Số 1

Quản lý trại nuôi động vật hoang dã ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; đặc biệt là đa dạng về các loài động thực vật có nguồn gốc từ rừng. Thời gian qua nạn săn bắt, mua bán, vật chuyển động vật rừng trái phép trên địa bàn xảy ra nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên. Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ mua bán, vận chuyển có tính hệ thống, liên tỉnh với khối lượng lớn động vật rừng hoang dã.

Việc gây nuôi sinh sản các loài động vật có nguồn gốc từ rừng đang được Chính phủ khuyến khích. Một số địa phương đã hình thành trang trại gây nuôi các loài heo rừng, nhím, đà điểu, trăn, cá sấu,... nhiều mô hình đã thành công. Tuy nhiên, quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật rừng rất phức tạp do chưa có quy trình quản lý hoạt động hoặc rất khó xác định nguồn gốc hợp pháp đối với các loài động vật nuôi nhốt. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, tại Thừa Thiên Huế đã có 17 đơn vị tham gia nuôi nhốt động vật hoang dã tại 6 huyện và thành phố với 192 con heo rừng, 50 con nhím, 11 con hươu sao, 2 con gấu và 2 con voi. Sau khi kiểm tra, đã cấp phép cho 9 đơn vị, những đơn vị còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục để được cấp phép. Điều đáng nói là mức độ phát triển cơ sở nuôi nhốt này đã và đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả thì sẽ xuất hiện nhiều bất cập về quản lý nguồn gốc các loài gây nuôi cũng như hạn chế hiệu quả kinh doanh của các trang trại này.

Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã tìm hiểu và tiếp cận nhiều giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Trên cơ sở quy định của Nhà nước, đơn vị đã cập nhật, soạn thảo quy định các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và quản lý trại nuôi động vật hoang dã. Một số điều khoản đã được hiệu chỉnh nhằm hình thành bản quy định các thủ tục cho phép nuôi nhốt động vật hoang dã phù hợp với điều kiện thực tế tại Thừa Thiên Huế. Để tăng tính pháp lý, văn bản này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành và có hiệu lực đối với tất cả các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên toàn phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong quá trình xây dựng quy định, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã lấy ý kiến các nhà khoa học, các ngành liên quan và đặc biệt là ý kiến, nguyện vọng của các chủ trang trại nuôi nhốt thông qua các buổi hội thảo hay góp ý trực tiếp cho cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Chính vì thế quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận nuôi nhốt động vật hoang dã vừa thỏa mãn các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đáp ứng tính cấp thiết về thời gian hoàn chỉnh thủ tục để cấp phép thông qua việc quy định thời gian cụ thể đối với từng nhóm đối tượng nuôi nhốt. Các quy định đã được đăng công báo hoặc đưa lên trang web của Thừa Thiên Huế để người dân nắm bắt thông tin một cách thuận tiện nhất.

Ngoài các mẫu như hồ sơ đăng ký trại nuôi, giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi lực lượng kiểm lâm xây dựng mẫu phương án sản xuất kinh doanh và mẫu sổ theo dõi động vật gây nuôi. Trên nền tảng chung của các phương án sản xuất kinh doanh cùng với tình hình thực tế gây nuôi sinh sản động vật doang dã, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng phương án kinh doanh cho hoạt động này, giúp các chủ trang trại định hướng kinh doanh cũng như thuận tiện trong việc quản lý số cá thể động vật nuôi nhốt.

Gây nuôi sinh sản động vật hoang dã là một trong những biện pháp để bảo tồn nguồn gen, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này. Nếu quản lý không tốt sẽ gây ra những khó khăn trong việc chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người tại các cơ sở gây nuôi động vật hung dữ. Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay đối với lực lượng kiểm lâm là phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng để nắm chắc tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, đồng thời làm tốt việc thẩm định các điều kiện gây nuôi trước khi cấp giấy phép cũng như kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để từng bước đưa hoạt động gây nuôi vào nền nếp.

NGUYỄN QUANG HÒA ANH


Số lượt đọc:  1466  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:39:36 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH