Số 4

Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, cơ hội và thách thức đối với công tác bảo tồn

Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được chính thức công nhận vào tháng 9/2007 với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có các giá trị nổi bật sau: có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam á với tổng diện tích 1.303.285ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về habitas và các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc giảm bớt khó khăn về chia cắt nơi sống (habitat fragmentation) do các hoạt động kinh tế của con người tạo ra.

Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. Trong khu vực có 1.297 loài thực vật đã được điều tra và ghi nhận. Một báo cáo gần đầy nhất thì khu vực này có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn...; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá và 39 loài dơi. Đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong số các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam với 9 dân tộc. Đặc biệt có 2 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An và đang trong tình trạng bị suy thoái, mai một nghiêm trọng về bản sắc văn hóa đó là dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3.000 nhân khẩu ở huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương). Đây là khu vực nghiên cứu lý tưởng về sự biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của con người với các đỉnh núi cao như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đin Pù Mát....

Khu dự trữ sinh quyển Miền tây Nghệ An được công nhận có ý nghĩa rất lớn, có thể xem đây như một “thương hiệu” về đa dạng sinh học, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc Miền tây Nghệ An; sự công nhận về thành quả trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ mội trường, bảo vệ và giữ gìn truyền thống bản sắc dân tộc trên địa bàn của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Sự kiện này đang mở ra những cơ hội mới đối với công tác bảo tồn của các khu rừng đặc dụng tại Nghệ An. Khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển nghĩa là chúng ta đã đăng ký với Thế giới một “thương hiệu” về đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì thế chúng ta được quan tâm, chú ý nhiều hơn từ các nước, các tổ chức, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, đầu tư và hỗ trợ nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của khu dự trữ sinh quyển. Các hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học sẽ có cơ hội được đầu tư nhiều hơn, đi sâu nghiên cứu và tiếp tục tìm ra những cái mới, các giá trị mà chúng ta chưa biết đến, qua đó sẽ làm tăng giá trị của công tác bảo tồn. Khu dự trữ sinh quyển được xem như “phòng thí nghiệm sống học tập cho phát triển bền vững” cung cấp các dữ liệu để các nhà khoa học dựa vào đó xây dựng các giả thiết mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Các nghiên cứu chuyên sâu, giám sát lâu dài về các quá trình sinh thái và đa dạng sinh học cũng sẽ được tiến hành.

Khu dữ trữ sinh quyển đưa đến một tư duy mới về khoa học bảo tồn, nó cho thấy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên bên trong và xung quanh những khu vực, thể hiện cách làm sao cho hài hòa, đáp ứng nhu cầu bền vững và tiến tới một tương lai bền vững. Tư duy này hoàn toàn mới so với tư duy về “khu bảo vệ”, “khu bảo tồn”, “bảo vệ nghiêm ngặt”... với những cố gắng tách con người và các hoạt động của họ ra khỏi các khu vực này đang trở nên dễ đổ vỡ do đảo lộn các mối quan hệ vốn có giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Khu dự trữ sinh quyển mang lại cơ hội cho khu vực trong việc thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ trong nước và quốc tế. Cộng đồng địa phương sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, duy trì các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Khi các lợi ích được đảm bảo, đời sống kinh tế tăng cao, nhận thức của người dân được cải thiện thì áp lực của cộng đồng địa phương lên tài nguyên rừng ở các khu vực bảo vệ sẽ giảm xuống, giá trị đa dạng sinh học được duy trì và phát triển. Các cơ quan, chính quyền địa phương các cấp sẽ được cung cấp nhiều thông tin nhằm làm tốt hơn việc quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, bảo tồn về bản sắc văn hóa dân tộc. Cơ hội giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa các khu dự trữ sinh quyển trong nước cũng như quốc tế sẽ được diễn ra thuận lợi hơn và thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, khái niệm về khu dự trữ sinh quyển đang là một vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này. Việc quản lý khu dự trữ sinh quyển như thế nào để đạt hiệu quả đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Vườn quốc gia Pù Mát, các khu bảo tồn thiên nhiên và chính quyền địa phương. Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ tốt tính đa dạng sinh học, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc trong khu vực. Cần có tư duy mới trong chiến lược bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của những người sống trong khu dự trữ sinh quyển. Đây thực sự là một thách thức lớn với các khu rừng đặc dụng vì nhận thức của người dân đối với các quy định của Nhà nước về công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ di sản, bảo vệ danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa. Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn còn tư duy quản lý khu bảo tồn đó là cố gắng tách con người ra khỏi các khu quản lý. Khi tham gia mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới chúng ta đã tham gia hội nhập với thế giới nên đội ngũ cán bộ của các khu rừng đặc dụng cần phải được củng cố, nâng cao để ngang tầm và đủ điều kiện hội nhập. Trước mắt còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Nghệ An thì khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An với Trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát sẽ đi vào hoạt động tốt và khai thác hiệu quả những cơ hội để góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn gắn với việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Nguyễn Văn Sinh


Số lượt đọc:  1718  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 01:10:53 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH