Số 3

Cán bộ lâm nghiệp xã: Bất cập và hướng khắc phục

Trong những năm gần đây, đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện và nâng lên một cách rõ rệt. Nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên lâm nghiệp ngày càng nâng cao. ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư được nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn... Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương phải có một cơ chế quản lý, bộ phận tham mưu để làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các nội dung cần tham mưu gồm quản lý tài nguyên lâm nghiệp, định hướng phát triển rừng, tuyên truyền vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng... Với tính chất công việc như vậy, vai trò và nhiệm vụ của một cán bộ lâm nghiệp xã rất quan trọng và không thể thiếu trong bộ máy của chính quyền địa phương. Đây có thể xem là một điểm nối giữa chính quyền địa phương (thôn, xã); cơ quan chuyên môn và nhân dân.

Vị trí, vai trò và nhiệm vụ của cán bộ lâm nghiệp xã đã được xác định một cách cụ thể, nhưng trên thực tế, ở một số địa phương, hiệu quả công việc của cán bộ lâm nghiệp xã chưa được phát huy, thậm chí trong bộ máy chính quyền có người không biết cán bộ lâm nghiệp xã là ai? Nhiệm vụ của họ là gì? Thực tế hiện nay cán bộ lâm nghiệp xã còn bất cập thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất: Hầu hết cán bộ lâm nghiệp xã chưa được trang bị kiến thức về lĩnh vực luật và hành chính lâm nghiệp, kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng. Hoạt động lâm nghiệp ở địa phương hầu như trông chờ vào kế hoạch do kiểm lâm địa bàn đề ra, cán bộ lâm nghiệp xã ít khi chủ động xây dựng kế hoạch hoặc tham mưu cho lãnh đạo địa phương điều hành công tác bảo vệ rừng. Tất cả các vụ việc như đi tuần tra, kiểm tra lập biên bản các vụ vi phạm, tổ chức các buổi tuyên truyền... thì sự có mặt của cán bộ lâm nghiệp xã được xem như là sự có mặt và đại diện chính quyền địa phương chứ ít người suy nghĩ sự có mặt của cán bộ lâm nghiệp xã sẽ đóng vai trò gì, tham mưu như thế nào cho lãnh đạo địa phương để có kế hoạch hạn chế các vụ vi phạm hoặc định hướng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn một cách ổn định, lâu dài.

Thứ hai: Hiện nay, ở cấp xã, chức danh lâm nghiệp được cơ cấu trong hệ thống các ban, ngành ở chính quyền địa phương thông qua Ban lâm nghiệp (ban này thường do chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã làm trưởng ban, cán bộ lâm nghiệp xã làm phó ban trực), tuy nhiên, do điều kiện ở một số địa phương, định suất chi trả cho hoạt động cán bộ lâm nghiệp xã chưa được quan tâm đúng mức (chưa bằng lương tối thiểu) nên thường bố trí cho cán bộ lâm nghiệp xã kiêm nhiệm nhiều việc để tăng thu nhập, với tính chất công việc như vậy chất lượng hoạt động của cán bộ lâm nghiệp thường không đảm bảo.

Thứ ba: Việc chọn, bố trí cán bộ lâm nghiệp xã ở các địa phương cũng gặp nhiều bất cập. Thường gặp nhất đó là chọn, bố trí cán bộ lâm nghiệp xã theo cảm tính, người quen trong gia đình. Đây là khó khăn, làm giảm hiệu quả hoạt động của cán bộ lâm nghiệp xã; bởi một cán bộ lâm nghiệp xã khi được tuyển chọn hầu như không am hiểu về luật và hành chính lâm nghiệp, kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng... nhưng qua làm việc và sự hướng dẫn nghiệp vụ của kiểm lâm địa bàn, thì kiến thức về lâm nghiệp của cán bộ lâm nghiệp xã được nâng lên, thời gian cùng công tác chưa lâu thì được chuyển sang làm công tác khác.

Thứ tư: ở một số địa phương chưa có sự quan tâm đến cơ sở vật chất và các dụng cụ khác để cán bộ lâm nghiệp xã thực hiện nhiệm vụ.

Với thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ lâm nghiệp xã, một số yêu cầu đặt ra hiện nay cần phải được xem xét. Trước hết, chính quyền cấp xã cần kiện toàn và duy trì hoạt động ban lâm nghiệp, trong đó chú trọng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ lâm nghiệp xã. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lâm nghiệp xã cần có sự định hướng về con người để làm nhiệm vụ này, đảm bảo sự ổn định và lâu dài, tránh tình trạng thay đổi liên tục cán bộ lâm nghiệp xã hoặc bố trí cán bộ lâm nghiệp xã thực hiện nhiều công việc. Thống kê, khảo sát số lượng cán bộ lâm nghiệp xã để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về luật và hành chính lâm nghiệp, bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Hằng tháng, cán bộ lâm nghiệp xã phải tham dự các cuộc họp giao ban, chuyên đề do hạt kiểm lâm, khu bảo tồn thiên nhiên tổ chức; thông qua đó, cơ quan chuyên môn và lâm nghiệp xã sẽ có sự trao đổi hai chiều về công việc một cách cụ thể, giúp cho cán bộ lâm nghiệp xã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức các hoạt động lâm nghiệp một cách tốt hơn. Một điều cần quan tâm là phải có cơ chế chính sách đãi ngộ cho cán bộ lâm nghiệp xã, trước mắt có thể chưa sắp xếp được mức lương tương xứng với nhiệm vụ được giao nhưng phải cân đối để thu nhập hàng tháng bằng với mức lương tối thiểu. Để thừa hành nhiệm vụ cán bộ lâm nghiệp xã cần được trang bị và thống nhất về trang phục, hiện nay ở mỗi nơi làm mỗi kiểu, thiếu hẳn sự nghiêm túc trong thi hành nhiệm vụ. Giải quyết hàng loạt vấn đề trên có thể rất khó khăn, khó nhưng không thể không thực hiện trong khi công tác bảo vệ rừng ngày càng đòi hỏi có sự đồng thuận không chỉ ở cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương mà còn có cả vị trí, vai trò của người dân - mà cán bộ lâm nghiệp xã là điểm nối của mối quan hệ ấy.


Số lượt đọc:  2000  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 10:44:33 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH