Số 1

Đào phá cây rừng làm cây cảnh: Hình thức phá rừng cần được ngăn chặn

Việc sưu tầm và chơi cây cảnh là thú vui tao nhã, giúp con người thư giãn sau thời giờ lao động mệt nhọc tạo sự gần gũi của con người đối với thiên nhiên, vạn vật... Sự trao đổi qua lại giữa các chủ sở hữu cây cảnh làm tăng thêm sự khác lạ của vườn cây. Tuy nhiên, khi giá trị cây cảnh ngày càng cao, thị trường tiêu thụ mạnh thì việc sở hữu hoặc tìm đủ mọi cách để sở hữu cây cảnh có nguồn gốc từ cây rừng là điều cần bàn. Hiện ở Phú Yên cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, cây cảnh được ưa chuộng phải là loài cây đại cảnh. Cây càng to, càng cao, nhiều nhánh để phân chi, cây xù xì, vẹo vọ, có u, có cục, nhiều năm tuổi, có thần, có thế đẹp... thì có giá càng cao. Nhiều người đã vào rừng đào bới cây đem bán và xem đây là một nghề mới, dễ kiếm tiền. Cây rừng chở về, các đầu nậu mua ngay, nếu chăm sóc đến khi cây sống, đâm chồi thì giá càng cao. Không ai xác định được hằng ngày có bao nhiêu người vào rừng tìm kiếm, đào cây rừng về làm cảnh. Một điều ai cũng biết đó là việc đào cây rừng về làm cảnh là trực tiếp phá rừng. Để lấy được một cây rừng cổ thụ về làm cảnh, họ thẳng tay triệt phá hằng trăm cây nhỏ khác, phá bỏ một vùng đủ rộng để mở đường vào đến tận nơi rồi đào, bới... cốt sao lấy trọn bộ rễ đã chằng chịt ăn sâu vào trong đất. Một cảnh tượng khác thường thấy là các khu vực bờ sông, suối, khe... là nơi mà cây lộc vừng tập trung thì cảnh đào bới... làm mất đi sinh cảnh càng khốc liệt. Mốt chơi cây cảnh này nay lại ảnh hưởng sang một số cơ quan nhà nước. Nhiều cơ quan đã "sưu tầm" cây đại cảnh, trồng thành “đám” - không rõ cơ chế thanh toán chi phí cho thú vui tiêu khiển này như thế nào? Và số cây này có nằm trong danh mục tài sản cơ quan hay không? Chính những hành vi này là tiếp tay cho việc phá rừng.

Trước tình hình nóng bỏng như vậy, các địa phương đã xây dựng phương án về bảo vệ rừng trên lĩnh vực này, kiểm tra các tụ điểm mua, bán vận chuyển, thu gom trái phép cây cảnh có nguồn gốc tự nhiên để xử lý. Tuy nhiên việc xử lý đối với các loại cây đại cảnh đã định hình gặp nhiều vướng mắc. Thực tế, cây cảnh thân gỗ có thể có nguồn gốc từ rừng nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ vườn nhà. Đối với cây cảnh thân gỗ có nguồn gốc từ vườn nhà, trên đất sản xuất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi khai thác, vận chuyển lưu thông buôn bán phải có xác nhận của chính quyền địa phương thông qua tham mưu của kiểm lâm địa bàn. Nhưng làm thế nào để kiểm soát, xác định gốc gác “cây đại cảnh nhà” hay “cây đại cảnh rừng”, hoặc một số cây đang đứng trên diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - mà diện tích đất này chưa kiểm tra - chỉ giao theo kê khai thì vấn đề càng phức tạp. Trong quá trình định giá sản phẩm để xác định mức phạt hành chính và bán lâm sản tịch thu (đối với trường hợp khai thác, vận chuyển cây đại cảnh không hợp pháp) cũng không thống nhất về kích cỡ, chủng loại, giá cả...

Đào cây cổ thụ từ rừng về làm cây cảnh sẽ làm giảm chất lượng rừng, hủy hoại môi trường. Việc tăng cường các biện pháp cấp bách để hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng đào cây cổ thụ ở rừng làm cây cảnh cần được quan tâm đúng mức. Để làm được việc này, không chỉ là lực lượng kiểm lâm mà phải có sự đồng thuận, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.

PHAN VĂN ĐOAN


Số lượt đọc:  880  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:34:54 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH