Số 3 năm 2008

Kiện toàn lực lượng kiểm lâm từ việc thực hiện phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn ở Bình Định

Thực hiện Quyết định số 105/2000/QĐ-BNN-KL, ngày 17/10/2000, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn; Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn, bố trí 70 kiểm lâm về hoạt động tại địa bàn cấp xã.

Về tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Định có 137 xã, phường, thị trấn có rừng và đất chưa sử dụng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp. Theo kết quả theo dõi diến biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2006, tính đến ngày 31/12/2006, diện tích đất lâm nghiệp của Bình Định là 380.111,7ha, chiếm 63% diện tích tự nhiên, độ che phủ là 40,4%. Theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng năm 2007, tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp sau rà soát là 320.140ha, chiếm 53,1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Với diện tích đất lâm nghiệp lớn như vậy, nhưng chỉ được bố trí 74 người (tính đến ngày 31/12/2006, tăng 4 người so với đề án được phê duyệt là do phải tăng cường cho địa bàn phức tạp, xuất hiện điểm nóng). Theo Đề án, tại các xã thuộc khu vực III, bố trí 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách 1 xã; các xã thuộc khu vực II, bố trí 1 kiểm lâm phụ trách 1 đến 2 xã; các xã có rừng không thuộc miền núi, bố trí kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 2 đến 3 xã; các xã có đất được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp bố trí 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 5 xã trở lên.

Qua 7 năm triển khai thực hiện, đã khẳng định vai trò, chức năng của kiểm lâm địa bàn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, điều đó thể hiện rõ nét trên các mặt, như kiểm lâm địa bàn đã tham mưu tốt cho UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, ngăn chặn các hành vi phá rừng, xử lý và tham mưu xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng; kiểm lâm địa bàn đã bám rừng, tham gia phối hợp với các ngành chức năng rà soát ranh giới ba loại rừng, thường xuyên đi thực địa để cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, cung cấp cho bộ phận chuyên môn cập nhật dữ liệu, biên tập bản đồ hiện trạng và xử lý số liệu theo định kỳ, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng để hướng dẫn thực hiện đúng pháp luật, khi phát hiện vi phạm thì kịp thời ngăn chặn và xử lý. Tiêu biểu nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; kiểm lâm địa bàn có điểm mạnh là thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, trong sinh hoạt vẫn có thể phổ biến hoặc giáo dục pháp luật được; nắm bắt được các đối tượng thường xuyên phá rừng để vận động ký cam kết không vi phạm hoặc phân loại đối tượng để tham mưu cho chính quyền có biện pháp xử lý phù hợp. Hoạt động của kiểm lâm địa bàn đã làm thay đổi phương thức hoạt động của kiểm lâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo quan điểm, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là kiểm lâm phải gắn với dân, với chính quyền cơ sở; đồng thời chuyển hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông sang tổ chức bảo vệ rừng tận gốc, giám sát nơi tiêu thụ, chế biến; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; giúp cho người làm kinh tế rừng, chủ rừng, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nghề rừng và kinh doanh chế biến lâm sản.

Ngoài những thành quả đã đạt được, cũng đã bộc lộ những khó khăn, khuyết điểm, ở những xã nhiều rừng như Vĩnh Hảo (11.223ha), Vĩnh Sơn (11.777ha) của huyện Vĩnh Thạnh; Canh Liên (27.660ha) của huyện Vân Canh; An Toàn (20.915ha) của huyện An Lão chỉ mới có 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách hoặc có nơi một kiểm lâm địa bàn phụ trách 5 xã nên hoạt động của kiểm lâm địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại kiểm tra, giám sát địa bàn và điều động, phối hợp hỗ trợ trong công tác; do vậy, nhiều nơi vẫn còn tình trạng các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng không được phát hiện để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Kiểm lâm địa bàn là lao động hợp đồng thì không được hưởng các quyền lợi như những người trong biên chế như trợ cấp kiểm lâm địa bàn theo Quyết định số 66/2002/QĐ-TTg, ngày 27/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ; phụ cấp ưu đãi nghề theo Quyết định số 132/2006/QĐ-TTg, ngày 31/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ; các phụ cấp khác như: khu vực, độc hại, nguy hiểm nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác và sinh hoạt của kiểm lâm địa bàn còn thiếu thốn, dẫn đến thiếu công bằng giữa hai đối tượng công tác cùng đơn vị, cùng địa bàn, nên không khuyến khích được lòng yêu ngành, yêu nghề và nhiệt tình công tác. Một số kiểm lâm địa bàn còn lúng túng trong công tác tham mưu giúp chính quyền cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu “nghe dân nói, nói dân hiểu”; nhất là kiểm lâm địa bàn hợp đồng, thiếu mạnh dạn trong tiếp xúc, ngại va chạm, sợ nguy hiểm và thực sự chưa yên tâm công tác dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ trên một số địa bàn, vì vậy, các hạt kiểm lâm phải điều chuyển trên kiểm lâm trong biên chế có năng lực, kinh nghiệm đến thay thế cho kiểm lâm địa bàn hợp đồng.

Do yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm đã bố trí 99 kiểm lâm phụ trách địa bàn 128 xã, phường, thị trấn có rừng và 9 xã có đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp (tính đến ngày 31/12/2007) trên tổng số 188 người (biên chế 128 người, lao động hợp đồng 49 người). Đơn cử như huyện Vĩnh Thạnh, huyện An Lão là hai huyện miền núi, nơi có nhiều rừng nhất tỉnh thì mỗi huyện cũng chỉ bố trí được 10 kiểm lâm địa bàn. Việc bố trí kiểm lâm theo Đề án đã bộc lộ bất cập, đó là những xã có nhiều rừng chỉ bố trí 1 kiểm lâm địa bàn thì đảm đương không nổi nhiệm vụ; những nơi kiểm lâm địa bàn phụ trách nhiều xã thì không thể giám sát hết địa bàn; trong khi đó sự hỗ trợ lực lượng của chính quyền cấp xã có hạn, đã có trường hợp kiểm lâm địa bàn bị uy hiếp, bị hành hung. Chính sự mỏng manh của kiểm lâm địa bàn mà nạn “lâm tặc” vẫn còn là vấn đề nóng hổi. Để khắc phục sự phân tán lực lượng kiểm lâm địa bàn, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm thực hiện phân công kiểm lâm địa bàn theo từng cụm; mỗi cụm là những địa bàn xã liền kề nhau; trụ sở làm việc chính của kiểm lâm địa bàn là các trạm kiểm lâm; thường nhật, kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn được phân công, kết quả công tác được báo cáo cho trưởng cụm (thường là trạm trưởng trạm kiểm lâm), khi địa bàn nào trong cụm có vấn đề phát sinh, trưởng cụm có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng; địa bàn nào xảy ra điểm nóng, trưởng cụm báo cáo lãnh đạo hạt kiểm lâm để hỗ trợ lực lượng. Chính vì sát thực tế, kiểm lâm địa bàn đã không còn đơn lẻ trong thừa hành pháp luật, mà còn khắc phục được tình trạng thiếu ý thức trách nhiệm, buông lỏng địa bàn, lợi dụng chức trách để nhũng nhiễu.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Đề án phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn năm 2001, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực kiểm lâm địa bàn xã của lực lượng kiểm lâm Bình Định giai đoạn 2008-2010. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2010, 100% kiểm lâm địa bàn là công chức nhà nước; công chức kiểm lâm địa bàn được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ điều kiện thực hiện toàn diện các nhiệm vụ bảo vệ rừng được giao; đảm bảo 100% số xã có rừng được bố trí kiểm lâm địa bàn trong biên chế. Đề án cũng xây dựng quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn khi thi hành công vụ theo Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN, ngày 4/10/2007, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã.

Để đạt được mục tiêu đó, về nội lực, Chi cục Kiểm lâm đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về lý luận chính trị, từng bước nâng cao kiến thức xã hội để đáp ứng tốt yêu cầu người cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ đất nước hội nhập với thế giới; phát huy tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó ngăn, ý chí tiến thân, lập nghiệp của tuổi trẻ; cố gắng chi trả lương phù hợp với trình độ đào tạo; bồi dưỡng ngoài giờ nếu bắt giữ được lâm sản; trang cấp trang phục và các phương tiện khác để làm nhiệm vụ; tạo điều kiện cho tuổi trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vi tính, ngoại ngữ; bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, lực lượng có 188 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, tỉ lệ có trình độ trên đại học, đại học và trung cấp chiếm 90%; hầu hết sử dụng thành thạo máy vi tính, từng bước sử dụng thông thạo Anh ngữ; các hạt kiểm lâm đều được trang bị máy vi tính và được nối mạng cục bộ để trao đổi thông tin; phấn đấu đến năm 2010, có 95% kiểm lâm địa bàn có trình độ chuyên môn đại học, trung học. Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân chính trị 4 người, Cao cấp chính trị 16 người, Trung cấp chính trị 15 người. Về ngoại lực, Chi cục Kiểm lâm xây dựng lộ trình để thực hiện đến năm 2010, cụ thể là: xác định 4 xã có diện tích rừng trên 10.000ha, bố trí 12 kiểm lâm địa bàn; 19 xã có diện tích rừng trên 3.000ha đến dưới 10.000ha, bố trí 38 kiểm lâm địa bàn; 31 xã có diện tích rừng trên 1.000ha đến dưới 3.000ha, bố trí 31 kiểm lâm địa bàn; 74 xã có diện tích rừng dưới 1.000ha, bố trí 48 kiểm lâm địa bàn. Theo Đề án, năm 2008, tăng 18 người; năm 2009, tăng 10 người; năm 2010, tăng 2 người; tổng cộng bộ máy của Kiểm lâm Bình Định là 218 người. Dự toán kinh phí thực hiện Đề án là tám tỉ ba trăm bốn chín triệu đồng. Trong tuyển dụng, người dân tộc thiểu số tại địa phương là lao động phổ thông được quan tâm tuyển vào làm việc, qua thử thách, nếu hoàn thành nhiệm vụ sẽ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để hợp đồng làm kiểm lâm địa bàn lâu dài. Xây dựng chế độ, chính sách cho kiểm lâm địa bàn hợp đồng như kiểm lâm địa bàn trong biên chế và được hưởng chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ khi làm nhiệm vụ nếu bị thương, bị chết. Xây dựng các trạm kiểm lâm địa bàn, trạm kiểm lâm cửa rừng, nhà công vụ, mua sắm phương tiện, thiết bị cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm lâm địa bàn có nơi làm việc, sinh hoạt, đảm bảo đời sống, an tâm để phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn, chấm dứt tình trạng tạm bợ.

NGÔ HỮU NIÊN


Số lượt đọc:  1250  -  Cập nhật lần cuối:  27/02/2008 02:24:55 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH