Số 3

Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ rừng Cúc Phương

Vườn quốc gia Cúc Phương cách thủ đô Hà Nội 120km về phía Tây - Nam, nằm trong lòng dãy núi Tam Điệp, tổng diện tích là 22.200ha. Cúc Phương có đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, với diện tích chỉ khoảng gần 1/500 diện tích của cả nước nhưng hệ thực vật nơi đây hết sức phong phú, theo số liệu thống kê của các nhà khoa học thì tại Cúc Phương đã phát hiện được 2.192 loài thực vật chiếm tới 17,27% tổng số loài thực vật của Việt Nam. Trong đó có các loài cây quý hiếm như: vù hương (Cinamomum balansae), chò chỉ (Parashorea chinensis) trong đó có cây chò xanh ngàn năm (Terminalia myriocarpa) đã được cố Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Tạo đặt tên vào năm 1962. Cây chò xanh ngàn năm đã trở thành một điểm tham quan hết sức hấp dẫn và nổi tiếng của Cúc Phương.

Cúc Phương có khu hệ động vật rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất đã phát hiện được 125 loài thú, 308 loài chim, 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá và trên 2.000 loài côn trùng. Một số loài thú quý hiếm như báo gấm (Neofelis nebulosa), báo lửa (Felis temminckii), gấu ngựa (Ursus tibetanus), voọc quần đùi trắng (Trachyphithecus delacouri) là loài đặc hữu, loài voọc quý hiếm và tuyệt đẹp này chỉ tìm thấy duy nhất tại Cúc Phương và nó đã trở thành biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương. Cúc Phương là nơi trú ngụ của nhiều loài chim nhiệt đới và di cư từ nơi khác đến trú đông. Trong tổng số 307 loài, Cúc Phương có nhiều loài chim quý hiếm như gà lôi trắng (Lophura nycthemera), phượng hoàng đất (Buceros bicornis), gõ kiến đầu đỏ (Picus rabieri), đuôi cụt bụng vằn (Pitta elliotii) là loài chim tuyệt đẹp và đặc hữu của vùng Đông Dương. Thế giới côn trùng cũng rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là các loài bướm ngày. Đến mùa hè chúng ta có thể bắt gặp từng đàn bướm bay từ Trung tâm rừng dọc theo trục đường chính ra ngoài như những dòng sông màu sắc không ngừng tuôn chảy.

Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với những tên gợi cảm như động Sơn cung, động Phò mã giáng... Đặc biệt một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm, như Động người xưa, hang Con moong. Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch của loài động vật có xương sống, theo kết luận ban đầu của Viện cổ sinh học Việt Nam đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến (Placodontia), sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm.

Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận của 15 xã của 4 huyện thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Cộng đồng dân cư sống quanh Cúc Phương ước tính lên đến trên 70.000 người đã biến Cúc Phương thành hòn đảo xanh giữa biển người. Cúc Phương chịu một sức ép rất lớn từ phía cộng đồng dân cư đang sống trong vùng. Việc người dân xâm hại vào rừng vẫn còn tiếp diễn với những mức độ vi phạm khác nhau.

Xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên rừng, nhiều năm qua Vườn quốc gia Cúc Phương đã đẩy mạnh hàng loạt các biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ rừng tận gốc. Một trong những biện pháp đó là công tác tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm được chia thành 13 trạm và 1 đội cơ động, các trạm kiểm lâm này được giao bảo vệ theo các tiểu khu.

Trong quá trình tuần tra, kiểm lâm viên phải ghi chép mọi diễn biến, mọi sự thay đổi của tài nguyên rừng vào sổ “niên ký”. Hàng năm, Vườn tổ chức tổng kiểm tra rừng với các thành phần chủ yếu là các đơn vị không phải là kiểm lâm để đánh giá khách quan hiệu quả công việc trong năm của các trạm kiểm lâm.

Tuy nhiên, với ghi chép dựa vào kinh nghiệm của các kiểm lâm viên theo kiểu mô tả vị trí các điểm bị xâm hại, ranh giới tiểu khu... sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm kê. Vì thế tháng 6/2008, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức khóa tập huấn sử dụng máy định vị (Global Posistion System-GPS), la bàn và bản đồ. Toàn bộ trạm trưởng và kiểm lâm viên của đội cơ động, lãnh đạo Hạt có thể sử dụng những kiến thức trên trong việc tuần tra rừng của mình. Khóa học đã được chuẩn bị kỹ về nội dung lý thuyết và các bài tập thực hành trên thực địa như tính toán khoảng cách trên bản đồ, cách tìm vị trí tọa độ đã biết trên bản đồ và hướng đi từ các điểm khác nhau trên bản đồ... sau mỗi phần lý thuyết các học viên phải tham gia thực hành trực tiếp trên máy GPS để làm quen và sử dụng nhuần nhuyễn thiết bị này. Vườn trang bị cho mỗi trạm kiểm lâm, đội cơ động 01 máy GPS, pin nạp và bộ nạp pin, la bàn và bản đồ. Đồng thời trang bị 01 bộ máy tính cài các phần mềm bản đồ trợ giúp như Mapsource, Mapinfo để quản lý số liệu được tải từ các máy GPS đã giao cho các Trạm đặt tại văn phòng Hạt Kiểm lâm. Hàng tháng trong các lần họp giao ban, các trạm chuyển máy GPS để tải toàn bộ dữ liệu đã lưu vào máy vi tính, trong đó thể hiện các tọa độ, đường đi, thời gian, ngày tháng đã tuần tra một cách rất khách quan.

Vườn yêu cầu các trạm kiểm lâm khi tuần tra phải đánh dấu tọa độ theo những nội dung các vụ xâm hại vào rừng như chặt cây, lán và dấu vết của thợ săn trong rừng, những vùng thường bị tác động thu hái cây thuốc để khoanh vùng ưu tiên tập trung bảo vệ. Kiểm lâm còn có trách nhiệm đánh dấu cây có giá trị cao, cây quý hiếm cần được bảo tồn duy trì nòi giống để cung cấp cho những nhà nghiên cứu khoa học và trạm nghiên cứu thực hiện công tác nghiên cứu về vật hậu và thu hái quả nhằm gieo ươm bảo tồn chuyển vị chúng.

Ban du lịch cũng sử dụng các tọa độ GPS của các loài chim, thú, bò sát lưỡng cư trong thực địa của lực lượng kiểm lâm để xây dựng những tuyến, điểm tham quan du lịch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái nhằm phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu để phát triển. Xây dựng bản đồ tài nguyên rừng kiểm lâm cũng lưu tọa độ của các cây có đường kính 1,3m trên 30cm và các loài động vật quan sát được trong quá trình tuần tra của mình. Sau khi tải dữ liệu tọa độ các điểm trên từ máy GPS, Hạt Kiểm lâm sẽ xây dựng bản đồ tọa độ các cây to, cây, con quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng để đề ra các biện pháp tuần tra, bảo vệ tốt hơn. Lãnh đạo Vườn sử dụng những dữ liệu về tọa độ các điểm trên, ghi chép trong sổ “niên ký” của mỗi trạm kiểm lâm để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng công việc theo định kỳ hàng năm.

Sau gần 6 tháng thực hiện công việc này, các mặt tích cực của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc kiểm tra, đôn đốc các trạm kiểm lâm trong quá trình tuần tra, canh gác tài nguyên rừng tận gốc đã được thể hiện rõ. Các trạm đã chủ động hơn trong công tác của mình, mỗi kiểm lâm viên đã tự thấy có trách nhiệm hơn với công việc, qua đó đã có những tiến bộ nhất định trong việc ghi chép dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và quản lý, bảo vệ rừng.


Số lượt đọc:  1151  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 10:55:23 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH