Số 3

Giám sát cảnh quan bằng điểm ảnh cố định tại đường Hồ Chí Minh qua Thừa Thiên Huế

Dãy Trường Sơn là một trong những vùng quan trọng nhất cho bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Báo cáo đánh giá toàn cầu về các khu vực có ý nghĩa bảo tồn sinh học đã được công nhận là một trong những vùng sinh thái tự nhiên quan trọng nhất của thế giới. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Trung Trường Sơn đã hoàn thành và có những tác dụng trái ngược nhau về xã hội cũng như môi trường sinh thái. Bên cạnh những mặt hạn chế về sự phân chia sinh cảnh, xói lở đất và phá vỡ hệ thống sông ngòi thì bản thân nó cũng mang lại những mặt tích cực cho người dân địa phương như có điện sinh hoạt, trường học, cải thiện nguồn nước sinh hoạt, điều kiện chăm sóc sức khỏe, hệ thống giao thông đi lại và các hoạt động mua bán.

Trong vùng Trung Trường Sơn, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các khu vực rừng quan trọng như Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đak Rông, Phong Điền, Sao La, Sông Thanh và Ngọc Linh. ở Thừa Thiên Huế, đường Hồ Chí Minh dài 99km chạy ngang qua huyện A Lưới và chia cắt 21.246ha rừng với nhiều loại rừng khác nhau như rừng trồng, rừng phục hồi và rừng nguyên sinh. Việc giám sát và đánh giá tác động của đường Hồ Chi Minh là rất quan trọng và hữu ích cho việc phát triển bền vững cảnh quan cũng như ổn định đời sống kinh tế, xã hội của địa phương.

Đã có nhiều phương pháp giám sát tác động của đường Hồ Chí Minh như điều tra trữ lượng rừng, quay phim ô tiêu chuẩn, theo dõi bằng hệ thống ảnh vệ tinh do Cục Kiểm lâm, tổ chức Halfied (Hoa Kỳ) và Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ thực hiện. Tuy nhiên, các phương pháp này không phân tích chi tiết tác động của các tiêu chí như xói mòn, chia cắt sinh cảnh, mức độ phục hồi rừng... Bắt đầu từ tháng 5/2007, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế phối hợp với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thực hiện hợp phần đánh giá tác động của đường Hồ Chí Minh thông qua sử dụng các điểm ảnh hệ thống nhằm phát hiện sự thay đổi khác nhau của chúng.

Khái quát phương pháp điểm ảnh

Các hình ảnh chụp được từ máy ảnh kỹ thuật số là nguồn dữ liệu quan trọng có thể sử dụng để giám sát sự thay đổi về môi trường theo thời gian. ở dạng đơn giản nhất, giám sát bằng phương pháp điểm ảnh liên quan đến việc sử dụng một chiếc máy ảnh để thu được các hình ảnh lặp lại của cùng một quang cảnh, ở cùng một vị trí thuận lợi và phân tích bộ ảnh chụp được để thể hiện những sự thay đổi. 5 câu hỏi cơ bản cần lưu ý khi thực hiện hoạt động giám sát bằng phương pháp điểm ảnh là: tại sao? ở đâu? đối tượng nào? khi nào? và làm như thế nào?

Một nguyên tắc cơ bản trong bất kỳ giám sát nào là thu thập một bộ dữ liệu cơ sở mà từ đó những thay đổi có thể được xác định. Bước khởi đầu trong quá trình giám sát bằng phương pháp điểm ảnh là phải tìm hiểu một cách cẩn thận để có thể thu được các hình ảnh chụp tại các vị trí chụp một cách thành công nhất. Quá trình giám sát bằng phương pháp điểm ảnh bao gồm việc xác định vị trí điểm ảnh, chu kỳ chụp ảnh lặp lại, tỉ lệ ảnh, cách cài đặt máy ảnh, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và trình bày kết quả.

Tiến trình giám sát điểm ảnh

Điểm ảnh chính được bố trí tại các cột mốc giao thông số chẵn trên mỗi đoạn dài 2km. Tại mỗi điểm ảnh chính sẽ chụp 4 ảnh với các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và độ dốc ảnh chụp phụ thuộc vào chủ đề bức ảnh muốn thể hiện. Ngoài ra còn chụp các điểm ảnh chọn tùy theo loại đối tượng được giám sát là xói lở đất dọc theo tuyến đường Hồ Chi Minh, sự phục hồi rừng hay các đường mòn tác động đến rừng. Xuất phát từ các tiêu chí này, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế giám sát tại 22 điểm ảnh cố định và 26 điểm ảnh chọn dọc theo đường Hồ Chí Minh từ vùng giáp ranh tỉnh Quảng Nam đến địa bàn xã A Roàng, huyện A Lưới.

Thời tiết ở Thừa Thiên Huế phân chia rõ thành 2 mùa mưa và nắng, vì thế lịch trình giám sát được thực hiện 2 đến 3 lần trong năm. Tính đến nay, hoạt động giám sát đã thực hiện 5 đợt vào tháng 5/2007, tháng 10/2007, tháng 2/2008, tháng 5/2008 và tháng 7/2008.

Tất cả các ảnh cùng một hướng và chụp tại các thời kỳ khác nhau sẽ được phân tích tập trung vào các điểm đặc trưng theo đối tượng giám sát bằng cách sử dụng lưới kẻ ô vuông. Vẽ phác họa đường nét bao viền bên ngoài đối tượng lựa chọn lên trên lưới kẻ ô bằng giấy bóng mờ và so sánh tổng số ô từ bức ảnh này với tổng số ô từ các bức ảnh khác của cùng một đối tượng giám sát để đánh giá sự thay đổi.

Kết quả giám sát.

Từ các bức ảnh chụp sau 5 đợt giám sát, một số nhận xét ban đầu ở đây được thể hiện với các chủ đề: xói lở đất, mở rộng nương rẫy trái phép, cháy rừng, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng.

Xói lở đất: Xói lở đất xảy ra khi các sườn núi bị ảnh hưởng bởi nước mưa, hoặc khi nước thấm vào trong đất làm giảm cấu kết của đất rồi làm cho đất lở ra. Có 25 vị trí xảy ra xói lở đất trong tổng số 48 điểm nghiên cứu. Hiện tượng xói lở đất xuất hiện vào mùa mưa cho dù đã xây dựng các bức tường xi măng tại các điểm có nguy cơ cao. Không có bất kỳ điểm nào ngưng xảy ra tình trạng xói mòn đất, trong khi có đến 21 điểm có chiều hướng gia tăng theo 5 kỳ khảo sát. Mức độ lở đất trong các bức ảnh tăng dần từ lần giám sát 1 đến lần giám sát 4. Đặc biệt, diện tích lở đất trong kỳ 2 lại gấp đôi so với kỳ thứ nhất. Tuy nhiên diện tích và khối lượng lở đất đo không chính xác lắm do những khu vực lở đất nằm trên đường đã được dọn dẹp để đảm bảo lưu thông đi lại.

Lấn chiếm rừng bất hợp pháp: Đã có hiện tượng chặt phá, đốt rừng nguyên sinh trái phép để làm rẫy dọc đường Hồ Chí Minh trong thời gian qua, tuy nhiên số vụ xảy ra không nhiều và đã được ngăn chặn kịp thời. Có 3 điểm trong tổng số 48 điểm nghiên cứu bị chặt phá để làm rẫy do người dân địa phương muốn mở rộng diện tích canh tác trong khi đất nông nghiệp hiện có rất hạn chế. Đó là lý do tại sao họ vẫn cố tình mở rộng nương rẫy vào rừng tự nhiên mặc dù biết điều này là bất hợp pháp.

Công trình xây dựng: Đường Hồ Chí Minh với các sườn núi dựng đứng thì việc xây dựng kè chống sạt lở, hệ thống thoát nước, cầu, cống sẽ góp phần ngăn chặn các tác động đến cảnh quan và sinh cảnh của rừng tự nhiên dọc theo tuyến đường này. Tuy nhiên một thực tế là rất nhiều công trình ở đây đã bị hư hỏng do tác động của sạt lở đất và được giải thích là do chất lượng các công trình không đảm bảo hoặc chưa thiết kế đúng với mức độ chịu tải của nó. Trong các đợt khảo sát này đã phát hiện 21 điểm có các công trình bị hư hỏng bởi tác động của lở đất. Một thực tế hiển nhiên là các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến chia cắt sinh cảnh, nhưng nếu quản lý tốt thì sẽ là một giải pháp hiệu quả trong việc quản lý cảnh quan do tác động của đường Hồ Chí Minh gây ra cho khu vực rừng ở đây.

Cháy rừng: Cháy rừng không phải là nguyên nhân chính tác động xấu đến cảnh quan ở đây bởi khu vực này có độ ẩm cao và chủ yếu là rừng tự nhiên. Tuy nhiên cháy rừng vẫn xảy ra ở 2 điểm do người dân địa phương phát quang nương rẫy và đốt rừng trái phép mở rộng đất canh tác.

Phục hồi rừng: Dấu hiệu phục hồi rừng rất khó nhận thấy khi giám sát bằng phương pháp điểm ảnh trong thời hạn ngắn. Tuy nhiên, 26 điểm ảnh ảnh đã thể hiện các khu rừng đang được phục hồi với một số biểu hiện như sự thay đổi tầng cây bụi, độ tàn che, hay chiều cao của cây. Trong đó 8 điểm ảnh thay đổi về tầng cây bụi, 2 điểm ảnh thay đổi về độ tàn che, 4 điểm ảnh thay đổi về chiều cao cây và 8 điểm ảnh thay đổi về cảnh quan. Tỉ lệ phần trăm các điểm ảnh có sự phục hồi rừng là không nhiều trong tổng thể 48 điểm khảo sát, nhưng rõ ràng là rừng tự nhiên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đang được phục hồi. Tuy nhiên không thể nói mức độ phục hồi của các khu rừng là như thế nào bởi nghiên cứu này chỉ mới khảo sát trong vòng 2 năm và chỉ từng ấy thời gian là chưa đủ để phát hiện ra sự thay đổi về chất lượng của các khu rừng.

Trồng rừng: ở khu vực này, keo lá tràm được cộng đồng địa phương và các chủ rừng trồng dọc theo tuyến đường và chung quanh khu dân cư xã A Roàng. Tuy nhiên do diện tích đất trống ở đây không đáng kể nên chỉ phát hiện 4 điểm có trồng rừng keo. Keo là loài cây phát triển nhanh, sản phẩm dễ tiêu thụ, đồng thời cải thiện độ che phủ, đặc biệt là những vùng đất cằn cỗi.

Một số kết luận ban đầu

Giám sát cảnh quan bằng phương pháp điểm ảnh có một số hạn chế như: Khó phát hiện sự thay đổi về số lượng ở phạm vi rất nhỏ; Các điểm ảnh có thể bị che khuất bởi cây cối hay bị mất đi do xói mòn đất. Xác định khối lượng của đối tượng nghiên cứu mang tính chủ quan, phụ thuộc vào hình dạng của vị trí, kinh nghiệm và mục tiêu giám sát. Ngoài ra giám sát cảnh quan bằng phương pháp này cần tiến hành trong thời gian dài mới thấy được sự thay đổi của các đối tượng được chọn.

Xói lở đất là tác động chính xảy ra rộng khắp vùng nghiên cứu, ảnh hưởng đến chất lượng con đường, đến sự nguyên vẹn của cảnh quan rừng và chất lượng của các hệ thống nước sạch. Số lượng điểm sạt lở, khối lượng đất lở và khoảng trống do xói lở tăng dần vào mùa mưa và ổn định vào mùa khô. Quản lý độ che phủ rừng là cách tốt nhất để khống chế sự xói lở đất. Tại một số điểm bị xói lở đất, những bức kè xi măng hoặc kè trồng cỏ nhân tạo đã từng bước có hiệu quả để khống chế tác động này.

Nhìn chung, rừng đang phục hồi và giảm thiểu các hoạt động bất hợp pháp vào rừng như đốt rừng, phát rừng làm rẫy trái phép... Tuy nhiên, để rừng ở đây tiếp tục phục hồi và duy trì chức năng vốn có của nó thì cần phải thực hiện giải pháp quản lý tổng hợp bằng cách tăng cường thực thi pháp luật lâm nghiệp, nâng cao nhận thức cho người dân, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương, giải quyết vấn đề sinh kế, và đặc biệt là tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm đưa ra những chiến lược quản lý hiệu quả.


Số lượt đọc:  224  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 11:02:14 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH