng ta đã phải vĩnh biệt hàng chục đồng chí và chia sẻ sự mất mát xương máu của hàng trăm đồng chí. Thực tiễn này đang đặt ra cho chúng ta phải tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, đầu tư phương tiện, công cụ hỗ trợ, quan tâm giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức để đủ sức khống chế, ngăn ngừa, trừng trị kiên quyết lâm tặc để bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán bộ, công chức và góp phần giáo dục ý thức công dân.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm đã tham gia tích cực công tác quy hoạch, định hình lâm phần rừng ổn định, phân loại 3 loại rừng (rừng đặc dụng 2.202.888ha, rừng phòng hộ 5.268.789ha, rừng sản xuất 5.402.172ha). Lực lượng kiểm lâm đã làm nòng cốt trong công tác giao đất lâm nghiệp, từng bước làm cho rừng có chủ. Hướng dẫn gần 40.000 cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức và xây dựng trên 33.000 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở. Phân công trên 4.000 cán bộ kiểm lâm về làm việc ở cơ sở cấp xã, làm cho lực lượng kiểm lâm thực sự bám dân, bám rừng, gắn với chính quyền cơ sở, tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ hơn chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng.

- Bằng một loạt các biện pháp đồng bộ theo chủ trương xã hội hóa trong ngành lâm nghiệp, chúng ta đã góp phần đưa độ che phủ của rừng từ 28% năm 1993 lên 38% 2006, đến nay cả nước có 12.873.850ha rừng, gồm 10.410.141ha rừng tự nhiên, 2.463.709ha rừng trồng, so với 5 năm trước, diện tích rừng cả nước đã tăng hơn 1 triệu hécta; trữ lượng rừng, sản lượng lâm sản hàng hóa đang tăng nhanh.

- Tích cực, chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ huy các cấp về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đã làm tốt vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp và điều phối sự phối, kết hợp với các cơ quan có liên quan, trước hết là lực lượng Công an, Quân đội để chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là tại các khu vực trọng điểm. Thường xuyên cảnh báo cấp dự báo cháy rừng, xây dựng hàng vạn cây số đường băng, kênh mương cản lửa, hàng nghìn bảng, biển báo tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho hàng vạn lượt người. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được tổ chức theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý lửa rừng. Nguyên nhân cơ bản gây cháy rừng (canh tác nương rãy) đã và đang có chương trình giải quyết, cùng với công tác tuyên truyền, vận động trong xã hội, nên hậu quả do cháy rừng gây ra được giảm thiểu, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng từng bước đi vào nền nếp.

- Đã định hình hệ thống rừng đặc dụng quốc gia, công tác Bảo tồn thiên nhiên được quan tâm hơn. Từ khu rừng cấm Cúc Phương được thành lập năm 1962, đến nay đã định hình một hệ thống 164 khu rừng đặc dụng, trong đó có 30 vườn quốc gia (1.077.236,13ha), 69 khu bảo tồn thiên nhiên (1.099.736,11ha), 58 khu dự trữ thiên nhiên (1.060.958.87ha), 11 khu bảo tồn loài/sinh cảnh (38.777,24ha), 45 khu bảo vệ cảnh quan (78.129,39ha) và 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học (10.652,25ha). Hệ thống này đã bao quát hầu hết các hệ sinh thái rừng, biển đặc trưng của quốc gia, chứa đựng giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa, môi trường cao, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, đang được bảo tồn, đảm bảo sự phát triển bền vững và phồn thịnh cho các thế hệ tương lai. Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020; chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang được lực lượng kiểm lâm tích cực tổ chức thực hiện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng, tranh thủ sự trợ giúp về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của quốc tế. Hàng trăm dự án hỗ trợ quốc tế được thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên. Lực lượng kiểm lâm được Nhà nước giao tham gia và thực hiện nhiều Công ước quốc tế như: Công ước Bảo tồn đa dạng sinh học, Công ước CITES, Hiệp định về khói bụi xuyên biên giới... đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm của nước thành viên, thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ cam kết, tham gia vào các chương trình điều phối chung, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Ba là: Tiếp cận, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý:

- Kiểm lâm đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; Website Kiểm lâm trên mạng Intranet và Internet tạo cầu nối thông tin xuyên suốt trong toàn lực lượng kiểm lâm. Tại địa phương, đã có 35 tỉnh xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu ban đầu từ việc nạp các thông tin kết quả kiểm kê rừng vào máy tính; số hóa và biên tập bản đồ rừng cấp xã và tổ chức thu thập thông tin thực địa để cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

- Xây dựng triển khai nhiều phần mềm ứng dụng như phần mềm tạo lập cơ sở dữ liệu diễn biến rừng, theo dõi vi phạm pháp luật, quản lý tài chính; triển khai lắp đặt trạm vệ tinh viễn thám (MODIS) phục vụ việc theo dõi diễn biến rừng, phát hiện các điểm cháy trong cả nước.

- Từng bước trang bị hệ thống mạng vi tính của lực lượng kiểm lâm ngày một hoàn thiện, hầu hết cán bộ, công chức kiểm lâm sử dụng được máy vi tính trong các ứng dụng phục vụ nhiệm vụ công tác chuyên môn.

- Hoàn thành phần mềm dự báo cháy rừng để Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát bản tin cháy rừng từ 15/12/2002 và Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ 01/01/2003. Hiện nay, cảnh báo cháy rừng được duy trì thường xuyên có tác dụng tốt trong việc nâng cao ý thức, chủ động trong công phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bốn là: Xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ trong sạch vững mạnh. Đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn quốc có 10.115 người, trong đó trình độ đại học và trên đại học có 3.136 người chiếm 31%; trình độ trung cấp có 5.563 người chiếm 45%; trình độ sơ cấp có 1.416 người chiếm 24%.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức kiểm lâm luôn được coi trọng, “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức kiểm lâm và chủ rừng giai đoạn 2006-2010”, “Chương trình đào tạo khuyến lâm cho kiểm lâm địa bàn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đang triển khai thực hiện. Gắn liền với công tác đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao với việc tổ chức xây dựng lực lượng, đưa kiểm lâm về phụ trách địa bàn cấp xã theo phương châm kiểm lâm “bám dân, bám rừng”. Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo đưa trên 4.000 công chức kiểm lâm về hoạt động tại địa bàn 4.176 xã có nhiều rừng.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các đợt tuyên truyền theo chủ đề về quản lý, bảo vệ rừng, thừa hành pháp luật, ngăn ngừa những hành vi vi phạm, giới thiệu điển hình, gương người tốt, việc tốt, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công chức kiểm lâm đã dũng cảm bảo vệ rừng như với đồng chí Hoàng Minh Huệ (Quảng Bình), Vũ Văn Trung (Khánh Hòa), Mai Duy Bình (Hải Phòng), Nguyễn Xuân Ngọc (Vĩnh Phúc)... đã tạo niềm tin cho cán bộ công chức toàn lực lượng.

- Tổ chức kiểm lâm được kiện toàn và tổ chức gắn bó trong ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã mang đến nhiều cơ hội hơn trong việc phối hợp, chỉ đạo của toàn ngành, Kiểm lâm có điều kiện thực hiện toàn diện công tác bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở, tạo sự gắn bó hơn với nhân dân.

- Hệ thống chính sách đãi ngộ, trang bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, lâm phục... được Nhà nước quan tâm hơn, tạo cho lực lượng kiểm lâm có vị thế pháp lý và điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.

- Toàn lực lượng luôn tự chỉnh đốn kỷ cương lao động, tiếp tục cải cách hành chính, nhất là trong việc quan hệ, giải quyết công việc của tổ chức, công dân, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đấu tranh với những biển hiện tiêu cực, tha hóa, xa rời mục tiêu lý tưởng cách mạng, chúng ta đã kiên quyết kỷ luật hàng trăm cán bộ, công chức vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Với những thành tựu cơ bản trên đây, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý gồm: 7 huân chương lao động hạng nhất, 18 huân chương lao động hạng nhì, 21 huân chương lao động hạng ba và nhiều phần thưởng khác của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Nhìn lại 35 năm qua, chúng ta khẳng định rằng lực lượng kiểm lâm cả nước đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách để giữ gìn màu xanh cho tổ quốc. Trân trọng và tự hào về tất cả những thành tựu đã đạt được; đồng thời cũng cần nhìn thẳng sự thật, thấy hết những yếu kém, tồn tại hiện nay, rút ra những bài học, kinh nghiệm từ những thành công khắc phục những mặt hạn chế trước thực tế là tài nguyên rừng còn bị xâm hại, nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán trái phép lâm sản, động vật hoang dã vẫn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng đang là mối quan tâm của toàn xã hội.

Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các tổ chức chính trị xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Ban, Ngành trung ương, ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân cả nước đã chỉ đạo, bồi dưỡng, giáo dục, giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ lực lượng kiểm lâm trong suốt 35 năm qua và nguyện đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống vẻ vang, khắc phục những hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

TS.Hà Công Tuấn

Cục trưởng Cục Kiểm lâm


Số lượt đọc:  975  -  Cập nhật lần cuối:  25/06/2008 02:21:03 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH