Số 2

Chuyện tình lính kiểm lâm

Núi Cao Liên như cái lòng chảo. Người Mông ở trên vành chảo, người Tày thì ở mãi đáy chảo. Cả cái bản Hồ này ai mà chả chúi đầu về phía trước. Ông bà tổ tiên, người già cho đến trẻ em đều thế. Sáng nay, khi con gà bản Hồ chưa kịp cất tiếng gáy thì A Súa đã trở dậy, chuẩn bị hành lý lên đường. Còn chưa đầy một năm nữa A Súa ra trường.

Năm 14 tuổi, A Súa đi học trường bổ túc văn hóa vùng cao, sau lên học trường trung học dân tộc nội trú của tỉnh rồi được theo học lớp cử tuyển Đại học Lâm nghiệp. Là người vùng cao, A Sủa rất thích học trường này vì ra trường sẽ về huyện làm cán bộ kiểm lâm.

ý nghĩ đang chập chờn ẩn hiện trong đầu. Như tự bao giờ, Mây đứng đó, suối tóc dài đẫm sương. Thấy vậy A Sủa bảo "Dậy sớm thế, đã bảo không phải tiễn mà lại". Giọng Mây trong như tiếng suối reo dưới ánh mặt trời "Ngủ lúc nào đâu mà dậy, thức làm giáo án chờ sáng". Cô dúi một bọc vào tay A Sủa: "Quà ăn đường, nhớ về đúng hẹn đấy" Nói rồi cô chạy vút đi. Ngực A Sủa phập phồng trông theo bóng Mây thấp thoáng ẩn hiện sau màn sương lãng đãng. Chẳng biết Mây chuẩn bị những gì mà nặng thế. A Sủa nhỏm dậy giở ba lô: Nào đường, sữa, cơm nếp, duốc... Con gái thị trấn chu đáo thế. Lim dim đôi mắt rực sáng, A Súa thầm cám ơn số phận đã cho anh được gặp Mây.

Thế rồi cái ngày tốt nghiệp đại học cũng đã đến, A Súa được phân công về hạt kiểm lâm huyện công tác đúng như nguyện vọng. Nhiệm vụ công tác tạo điều kiện cho anh về với bản Hồ và thường xuyên gặp cô giáo Mây. Thời gian này số học sinh trường Mây dạy nghỉ học ở nhà lên rẫy tăng lên. Đang lúng túng không biết xử lý thế nào thì A Súa đến, Mây mừng rỡ: Nhờ A Súa giúp cho, đang mùa rẫy, học sinh nghỉ học nhiều quá, mai có đoàn cán bộ phòng giáo dục về kiểm tra, không có học sinh thì biết dạy thế nào. Chẳng ngần ngừ, Súa xung phong giúp Mây. Con đường mòn dốc cao vút, đôi chân anh nhanh như con sóc, cứ phăm phăm sải những bước dài, Mây lẽo đẽo theo sau. Chuyến đi vận động của Súa và Mây thành công ngoài mong đợi, học sinh đến lớp gần đủ. Từ đó A Súa và cô giáo Mây thường được nhà trường, hạt kiểm lâm và địa phương tín nhiệm giao nhiệm vụ đi bản vận động người dân, các em học sinh quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn làm nương rẫy trái phép... và vận động học sinh đến trường.

Lần ấy hai người xuống bản từ khi ông mặt trời còn cách đỉnh núi phía tây bằng hai con sào. Nắng chiều dát vàng xuống triền nương, vẫn như mọi khi A Súa lầm lũi đi trước, Mây nửa đi nửa chạy theo sau, mồ hôi nhễ nhại. Mấy lần vấp phải đá tóe máu chân và xuôi dài theo yên ngựa. Những lần như thế A Súa lại lấy lá rừng nhai kỹ rồi đắp cho cô. Có lần lên bản trời nắng làm Mây như người phải cảm, A Súa phải dìu Mây vào nghỉ tạm một cái lán bên đường. Thế rồi mây đen kéo tới và cơn mưa giông ập đến, kéo dài đến tối làm nước suối dâng đầy. Hai người như bị giam lỏng trong lán. Lần đầu tiên được cảm nhận hương vị con gái, A Súa thấy trong người rạo rực. Dưới ánh chớp loang loáng, A Súa kịp nhìn thấy đôi gò má căng đầy của Mây ửng hồng, ánh mắt long lanh...

Sau lần ấy, A Súa thích sang chơi khu tập thể giáo viên vào các buổi tối. Mỗi lần đi bản, Súa đã biết nhường Mây đi trước. Đôi gót chân trần của cô giáo miền xuôi giờ đã thoăn thoắt lựa tìm lối mòn lên núi, nhảy chân sáo và hát khi đi qua đoạn suối vắng "Lớn lên em theo cha đi cày nương. Theo anh vào rừng săn thú. Lớn lên em theo mẹ tập thêu. Theo mẹ nhuộm chàm, in hoa trên váy mới..." Lời hát trong trẻo của Mây đã đưa Súa trở về với ký ức tuổi thơ, lời hát mà mẹ vẫn hát cho Súa nghe. Anh hỏi "Mây ở đồng bằng mà biết cả dân ca Mông, học bao giờ thế". Mây hồn nhiên "Mới học đấy, để tặng Súa, anh có thích không?". Bụng Súa thì thích quá rồi nhưng miệng thì chưa nói ra được. bàn tay Súa mãi chẳng dám cầm cổ tay vừa tròn, vừa trắng mịn của Mây. Không biết cảm giác cầm tay con gái thế nào nhỉ?! Ngày nào không nhìn thấy Mây một lần là anh lại bồn chồn khó ngủ. Một tối, Mây thắp đèn dầu soạn giáo án, Súa lấy khèn ra chân đồi, ngắm trăng một mình "Mình không có vợ, mình lên đường đi tìm. Mình không có vợ, mình cất bước đi kiếm. Bố mẹ mình làm bữa cơm thật sớm, thế là mình đi chợ, mình len vào đám đông, tìm xem cô nào chưa chồng..." Súa mải mê thổi khèn đến nỗi Mây ra ngồi sát bên lúc nào mà anh không biết...

Từ khi Súa lên năm, mẹ Seo Vần chuẩn bị ở cữ lần thứ ba. Lần thứ hai đã không cho Súa một đứa em, lần thứ ba đã trở thành nỗi đau buồn khủng khiếp. Đêm ấy, trời nổi mưa giông, cơn gió lốc thất thần tràn về kéo theo cả một phần mái lá ngôi nhà xuống vườn, núi rừng nghiêng ngả. Mẹ Seo Vần trở dạ giữa cơn mưa gió vần vũ, người cha Chỉn Say chẳng kịp đi mời bà lang, nhóm lửa đun nước tự tay đỡ đẻ. Tiếng khóc oe oe của đưa trẻ chào đời vừa mới cất lên cũng là lúc cơn gió mạnh cuốn theo một cây to đè xuống ngôi nhà cướp đi sinh mạng của người mẹ yêu quý. Đứa em cũng ra đi theo mẹ trong cái đêm định mệnh đó. Nỗi đau tột cùng của Chỉn Say làm ông trở lên lầm lũi hơn. Từ đó, ông dồn hết tâm sức để chăm sóc, nuôi dạy A Súa.

A Súa bỏ ra ba ngày làm lại mái nhà, thay tấm prô xi măng bị vỡ, phát quang quanh nhà, sửa sang căn buồng. Ông Chỉn Say nhận thấy sự thay đổi. Một buổi sáng, khi ăn xong bát cháo hành, ông bảo con trai "Con ngoan nhớ cha, chim rừng có tổ", mày lấy vợ đi, về bản mà lấy. Bằng tuổi mày, nhiều đứa đã yên bề rồi đấy. Nghe cha bảo vậy, đưa cho cha cốc sữa nóng, A Súa trả lời luôn:

- Lấy cũng được, nhưng không phải ở Phiêng Cằm.

Ông Chỉn Say dằn cốc sữa xuống bàn:

- Phải về bản mà lấy thôi, còn có người làm ma nhà.

- Nhưng cái bụng con đã ưng người bên kia rồi, ở bản Cống Qua ấy.

Ông Chỉn Say nhìn chằm chằm vào con trai, miệng mấp máy định nói gì đấy nhưng không cất nổi. Rồi không nói không rằng, ông dứng dậy ra đầu trái, nơi gốc cây năm xưa bị gió cuốn đè chết vợ. Ông cứ ngồi đó, nhìn về mông lung vô định. Súa đặt nhẹ tay lên đôi vai gầy của cha và nói.

- Cô ấy là cô giáo. Tháng sau nghỉ hè, con xin phép "bắt" về. Cha đồng ý đi.

Ông Say từ từ đứng dậy, như người mất hồn đi vào trong nhà. Ông lục dương rồi lấy ra vật gì đó rồi lại đi ra chỗ gốc cây. Ông nói như trong hư không.

- Khổ lắm, nó dám về đây không? Còn cả dòng họ Thào này nữa!

A Súa nhặt một hòn đá cuội, dùng hết sức mạnh cơ thể, ném thật xa xuống thung lũng, rồi quay lại nói trong hơi thở.

- Con bắt về làm ma nhà, Mây sẽ đồng ý, cô ấy hứa rồi mà. Mây sẽ về đây chăm cha và dạy trẻ.

Mắt ông Say đã bớt căng hơn, một lát ông nói nhỏ đủ để Súa nghe:

- Thế thì... Giàng ơi...

Ông Say chắp tay, ngửa mặt lên trời lầm rầm gì đó, rồi lần giở bọc vải lanh đỏ ra.

- Nếu nó thật lòng yêu mày, chịu nhập ma nhà thì hãy mang vật này tặng nó, bằng không thì phải lấy lại. Vật này không thể mất được.

Trong lúc A Súa chăm chú ngắm nghía chiếc vòng thì ông Thào Chỉn Say kể cho con trai nghe về câu chuyện cuộc đời mình. Giọng cất đều đều, đều đều như tiếng gió...

HOÀNG BIỂU
Số lượt đọc:  191  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:56:00 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH