Số 5 năm 2008

Kiểm lâm Lào Cai: Lực lượng đi đầu bảo vệ và phát triển rừng

Lào Cai là tỉnh biên giới phía bắc có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiến gần 80%. Rừng không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng. Bảo vệ rừng là công việc luôn được Lào Cai chú trọng. Cùng với việc thành lập lực lượng kiểm lâm cả nước, ngày 1/7/1974, Chi cục Kiểm lâm Lào Cai được thành lập. 34 năm qua, Kiểm lâm Lào Cai có nhiều thay đổi về tổ chức do chính sách của Nhà nước, do tách nhập tỉnh.

Giai đoạn 1974-1976, đây là thời kỳ đầu mới thành lập. Cán bộ chủ yếu là công nhân bảo vệ rừng của Ty Lâm nghiệp, bộ đội và công an chuyển ngành. Thời kỳ này toàn tỉnh được biên chế 181 người, điều này chứng tỏ sự cần thiết của công tác bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc ủy ban hành chính do ông Lương Văn Sìn, nguyên cán bộ Ban tổ chức tỉnh ủy cử sang làm chi cục trưởng. Bộ máy Chi cục có 4 phòng, 1 đội chữa cháy rừng và 6 hạt kiểm lâm trực thuộc ủy ban hành chính huyện. Giai đoạn 1976-1991: đây là giai đoạn mang tên Chi cục Kiểm lâm nhân dân Hoàng Liên Sơn (sáp nhập bởi 3 chi cục kiểm lâm nhân dân: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ). Thời kỳ đầu Chi cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc UBND tỉnh. Năm 1979, Chính phủ ban hành Nghị định 368, tới năm 1980, Chi cục Kiểm lâm nhân dân chuyển về trực thuộc Sở Lâm nghiệp. Văn phòng Chi cục thu gọn còn 2 phòng: Quản lý bảo vệ rừng và Pháp chế. Năm 1988, Sở Lâm nghiệp hợp nhất với Sở Nông nghiệp thành Sở Nông lâm nghiệp. Chi cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc Sở Nông lâm nghiệp do ông Trần Quyết làm chi cục trưởng kiêm phó giám đốc sở. Bộ máy văn phòng có Phòng Hành chính, Quản lý bảo vệ rừng, Pháp chế và Đội kiểm lâm lưu động, Hạt kiểm lâm các huyện, thị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm nhân dân. Thời kỳ 1980-1988, các hạt kiểm lâm sáp nhập vào phòng lâm nghiệp, phòng nông nghiệp hoặc văn phòng UBND huyện. Giai đoạn này hoạt động thừa hành pháp luật về lâm nghiệp của kiểm lâm không cao, bị chi phối nhiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Giai đoạn 1991-1995: năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách thành 2 tỉnh là Lào Cai và Yên Bái. Chi cục Kiểm lâm nhân dân Lào Cai được tái thành lập và trực thuộc Sở Nông lâm nghiệp. Ông Nguyễn An Toàn, phó gián đốc sở kiêm chi cục trưởng. Tổng biên chế 137 người (19 người trình độ đại học). Giai đoạn 1995-7/2007: Đây là giai đoạn Chi cục Kiểm lâm hoạt động theo Nghị định 39. Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh (Kiểm lâm nhân dân được gọi là Kiểm lâm). Ông Nguyễn Quang Hưng được bổ nhiệm làm chi cục trưởng. Thời kỳ này tổng biên chế là 169 người (25 người trình độ đại học). Giai đoạn 7/2007 đến nay: Chi cục Kiểm lâm hoạt động theo Nghị định 119, theo đó Chi cục Kiểm lâm lại chuyển về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Nguyễn Quang Hưng được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời làm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Bộ máy Chi cục có các phòng: Hành chính, Tổ chức cán bộ, Quản lý bảo vệ rừng, Thanh tra Pháp chế, Bảo tồn thiên nhiên, Đội Kiểm lâm cơ động và Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. 9 hạt kiểm lâm cấp huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Tổng biên chế 235 người (131 người trình độ đại học).

Như vậy, trải qua 35 năm, mặc dù có nhiều thay đổi về địa giới hành chính, kiểm lâm Lào Cai trải qua 5 thời kỳ khác nhau với nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn vất vả, phức tạp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng Kiểm lâm Lào Cai luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác quản lý rừng đã chú trọng xây dựng các dự án, đề án, kế hoạch bảo vệ rừng theo 3 loại: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất kinh doanh. Các tiến bộ kỹ thuật cũng được vận dụng để quản lý tài nguyên rừng, xây dựng các dự án thành lập Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên-Văn Bàn để kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư bảo vệ. Bên cạnh đó, lực lượng còn làm tốt công tác giao đất giao rừng, vận động trồng cây lâm nghiệp xã hội và trang trại rừng, vườn rừng, khoanh nuôi tái sinh khoán bảo vệ rừng, độ che phủ rừng tăng dần. Từ khi chia tách tỉnh đến nay, độ che phủ rừng tăng bình quân mỗi năm 2%, nâng diện tích rừng toàn tỉnh hiện lên 307.435ha, tỉ lệ che phủ 47,04%.

Công tác bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ đi vào chiều sâu theo hướng bảo vệ tại gốc và thực hiện xã hội hóa hoạt động này. Đã xây dựng các đề án kế hoạch bảo vệ rừng, củng cố duy trì Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, PCCCR các cấp, các tổ đội xung kích PCCCR, bảo vệ rừng ở địa phương cơ sở. Xây dựng phương án phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng và chính quyền địa phương, các chủ rừng để làm tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR, phòng trừ sâu bệnh hại rừng và ngăn chặn việc buôn bán, săn bắn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã. Trong công tác thừa hành pháp luật về lâm nghiệp, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm lâm với các ngành khối nội chính và chính quyền các cấp đã tạo ra sức mạnh tổng hợp đấu tranh ngăn chặn phá rừng, chống buôn lậu lâm sản có hiệu quả. Kết quả, số vụ vi phạm và diện tích thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm, trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về phá rừng, cháy rừng và buôn bán lâm sản trái phép, rừng được bảo vệ tốt, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và thừa hành pháp luật về lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Lào Cai đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007). Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua.

Trong thời gian tới, mặc dù tổ chức đã được kiện toàn và thống nhất, các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước ngày càng đầy đủ và hoàn thiện, song cũng còn nhiều thách thức như: khí hậu thời tiết có những biến động bất thường, nhu cầu xã hội về lâm sản, sức ép với tài nguyên rừng tăng làm cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng khó khăn phức tạp. Do vậy, lực lượng Kiểm lâm cần tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng và thừa hành pháp luật về lâm nghiệp. Kiểm lâm còn được giao các nhiệm vụ thực hiện việc giao rừng, khuyến lâm và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng ở cơ sở. Vì vậy, cán bộ kiểm lâm phải có năng lực chuyên môn giỏi, phương pháp công tác tốt, có như vậy mới làm tròn vai trò nòng cốt, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm cần phối hợp chặt chẽ với Chi cục Lâm nghiệp, các ngành hữu quan và các địa phương thực hiện tốt các chương trình dự án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, các dự án về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, phối hợp để xây dựng Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đến 2015 và định hướng đến 2020. Xây dựng các đề án, dự án phát triển rừng kinh tế theo tinh thần Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Dự án hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy; Đề án giao rừng, cho thuê rừng... Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của địa phương theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp. Thực hiện tốt kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng đóng quân trên địa bàn, cùng các đơn vị trong ngành nông nghiệp, Vườn quốc gia Hoàng Liên và các chủ rừng chống lấn chiếm đất rừng, chống chặt phá rừng, chống buôn lậu lâm sản và phòng chống cháy rừng. Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong việc bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn miền núi và vùng đồng bào dân tộc.

Quang Hưng - Đình Quảng

Chi cục Kiểm lâm Lào Cai


Số lượt đọc:  1063  -  Cập nhật lần cuối:  25/06/2008 02:11:52 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH