Số 3 năm 2008

Già làng thương binh... 25 năm làm "kiểm lâm" không lương

“Từ 25 năm nay mỗi tháng hắn chỉ về trung tâm xã sinh hoạt Đảng một lần. Còn lại thì suốt ngày như con nai, con mang lang thang giữa núi rừng trùng điệp. Hắn là con của thần rừng! Sau bữa cơm chiều may ra mới gặp được hắn”. Ông Hồ Mắm người em ruột nói khi dẫn đường đưa tôi vào trang trại của Hồ Mơ 70 tuổi ở thung lũng rừng già khu vực A Dơi, Hướng Hóa (Quảng Trị).

Mở đường nối bản với rừng

Sau một giờ đồng hồ lội bộ từ bản Pa Rin trung tâm xã, chúng tôi mới đến được trang trại của Hồ Mơ. “Hắn đang ở trong rừng, muốn gặp thì ở lại qua đêm”, bà Y Khanh - vợ ông nói.

Năm 1969 trong một trận chống càn ác liệt ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) Hồ Mơ bị thương, phải cắt bỏ cái chân phải của mình (thương binh 3/4), rồi được đưa ra Bắc học tập, công tác. Năm 1983 sau khi trở về quê nhà ở xã A Dơi, Hồ Mơ chứng kiến cảnh bà con ngày ngày vào rừng chặt phá, đốt rừng làm rẫy. Những cánh rừng già dần dần lùi sâu qua tận đất Lào, nhưng cái bụng dân làng thì vẫn cứ đói, rồi lũ quét ập xuống bản làng ngày càng nhiều hơn. Cái đầu của Hồ Mơ luôn ray rứt, cái bụng thì cồn cào mãi và quyết tâm phải bảo vệ những cánh rừng cho bằng được. “Trong chiến tranh nhờ những cánh rừng nguyên sinh này mà bộ đội, dân làng được bảo vệ an toàn, nay nhìn thấy chúng bị đốt phá miềng không thể chịu được”. Sau bữa cơm chiều khi bà con trên rẫy về nhà, ông chống nạnh lò dò đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con thôi đừng đốt phá nữa mà phải định canh trồng lúa, trồng mỳ như người miền xuôi. Nhưng nói thôi vẫn chưa đủ mà phải đi tiên phong với những việc làm cụ thể để bà con học tập. Hồ Mơ tận dụng những khoảnh đất gần khe suối khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình được Hồ Mơ hỗ trợ vốn, giống, hướng dẫn sản xuất nên đời sống ổn định. Thế nhưng còn nhiều hộ vẫn không thay đổi tập quán, vẫn vào rừng đốt phá. Vận động mãi không nghe, Hồ Mơ nảy ra ý định lên vùng đất mới dưới chân khu rừng nguyên sinh khe Xa Lau lập trang trại để làm chốt ngán ngữ con đường vào rừng của dân và có điều kiện thuận lợi trong tuần tra bảo vệ.

Một hôm giữa năm 1983 ông sai con trai Hồ A Sát đi mời tất cả những hộ ở các bản Pa Rin, Xa Doan, A Dơi Đớ, Prăng Xi thường đốt rừng làm rẫy đến nhà dài (nhà chung của bản) để nghe Hồ Mơ thông báo ngắn gọn: “Xã giao cho tui vùng rừng khe Xa Lau để làm trang trại chăn nuôi. Nếu nhà nào còn đốt rừng làm rẫy lúa trên đó, trâu bò của tui phá phách dẫm đạp hư hỏng thì chịu chứ không được bắt vạ!”. Sáng hôm sau Hồ Mơ huy động vợ con phát quang mở một con đường lên chân núi. Sau một tháng lao động miệt mài con đường đất dài 5km được hoàn thành. “Ngày ấy quá khổ mà hắn thì suốt ngày hì hục làm đường như con trâu mộng! Nhiều hôm quên ăn, quên ngủ, cứ sợ hắn kiệt sức mà chết thì khổ mẹ con tui”, bà Y Khanh nói chen vào.

Bảo vệ hàng trăm hécta rừng già

Lên vùng đất mới, việc làm đầu tiên của Hồ Mơ và mấy đứa con là thực hiện một chuyến khảo sát địa hình, địa vật. Vùng đất khoảng 3ha bên suối khe Xa Lau khai hoang dựng nhà và làm ruộng lúa, đào ao nuôi cá. Phía bên kia suối chừng 5ha rừng bị đốt phá từ trước ông thuê người cải tạo trồng cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi trâu bò để đảm bảo cuộc sống tự cung tự cấp no đủ cho cả gia đình. Việc nhà Hồ Mơ giao trách nhiệm cho Y Khanh và 3 người con trai, còn ông ngày ngày phải vào rừng tuần tra, kiểm soát.

Để thuận tiện trong việc bảo vệ rừng, Hồ Mơ chọn vùng đất dưới chân núi dài khoảng 7km nơi gần các bản thường hay đốt phá khoanh vùng đóng cọc mua 9 con trâu, bò về nuôi để tạo thành hành lang an toàn từ phía cư dân các bản. Hồ Mơ giải thích: “Chọn những vùng rừng có nhiều lau sậy cắm cọc nuôi trâu, bò. Khoảng vài hécta thì thả 3 con. Khi trâu dẫm đạp lau sậy chết dần thì cây rừng lên nhanh. Khi cây rừng lên nhanh thì cỏ lau sẽ tàn lụi. Hết vùng này lại đến vùng rừng khác”. Khi đàn trâu, bò tăng đến 50 con, cũng là lúc vùng cỏ lau dưới chân rừng khe Xa Lau được thu hẹp, cây rừng được phát triển nhanh hơn.

Khu rừng già còn lại rộng hàng trăm hécta, địa hình hiểm trở, một ngày một mình không thể đi tuần tra hết, Hồ Mơ chia làm 5 tiểu khu và theo quy định cứ mỗi ngày đi tuần một tiểu khu để ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép và săn bắt động vật hoang dã quý hiếm. Dụng cụ đi tuần của ông đơn giản chỉ một cái rựa trên tay, cái gùi đựng mo cơm sau lưng cứ thế mà trèo đèo, lội suối từ mờ sáng cho đến tối mịt. Hồ Mơ cho biết, đây là khu rừng có nhiều loại gỗ quý và động vật hoang dã nằm trong sách đỏ như: giã hương, dẻ, gõ, lim, trắc, sến…, hổ, chó sói đỏ, gấu ngựa, khỉ, vượn, voọc... Bọn săn bắt nhiều nơi thường đến giăng bẫy, khai thác gỗ nếu không thường xuyên vào rừng tháo gỡ thì những con thú quý có nguy cơ tuyệt chủng, những cây gỗ quý sẽ bị đốn hạ. Nhiều hôm vết thương ở đầu gối tái phát sưng vù phải nằm một chỗ, hay những hôm lũ quét cắt đường không thể tuần tra. Những lần như thế Hồ Mơ mất ăn mất ngủ vì nhớ rừng. Có lúc vào rừng tuần tra vấp phải bẫy thú của người đi săn ông trượt ngã, chân tay mặt mày xây xát đau nhức, đến nửa đêm mới về tận nhà, nhưng hôm sau vẫn tiếp tục vào rừng vì “Đôi chân của miềng được thần rừng kéo đi”. Già làng Hồ Tun cho hay, “Khu rừng khe Xa Lau này nhờ thằng Mơ bảo vệ mà mấy chục năm nay giữ được nguyên vẹn. Dân bản không còn ai chặt phá khai hoang để làm nương rẫy như trước nữa. Bà con ở đây quý trọng hắn lắm”.

Từ 25 năm nay Hồ Mơ không nhớ nổi mình đã lội bộ bao nhiêu vạn cây số, ngăn chặn được bao nhiêu vụ khai thác lâm sản trái phép để làm công việc không lương là bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh và tái sinh rộng hàng trăm hécta còn sót lại sau chiến tranh được an toàn.

Chỉ tay về phía cánh rừng già thâm u cuối chân núi khe Xa Lau, Hồ Mơ cười sảng khoái, “Đời miềng mang ơn rừng và chỉ biết có rừng. Nếu rừng bị phá phách thì cái đầu miềng đau, rừng còn xanh tốt thì miềng còn khỏe mạnh và sống lâu hơn nữa!”

VIỆT YÊN


Số lượt đọc:  135  -  Cập nhật lần cuối:  27/02/2008 02:21:57 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH