Số 3

Bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Đặc điểm vùng giáp ranh. Vùng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận với tỉnh Lâm Đồng: Huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận có các tiểu khu 114, 118, 122, 127 giáp ranh với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, chiều dài ranh giới khoảng 10km và các tiểu khu 56, 72, 73, 74 giáp ranh với huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chiều dài ranh giới khoảng 60km. Huyện Bác ái, tỉnh Ninh Thuận có các tiểu khu 33, 27, 21, 12 giáp ranh với huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chiều dài ranh giới khoảng 30km. Đây là vùng giao thoa giữa khí hậu á nhiệt đới và nhiệt đới, vùng rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn, hệ động thực vật rất đa dạng quý hiếm, địa hình phức tạp, dân cư trong khu vực giáp ranh đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc miền núi phần lớn vẫn dựa vào canh tác nương rẫy, trong đó có một số người dân của huyện Ninh Sơn thường xuyên vào rừng khai thác gỗ trái phép tại khu Ya Hoa (thuộc Lâm Đồng), một số người dân của huyện Đơn Dương phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực đèo Ngoạn Mục, xã Lâm Sơn (thuộc Ninh Thuận) gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng nhiều mặt đến môi trường, đời sống, sản xuất và tình hình an ninh trật tự của các địa phương vùng giáp ranh.

Đặc điểm vùng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận với tỉnh Khánh Hòa. Huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận có các tiểu khu 138, 139, 140, 141, 689, 690, 691 giáp ranh với thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chiều dài ranh giới khoảng 22km. Đây là khu vực giáp ranh, trong đó có một phần diện tích rừng đặc dụng do Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận quản lý, địa hình không chia cắt mạnh, tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, có tiềm năng về du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học, giao thông thuận tiện; tài nguyên rừng phong phú, đa dạng với nhiều loài gỗ quý, có giá trị kinh tế, thị trường ưa chuộng như trắc, sơn huyết, gõ, hương... Về dân cư chủ yếu là dân tộc Kinh và Raglay sống bằng nhiều nghề khác nhau như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp, làm rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp xâm chiếm, ngoài ra người dân còn lợi dụng thời gian nông nhàn để vào rừng chặt củi hầm than, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép bán cho một số đối tượng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay do giao thông thuận tiện và phát triển du lịch sinh thái nên tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trở nên phức tạp.

Đặc điểm vùng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận với tỉnh Bình Thuận. Huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có các tiểu khu 197, 198, 199, 202b, 203, 204, 205 giáp ranh với huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, chiều dài giáp ranh khoảng 25km. Khu vực giáp ranh có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc cao, là khu vực rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước cho các hồ đập vùng đồng bằng 2 tỉnh, tài nguyên rừng còn tương đối phong phú với nhiều loài cây gỗ quý, có giá trị kinh tế như trắc, sơn huyết, trầm hương, gõ... Dân cư trong khu vực giáp ranh, chủ yếu là dân tộc Kinh và Chăm đời sống còn nhiều khó khăn, phần lớn vẫn dựa vào canh tác nương rẫy, chặt cây hầm than, săn bắt chim, thú…

Thực trạng bảo vệ rừng. Nhìn chung khu vực giáp ranh là những khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú với nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế và thị trường ưa chuộng, đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy. Đây là khu vực nằm xa sự kiểm soát của cơ quan chức năng và sự quản lý của chính quyền địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng, tuần tra truy quét gặp nhiều khó khăn. Bọn lâm tặc lợi dụng các điều kiện này để lôi cuốn, kích động, dụ dỗ nhân dân khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép bán lại cho chúng và chúng trực tiếp tổ chức khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại, cho trinh sát theo dõi mọi hoạt động của lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng, tổ chức quy mô với số đông, khi phát hiện sẵn sàng chống trả quyết liệt, tấn công bằng hung khí như dao, rựa, gạch đá, gây thương tích cho lực lượng kiểm lâm, bọn chúng dùng số đông để đe dọa, cướp, tẩu tán tang vật vi phạm... Bên cạnh đó một số bà con dân tộc do nhận thức về pháp luật còn hạn chế, lợi dụng chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm rẫy, các cơ quan chức năng đã cố gắng tuyên truyền, xử lý song do đặc thù đời sống kinh tế bà con dân tộc còn khó khăn, nên các quyết định xử lý không có hiệu lực pháp luật, không thể cưỡng chế thi hành.

Các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Bao gồm các nhóm hành vi sau: Nhóm hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ gỗ trái phép các loại gỗ nhóm I, gỗ quý hiếm như trắc, gõ, hương, sơn huyết, trầm hương... tập trung tại các khu vực Ya Hoa, Phước Bình (Ninh Sơn, Ninh Thuận giáp Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Đồng), khu vực Phước Hà, Nhị Hà (Ninh Phước, Ninh Thuận giáp Tuy Phong, Bình Thuận), khu vực xã Công Hải, Vườn quốc gia Núi Chúa (Thuận Bắc, Ninh Thuận giáp Cam Ranh, Khánh Hòa). Nhóm hành vi săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép: Tập trung vùng giáp ranh đèo Ngoạn Mục, Ya Hoa, Ma Nới, Phước Bình, Công Hải, Cam Ranh... là nơi có nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Nhóm hành vi gây cháy rừng: Do người dân vùng giáp ranh vào rừng đốt dọn rẫy, săn bắt, sử dụng lửa trong rừng... gây cháy lan, có trường hợp bọn lâm tặc cố tình đốt rừng cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương tập trung cứu chữa nhằm đánh lạc hướng sự tập trung của lực lượng chống phá rừng để thực hiện hành vi phá rừng trái phép, hành vi này xảy ra tập trung khu vực Phước Bình, Ya Hoa... Nhóm hành vi phá rừng, lấn chiến đất lâm nghiệp làm rẫy: Bà con dân tộc khu vực giáp ranh Phước Thành, Bác ái với Cam Thịnh Tây, Cam Ranh phá rừng trái phép để làm rẫy; người dân Đơn Dương phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp khu vực hồ thủy điện Đa Nhim, đèo Ngoạn Mục, xã Lâm Sơn để làm rẫy, vì đây là khu vực đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi. Trong các nhóm hành vi trên, nhóm hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép và phá rừng làm rẫy diễn ra thường xuyên, phức tạp, kéo dài, có lúc trở thành điểm nóng, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

Kết quả phối hợp truy quét bảo vệ rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành nói chung và lực lượng kiểm lâm nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua lực lượng kiểm lâm đã phối hợp, tổ chức triển khai truy quét bảo vệ rừng. Đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Tổ chức sơ kết công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm - Công an - Quân đội theo Thông tư 144, ký quy chế và xây dựng kế hoạch phối hợp giữa 3 lực lượng. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước, ký quy chế và kế hoạch phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước (Ninh Thuận) với huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), thị xã Cam ranh (Khánh Hòa) và huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Sau khi ký quy chế phối hợp, lực lượng kiểm lâm Ninh Thuận thường xuyên phối hợp với công an và chính quyền địa phương khu vực giáp ranh, tổ chức tuyên truyền giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét trấn áp bọn phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, từng bước lập lại trật tự vùng giáp ranh; đặc biệt là tổ chức truy quét các điểm nóng về phá rừng. Những tháng cuối năm 2007 và năm 2008, Kiểm lâm Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Công an, Quân đội và địa phương vùng giáp ranh tổ chức 102 đợt truy quét tại các điểm nóng khu vực giáp ranh, phát hiện và xử lý 59 vụ vi phạm, thu 74,49m3 gỗ sơn huyết, 22,5m3 gỗ trắc và nhiều phương tiện vi phạm; tổ chức 20 đợt truy quét tại khu vực Ya Hoa, giáp ranh với Lâm Đồng tịch thu 4,43m3 gỗ xẻ hộp nhóm I, 350kg than hầm, thu 2 xe ô tô và nhiều tang vật khác; tổ chức kiểm tra và xử lý 11 hộ khu vực xã Phước Thành giáp ranh xã Cam Thịnh Tây, Khánh Hòa phá 2,2ha rừng làm rẫy.

Giải pháp bảo vệ rừng giáp ranh. Triển khai thực hiện nghiêm quy chế và kế hoạch phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh đã ký giữa tỉnh Ninh Thuận với Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Hàng quý tổ chức giao ban giữa kiểm lâm 3 tỉnh để trao đổi bàn bạc, góp ý nhằm phối hợp thực hiện. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của 3 tỉnh, đặc biệt là Kiểm lâm, Quân đội, Công an trong việc tổ chức kiểm tra, truy quét chống phá rừng vùng giáp ranh. Tuyên truyền giáo dục nhân dân vùng giáp ranh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, tham gia tố giác đầu nậu phá rừng, không dung túng, hợp tác, tiếp tay lâm tặc để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Điều tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức khai thác, thuê mướn lao động và bao tiêu sản phẩm rừng trái phép, đây là những thành phần chủ chốt, nếu xử lý đến nơi đến chốn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng vùng giáp ranh. Xác định nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cấp ủy chính quyền địa phương vùng giáp ranh quán triệt Luật bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản liên quan cho các cấp, các ngành đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng như Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các đoàn thể nhân dân cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng, có như vậy mới bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. Củng cố và nâng cao vai trò của Ban chỉ huy các cấp về vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đoàn kiểm tra liên ngành... để hoạt động thường xuyên, tham mưu giúp UBND các cấp phát kiện kịp thời và có biện pháp truy quét, ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ vùng giáp ranh, xóa bỏ các điểm nóng. Bố trí đủ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã và Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện xây dựng và triển khai kế hoạch truy quét, bảo vệ rừng.

Để công tác truy quét chống phá rừng trong thời gian tới đạt hiệu quả, chính quyền các địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện, xã có rừng) vùng giáp ranh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng thống nhất chủ trương phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế và kế hoạch phối hợp đã ký kết, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng cho Chính quyền địa phương cấp xã. Tăng cường công tác giáo dục pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, bản, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm thực hiện các chính sách nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân những vùng này để hạn chế việc kiếm sống từ nghề rừng, phá rừng làm rẫy, giảm áp lực vào rừng. ở những tuyến giao thông, những điểm nóng phá rừng, đề nghị cơ quan các cấp tạo điều kiện thành lập các chốt, trạm liên ngành vùng giáp ranh để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Quan tâm bố trí đủ kinh phí để duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, truy quét chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh, đồng thời xem xét cấp kinh phí hoạt động để cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Định kỳ giao ban, sơ kết, tổng kết hàng năm đối với công tác ký kết, phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh kịp thời bổ sung quy chế cho phù hợp, có hiệu quả hơn.


Số lượt đọc:  1102  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 10:58:31 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH