Số 1+2

Tin hoạt động

Tập huấn về bảo tồn thiên nhiên cho cán bộ kiểm lâm. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác bảo tồn thiên nhiên cho cán bộ kiểm lâm. Trong thời gian 3 ngày, 30 học viên đến từ các hạt kiểm lâm, khu bảo tồn, ban quản lý rừng đã được trang bị kiến thức có liên quan đến hoạt động bảo tồn như phương thức bảo tồn, hình thức tổ chức quản lý bảo tồn, các suy thoái và ngăn chặn tổn thất đa dạng sinh học. Ngoài ra, học viên cũng thảo luận về những hoạt động đã và đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay là gây nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã. Lớp tập huấn là nền tảng cơ bản trang bị cho cán bộ kiểm lâm những kiến thức về bảo tồn thiên nhiên nhằm làm tốt nhiệm vụ đã được giao. Với những kết quả về bảo tồn thiên nhiên hiện nay, cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên Huế không chỉ thuần túy bảo vệ diện tích rừng mà còn biết giám sát, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Nguyễn Quang Hòa Anh

Bắc Giang: Tập huấn nghiệp vụ khuyến lâm cho cán bộ kiểm lâm. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang phối hợp với Cơ quan kiểm lâm vùng I tổ chức lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ khuyến lâm cho 53 đồng chí là cán bộ kiểm lâm (từ Chi cục tới kiểm lâm phụ trách địa bàn). Trong 4 ngày học, học viên được trang bị các kiến thức về công tác khuyến nông, khuyến lâm, phương pháp xây dựng và lập kế hoạch truyền thông thúc đẩy phát triển nông lâm kết hợp có sự tham gia của người dân. Trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển rừng thâm canh và trồng cây lâm, đặc sản ngoài gỗ... Đây là những kiến thức rất cần thiết của người cán bộ kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Kết thúc khóa học, 100% học viên đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra.

Trần Ngọc Sơn

Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh: Tổ chức khóa học quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch kiểm lâm viên. Ngày 11/11/2008 tại thành phố Hạ Long, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh phối hợp cùng Trư­ờng cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I tổ chức lớp bế giảng lớp học Bồi d­ưỡng quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch kiểm lâm viên. Đến dự với lớp học có ông Nguyễn Văn Cương, phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh và Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I. Sau 3 tháng học lớp “Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch kiểm lâm viên” 157 học viên là viên chức kiểm lâm được chia ra làm 2 lớp tại hai khu vực lớp Miền Đông được tổ chức tại thành phố Hạ Long và lớp Miền Tây được tổ chức tại Trung tâm chính trị huyện Tiên Yên. 157 học viên đã được học tập nâng cao các chuyên đề quản lý nhà nước, chức trách nhiệm vụ công chức kiểm lâm; pháp luật ứng dụng trong lâm nghiệp và các nghịêp vụ chuyên ngành. Đây là lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch kiểm lâm viên, là mô hình mới lần đầu tiên được mở tại địa phương với nguồn kinh phí của tỉnh. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chuẩn hóa các tiêu chuẩn của ngạch công chức kiểm lâm. Kết quả, có 8 học sinh xuất sắc; khá, giỏi 80%, trung bình: 20% và 100% các học viên được nhận chứng chỉ. Qua 3 tháng học tập các học viên đã củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ của ngành để vận dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong tình hình nhiệm vụ mới.

Quốc Chính

Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh

Kon Plông, Kon Tum: Tập huấn công tác quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền xã, chủ rừng và kiểm lâm phụ trách địa bàn. Vừa qua, Hạt Kiểm lâm Kon Plông đã tổ chức lớp tập huấn công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ lãnh đạo chính quyền các xã, chủ rừng và kiểm lâm địa bàn. Nội dung tập huấn bao gồm những kiến thức cơ bản, như “Truyền thông về bảo vệ rừng”; “Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng”; “Quản lý sản xuất nương rẫy”; “Quản lý lâm sản trên địa bàn”; “Phòng cháy, chữa cháy rừng”; “Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã”... Ngoài ra học viên còn được giới thiệu những văn bản mới ban hành của ngành có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Lớp học này chính là xã hội hóa công tác bảo vệ rừng với phương châm bảo vệ rừng tận gốc.

Lê Văn Châu

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

Đồng Tháp: Hội nghị về quy chế quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim. Ngày 22/10/2008, tại thành phố Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị về quy chế quản lý rừng tràm và hệ sinh thái đất ngập nước ở Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông). Hơn 50 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện, trường, sở, ngành trong tỉnh đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo quy chế, giúp nhóm soạn thảo hoàn chỉnh, đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

An ninh rừng trên địa bàn huyện Hải Lăng, Quảng Trị ổn định. Công tác bảo vệ rừng đã được Kiểm lâm Hải Lăng coi trọng đúng mức, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, các ngành thực sự quan tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng giải quyết công ăn, việc làm tăng thu nhập ổn định đời sống nhân dân. Nhờ vậy độ che phủ của rừng Hải Lăng đạt 40%. Kiểm lâm Hải Lăng đã góp phần ổn định tình hình an ninh rừng trong suốt thời gian dài. 10 tháng đầu năm 2008, Hạt Kiểm lâm Hải Lăng đã phát hiện và xử lý 27 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 73,193m3 gỗ các loại quy tròn, 30kg động vật rừng trái phép, nộp ngân sách Nhà nước gần 110 triệu đồng. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Hải Lăng sẽ chủ động trong việc phối kết kợp với chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế xã hội nhằm đẩy mạnh hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Nguyễn Thị Tuyền

Quảng Ngãi: Xe vận chuyển lâm sản trái phép cán nát xe kiểm lâm. 23h ngày 6/10/2008, tổ công tác Hạt Kiểm lâm Trà Bồng do phó hạt trưởng Nguyễn Hồng Thái chỉ huy bắt giữ xe ô tô biển số 76K 5933 do đối tượng Hùng trú tại thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng vận chuyển hơn 3,5m3 gỗ trái phép từ huyện Tây Trà. Khi tổ công tác phát tín hiệu dừng xe để kiểm tra, thì Hùng cố tình bỏ chạy. Tổ công tác dùng xe máy truy đuổi gần 10km. Suốt chặng đường Hùng đã lạng lách không cho lực lượng truy đuổi qua mặt. Khi đến xã Trà Phú kiểm lâm vượt được xe của Hùng. Thế nhưng, Hùng không chấp hành dừng xe mà chèn nát xe máy của tổ công tác, lái xe bỏ trốn. Ngày 13/10/2008, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã chuyển toàn bộ hồ sơ và phương tiện sang cơ quan điều tra thụ lý, xử lý theo thẩm quyền.

Lâm Đồng: Voi rừng phá chốt canh của kiểm lâm. Đầu tháng 10/2008, cứ vào khoảng 3 giờ sáng có hai con voi rừng khá lớn xuất hiện tại khu vực đèo Bảo Lộc thuộc Ban quản lý rừng Nam Đa Huoai, do Ban chỉ huy Quân sự huyện nhận khoán bảo vệ. Voi đã phá hỏng chốt canh của Ban quản lý rừng, ngoài ra còn giẫm đạp hư hại một số vật dụng. Hạt Kiểm lâm Đa Huoai đã thông báo cho các ngành liên quan và người dân trong khu vực đề phòng và lưu ý tuyệt đối không được làm tổn hại voi.

Bắc Kạn: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ bị hoàng hành. Thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì đang bị các đối tượng đào vàng hoành hành. Trong 10 lũng núi, hiện có khoảng 100 đội với hàng chục máy bơm nước và khoảng 200-300 người đào đãi vàng trái phép. Huyện Na Rì đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành truy quét các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành rút đi, các đối tượng này ngay lập tức quay trở lại tiếp tục đào đãi vàng.

Cát Tiên, Lâm Đồng: Xét xử công khai đối tượng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong 2 ngày 25 và 26/9/2008, Tòa án nhân dân huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đã mở 2 phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử công khai các đối tượng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Phiên tòa thứ nhất diễn ra ngày 25/9/2008 xét xử lưu động tại trụ sở UBND xã Tiên Hoàng là nơi cư trú của bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng sinh năm 1986 bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo về động vật hoang dã quý hiếm theo điều 190 Bộ luật Hình sự, vì đã có hành vi săn bắt 01 con gà tiền mặt đỏ (Polyclectron bicaratum) hội đồng xét xử tuyên với mức án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng. Phiên tòa thứ hai diễn ra ngày 26/9/2008 xét xử tại trụ sở tòa án huyện Cát Tiên đối với bị cáo Hoàng Văn Phong sinh năm 1966 cư ngụ thôn Phước Thái, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố về tội về tội hủy hoại rừng theo điều 189 Bộ luật Hình sự, vì đã có hành vi phát rừng trái phép để làm nương rẫy với tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm gây thiệt hại với tổng diện tích rừng đặc dụng là 4.700m2, hội đồng xét xử đã tuyên với mức án là 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 52 tháng.

Huỳnh Văn Trung

Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên

Quảng Nam: Lâm tặc tấn công làm cán bộ kiểm lâm bị chết và bị thương: Lúc 23 giờ 30 phút ngày 27/9/2008, Trạm Kiểm soát lâm sản Phú Bình, thuộc xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, lực lượng kiểm lâm phát hiện mô tô mang biển số 92H7-0442, do một người tên Minh điều khiển, kéo theo phía sau xe bò chở gỗ trái phép vượt trạm. 3 kiểm lâm viên gồm Võ Văn Nam (sinh năm 1961), Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1965) cùng Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1968), thuộc Trạm Kiểm soát lâm sản Phú Bình, Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức lên 2 mô tô truy đuổi. Khi đến địa phận thôn Việt An, xã Bình Lâm (Hiệp Đức), đối tượng vận chuyển gỗ trái phép đã tháo rời chiếc xe bò gỗ phía sau, gây tai nạn cho cán bộ kiểm lâm. Kiểm lâm viên Võ Văn Nam chết tại chỗ và Nguyễn Văn Mẫn bị thương nặng. Vụ việc chưa kịp lắng thì một tuần sau vào lúc 20 giờ 30 ngày 5/10/2008, kiểm lâm viên Đồng Văn Cần làm việc tại Trạm Kiểm soát lâm sản Dốc Kiền (Hạt Kiểm lâm Đông Giang) bị đối tượng Nguyễn Kiên (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) bất ngờ dùng ly thủy tinh đánh thẳng vào mặt gây thương tích nặng phải cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng). Trước khi xảy ra vụ việc này, vào lúc 17 giờ 40 ngày 5/10/2008, tại Trạm kiểm soát lâm sản Dốc Kiền, Đội Kiểm tra kiểm soát liên ngành đã phát hiện ô tô tải mang biển kiểm soát 43S -1292 vận chuyển gỗ rừng trồng, phía dưới cất giấu một số gỗ hộp không có nguồn gốc. Mặc dù lực lượng liên ngành yêu cầu ông Kiên bốc dỡ số lâm sản trái phép xuống để đo đếm, lập hồ sơ vi phạm nhưng chủ phương tiện không chấp hành. Đến 20 giờ 30 cùng ngày thì đối tượng Nguyễn Kiên đã tấn công kiểm lâm viên Đồng Văn Cần là người trực tiếp xử lý vụ việc trên.

Bình Thuận: Một kiểm lâm bị đánh dập lá lách. Rạng sáng 20/10/2008, sau khi bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ một xe bò chở gỗ trái phép, nhóm lâm tặc đã tấn công kiểm lâm nhằm tẩu tán tang vật. Chúng ném đá trúng vùng hạ sườn trái khiến anh Hoàng Danh Hoàn (cán bộ Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam) bất tỉnh tại chỗ... Hậu quả của hành vi ném đá là anh Hoàn phải cấp cứu tại bệnh viện và phải cắt bỏ một lá lách.

Loài rái cá quý hiếm nhất châu á được tìm thấy ở Việt Nam. Khi điều tra thực địa gần đây, một nhóm khảo sát đã có cơ hội quan sát trực tiếp hai cá thể rái cá lông mũi - loài ít được biết đến nhất trong số 13 loài rái cá trên thế giới tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Đây là lần đầu tiên loài rái cá lông mũi được xác nhận tại Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay, do các chuyên gia thuộc Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê thực hiện. Tháng 3 vừa qua, khi tiến hành điều tra động vật bằng cách soi đèn đêm, nhóm chuyên gia đã phát hiện hai cá thể rái cá lông mũi dọc một bờ kênh. Vào năm 1990, rái cá lông mũi được coi là đã tuyệt chủng trên thế giới. Tuy nhiên, nó được tái phát hiện tại Campuchia, Thái Lan, Sumatra. Tại Việt Nam, ghi nhận gần đây nhất về chúng năm 2000, tại Vườn quốc gia U Minh Thượng. Có rất ít thông tin về loài này vì vậy chúng hiện được liệt vào dạng thiếu số liệu trong Sách đỏ của IUCN. Tuy nhiên, rái cá lông mũi được xác định là loài có tầm quan trọng bảo tồn quốc tế. Trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, loài này cũng được liệt vào dạng nguy cấp. Rái cá lông mũi rất khó bắt gặp trực tiếp do chúng hoạt động vào ban đêm. Chúng ăn cá, ếch nhái, các loài bò sát, và côn trùng. Việt Nam là nơi sinh sống của bốn loài rái cá, bao gồm rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), rái cá lông mượt (Lutra perspicillata), rái cá thường (Lutra lutra), và rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea). Cả 4 loài đều đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự tác động đến sinh cảnh và nạn săn bắt để lấy da, làm thuốc và lấy thịt.

Dương. Ngày 27/11/2008, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình đã khai mạc hội thảo quốc tế về bảo tồn linh trưởng ở khu vực Đông Dương. Hội thảo được tổ chức, với sự phối hợp của Vườn quốc gia Cúc Phương, Hội Động vật học Frankfurt, Tổ chức Bảo tồn quốc tế, Quỹ Hành động vì linh trưởng quốc tế và Tổ chức hợp tác bảo tồn linh trưởng. Hơn 100 nhà khoa học đến từ các nước Đức, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia đã tham gia hội thảo. Trong 4 ngày, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến bảo tồn linh trưởng (gồm các loài vượn, voọc, cu ly, khỉ). Tại hội thảo, ông Ben Rawson - đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (làm việc tại Việt Nam và Campuchia) nhấn mạnh: Các chuyên gia và chính phủ các nước cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trước những nguy cơ chung về sự biến mất của các loài linh trưởng trong toàn khu vực. Các nhà bảo tồn cần bàn tính cụ thể hơn, biện pháp liên kết, những trở ngại đang có để kiến nghị tháo gỡ làm sao cho sự liên kết cần thiết kể trên được tiến hành thật hiệu quả.

Lâm Đồng: Thí điểm giao rừng cho cộng đồng dân cư. Hình thức thí điểm này được thực hiện tại 7 cộng đồng dân cư là người dân tộc thiểu số sống gần rừng thuộc các huyện Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm và Lạc Dương. Theo đó, mỗi cộng đồng dân cư khoảng 100 hộ sẽ nhận từ khoảng 300ha đến gần 1.000ha rừng để quản lý bảo vệ theo định mức chung của tỉnh (100.000 đồng/ha/năm). Dự kiến có khoảng gần 2.300ha rừng được giao theo mô hình này.

canh. Hội nông dân huyện Tân Lạc phối hợp với Trung tâm khuyến nông khuyến lâm tỉnh, Công ty Phát triển lâm nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp triển khai mô hình trồng rừng thâm canh keo tai tượng với qui mô 130ha. 140 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% giống, vật tư, phân bón, công chăm sóc, bảo vệ trong 3 năm đầu. Huyện hội cũng đã ký kết với Lâm trường Tân Lạc cung cấp 21 vạn cây keo giống, 17,5 tấn phân NPK cho các hộ tham gia mô hình.

Phát hiện loài thực vật mới ở Kiên Giang. Trong chương trình nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực núi đá vôi Kiên Lương, Kiên Giang, các chuyên gia của Viện Sinh học nhiệt đới Hồ Chí Minh cùng chuyên gia Vườn thực vật Edinburgh, Scotland phát hiện và công bố loài thực vật Ornithoboea mới cho khoa học. Loài thực vật mới này có tên gọi Ornithoboea emarginata, rất giống loài Ornithoboea lacei Craib ở Myanmar vì cùng có đặc điểm các đầu thùy tràng hoa lõm. Tuy nhiên, loài này có sự khác biệt vì thiếu sự tồn tại của các lá rất ngắn ở gốc lúc trưởng thành, mép lá răng không đều hơn nhiều, có nhiều lông trên bao phấn và quả ngắn hơn. Đây là loài đặc hữu hẹp của núi hang Cá Sấu, cách Hòn Chông khoảng 3km về hướng tây tây bắc. Loài này còn được tìm thấy ở các núi đá vôi lân cận như Bà Tài, Hang Tiền, Mo So. Ornithoboea emarginata là loài cây chịu bóng, mọc từng bụi rải rác trên các khe nứt hay các hộc đất nhỏ trên các vách đứng ở những hang núi đá vôi từ độ cao 10 đến 70m so với mực nước biển. Số lượng quần thể cũng như số lượng cá thể trong quần thể của loài này tìm thấy trên các núi đá vôi ở Kiên Giang rất ít.


Số lượt đọc:  422  -  Cập nhật lần cuối:  05/01/2009 01:43:58 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH