Số 1

Bảo vệ rừng và thừa hành pháp luật năm 2009

Năm 2009, cả nước đã phát hiện 40.929 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý 34.370 vụ, 34.046 vụ xử phạt hành chính, 324 vụ xử lý hình sự với 210 bị can; số vụ đưa ra xét xử thấp 47 vụ với 52 bị cáo. Tang vật, phương tiện tịch thu gồm có gỗ tròn 25.598,9m3 (gỗ quý hiếm 1.779,5m3); gỗ xẻ 26.316,9m3 (gỗ quý hiếm 3.998,1m3); động vật hoang dã 12.930 cá thể (có 723 cá thể quý, hiếm) khối lượng gần 38 tấn; xe ô tô, máy kéo 300 chiếc; xe trâu bò kéo 165 chiếc; xe máy 2.026 chiếc; ghe, tầu, thuyền 56 chiếc; phương tiện khác 20.063 cái. Tổng số tiền thu được trên 213,110 tỷ đồng - tăng 3% so với năm 2008 (tiền phạt 62,502 tỷ; bán tang vật tịch thu 149,353 tỷ; truy thu thuế 0,159 tỷ; thu khác 1,094 tỷ đồng). Nộp ngân sách trên 186,428 tỷ đồng.

Năm 2009, Kiểm lâm Việt Nam có nhiều biến động. Tháng 10, Chính phủ kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập Tổng cục Lâm nghiệp trên cơ sở sắp xếp lại các cơ quan quản lý lâm nghiệp. Cục Kiểm lâm sẽ có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Số lượng đầu mối và cán bộ công chức của Cục Kiểm lâm giảm. Các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ thành lập Chi cục Kiểm lâm. Như vậy, tới thời điểm năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đều có tổ chức kiểm lâm. Năm 2009, lực lượng kiểm lâm được nhà nước quan tâm cho hưởng chế độ thâm niên. Chế độ này đã giúp hỗ trợ tích cực cho đời sống của cán bộ, công chức kiểm lâm cả nước, giúp họ yên tâm thực hiện công việc được giao. Chính phủ cũng đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng thêm biên chế cho lực lượng kiểm lâm và một số đề nghị chính đáng khác. Năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan, cùng với cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm đã đạt những thắng lợi cơ bản và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên năm 2009, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, đầu năm khô hạn, cuối năm mưa bão dồn dập ảnh hưởng bất lợi tới tài nguyên và công tác bảo vệ rừng, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Giá một số loại lâm sản tăng cao, nhất là các loại gỗ quý hiếm. Đây là nguyên nhân làm cho tình hình phá rừng ở một số địa phương, nhất là rừng giáp ranh các tỉnh còn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng. Tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến kỷ cương pháp luật, tạo bức xúc trong xã hội. Năm 2009, cả nước xảy ra 45 vụ chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2008, làm chết 3 người bị thương 23 người. Xuất hiện nhiều vụ chống đối côn đồ có tổ chức (tổ chức canh gác, đặt bẫy chông, huy động nhiều người) đập phá phương tiện, đâm xe vào lực lượng kiểm tra, đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ và thân nhân. Tình trạng này tập trung ở các địa phương như Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Phước, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đăk Lăk, Vườn quốc gia Cúc Phương, Yok Don, Cát Tiên.

Để bảo vệ rừng, ngay từ đầu năm 2009, kiểm lâm cả nước đã tổ chức ra quân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ công chức kiểm lâm bám rừng, bám dân, bám chính quyền địa phương để bảo vệ rừng. Các địa phương đã đấu tranh kiên quyết với tình hình phá rừng, chống người thi hành công vụ, công tác quản lý động vật hoang dã. Đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, ứng trực và thực hiện tốt việc chữa cháy rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra công tác chống chặt phá rừng, mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Kiểm tra tình hình gỗ củi trôi dạt do cơn bão số 9 gây ra tại Quảng Nam, Kon Tum và Quảng Bình. Chỉ đạo các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên khắc phục sau bão lũ, hướng dẫn, đôn đốc tình hình tiêu thụ gỗ, tình hình chặt phá rừng sau bão. Tích cực quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong toàn lực lượng kiểm lâm. Phối hợp với cơ quan Hải quan rà soát thủ tục hành chính trong xuất khẩu sản phẩm gỗ nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu loại mặt hàng này. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo tình hình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Việc tham mưu, ban hành văn bản tạo hành lang pháp lý cho kiểm lâm và các địa phương luôn được lực lượng kiểm lâm coi trọng. Năm qua, kiểm lâm cả nước đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành hàng nghìn văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; về chế độ thâm niên kiểm lâm; về chuyển ngạch và tổ chức thi chuyển ngạch công chức kiểm lâm...

Năm 2009, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tình trạng chống người thi hành công vụ còn diễn ra phổ biến ở những địa phương có nhiều rừng, gây bức xúc trong xã hội. Tại một số địa phương đã xảy ra xung đột, tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với các chủ rừng và chủ dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng, làm phức tạp tình hình an toàn xã hội. Khu vực xảy ra phá rừng trái pháp luật tập trung tại diện tích sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng được chuyển từ loại rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, đặc biệt là diện tích thuộc các dự án cải tạo rừng và chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh cho địa phương quản lý. Hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật diễn ra ở hầu khắp các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên, nhất là khu vực thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sông, địa bàn có nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở trong rừng và gần rừng. Đáng chú ý nổi lên trong khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ trái pháp luật hiện nay là chuỗi hành vi vi phạm từ khai thác, vận chuyển đến chế biến thường được các “đầu nậu” tổ chức chặt chẽ theo “đường dây”; thuê người khai thác, vận chuyển gỗ và ít khi trực tiếp thực hiện. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi trong khâu vận chuyển như dùng xe vận chuyển hành khách, độ chế xe hai đáy, hai mui, dùng biển số giả; kết gỗ chìm dưới bè, sử dụng giấy tờ gỗ hợp pháp để quay vòng nhiều lần, làm giả dấu búa kiểm lâm. Thời gian chủ yếu vào ban đêm, ngày nghỉ; khi bị kiểm tra thì tìm cách mua chuộc, chống đối, kích động người dân, thuê “đầu gấu” chống trả. Gỗ trái phép được đưa về các xưởng chế biến ở trong rừng và gần rừng sơ chế, hợp thức hóa thành “sản phẩm sạch”. Hành vi vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã gia tăng. Lực lượng kiểm lâm đã tổ chức tháo gỡ hàng ngàn bẫy động vật, thu gần 300 khẩu súng săn tự tạo và vũ khí quân dụng. Những vụ vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật quy mô lớn đều có nguồn gốc nước ngoài, được tổ chức chặt chẽ, khi phát hiện khó điều tra, xử lý triệt để. Hiện việc xử lý đối với động vật sống còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể tịch thu để nuôi tập trung với số lượng lớn, nhất là động vật hung dữ còn sống. Những năm gần đây phong trào gây nuôi sinh sản động vật hoang dã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Hiện cả nước có trên 6.000 trại nuôi 70 loài động vật hoang dã với trên 1,5 triệu cá thể, trong đó có 7 cơ sở được Ban thư ký Công ước CITES quốc tế công nhận đủ tiêu chuẩn nuôi thương mại. Kim ngạch xuất khẩu động thực vật hoang dã gây nuôi ước đạt trên 100 triệu đô la Mỹ trong năm 2009 và đang có xu hướng tăng nhanh. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như khỉ đuôi dài, cá sấu, trăn, côn trùng… Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều sản phẩm và nguyên liệu động vật hoang dã cho sản xuất giày da, hàng thủ công. Năm 2009, xảy ra 337 vụ cháy rừng; thiệt hại 1.557,2ha, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2008. Các địa phương đã tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, kìm chế cháy rừng thành công. các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm, tổ chức chữa cháy kịp thời, không xảy ra cháy lớn, các khu vực nguy cơ cháy cao được quản lý an toàn theo phương châm bốn tại chỗ, việc phát hiện và chữa cháy rừng sớm đã được triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả. Trạng thái rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng với 1.362ha, chiếm 87% với các loài cây trồng thông, bạch đàn, keo thuần loại và rừng trồng hỗn giao các loài cây này; rừng tự nhiên bị cháy chủ yếu là rừng nghèo đang khoanh nuôi.

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng diễn biến phức tạp là do dân số tại chỗ, dân di cư tự do ở các vùng có rừng tăng nhanh, quỹ đất lâm nghiệp bị xâm hại. Giá gỗ rừng tự nhiên tăng cao, buôn bán gỗ trái pháp luật mang lại lợi nhuận lớn, có thu nhập ngay nên kích thích người dân khai thác gỗ. Giá nông sản tăng cao kích thích phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp. Về chủ quan chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã ở những nơi trọng điểm phá rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng thiếu tích cực, thường xuyên. Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức bảo vệ rừng, đấu tranh chống các hành vi vi phạm, điều tra, xử lý kẻ cầm đầu. Cán bộ, cơ quan công quyền cơ sở một số nơi có biểu hiện vì lợi ích cục bộ, làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho hành vi vi phạm. Cấp xã thiếu phương tiện và kinh phí để tổ chức các hoạt động bảo vệ rừng. Các lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đang quản lý trên 6.504.373ha nhưng năng lực quản lý bảo vệ rừng hạn chế, không đủ sức bảo vệ rừng được giao, tình trạng này tương tự đối với số diện tích do cấp xã quản lý là 2.537.441ha. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác đang quản lý 4.076.959ha rừng hầu hết có quy mô nhỏ không thể tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng. Nhiều địa phương đã cho phép triển khai các dự án cải tạo rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; xây dựng các công trình thủy điện chưa tính toán toàn diện, không chú trọng công tác tuyên truyền tạo tâm lý trong một bộ phân dân cư sợ thiếu đất nên đã tổ chức bao chiếm đất, phá rừng. Các địa phương cho phép thành lập với số lượng ngày càng tăng các xưởng chế biến lâm sản phân tán trong rừng, gần rừng nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát các hoạt động và nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập xưởng để một số lợi dụng trở thành tụ điểm thu gom gỗ trái phép. Chính sách, qui định về quản lý đất lâm nghiệp và rừng còn nhiều bất cập. Xử lý vi phạm ở nhiều nơi chưa nghiêm; một số chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa phát huy tác dụng răn đe. Lực lượng kiểm lâm mỏng, địa vị pháp lý hạn chế, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cán bộ kiểm lâm địa bàn còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều xã. Một số kiểm lâm địa bàn thiếu năng lực, chưa tham mưu kịp thời cho chính quyền các biện pháp bảo vệ rừng. Một bộ phận giao động trước khó khăn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bị mua chuộc, tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

Theo số liệu thống kê đến đầu năm 2010, tổ chức kiểm lâm gồm Cục Kiểm lâm, 3 cơ quan kiểm lâm vùng, 63 chi cục kiểm lâm; 30 vườn quốc gia, 424 hạt kiểm lâm, 15 hạt phúc kiểm lâm sản, 77 đội kiểm lâm cơ động, 109 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ. Cả nước có 10.655 cán bộ kiểm lâm (9.499 biên chế, 1.156 lao động hợp đồng); 130 cán bộ trình độ trên đại học, 4.157 cán bộ trình độ đại học, 4.811 cán bộ trung cấp, 1.557 cán bộ sơ cấp. Cả nước đã phân công 4.484 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã.


Số lượt đọc:  822  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:43:17 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH