ừ ngày 21-22/9/2023, tại thành phố Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang. Cục Kiểm lâm chủ trì, với sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án Lâm Nghiệp và Tổ chức WWF tổ chức Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Kế hoạch quản lý cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam.
Tham gia hội thảo gồm có đại diện các cơ quan quản lý chuyên ngành, các chuyên gia, tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã trong và ngoài nước đóng góp ý kiến để Cục Kiểm lâm hoàn thiện Kế hoạch quản lý hổ trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với quy định của Công ước CITES, pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn.
Cục trưởng Bùi Chính Nghĩa phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Bùi Chính Nghĩa Cục trưởng Cục Kiểm lâm đã có ý kiến khẳng định: “Triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nuôi nhốt hổ cũng như công tác quản lý hổ, qua đó nhận thấy còn một số vấn đề khó khăn, thách thức đối với các cơ sở nuôi hổ cũng như công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Qua đó Cục Kiểm lâm đã đề xuất xây dựng dự thảo khung kế hoạch về quản lý hổ nuôi nhốt với một số các giải pháp mới như: Quản lý, giám sát hổ bằng công nghệ ADN, hình ảnh sọc vằn,… phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng trái pháp luật hổ và các sản phẩm, dẫn xuất từ hổ,..”.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật trong thời gian 02 ngày các đại biểu đã được giới thiệu những thông tin chung về hiện trạng nuôi nhốt hổ ở Việt Nam. Các ý kiến thảo luận, đóng góp của đại biểu trong Hội thảo đã tập trung vào các nội dung đánh giá thực trạng hoạt động nuôi nhốt hổ, công tác quản lý hổ ở địa phương, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hổ nuôi nhốt quốc tế, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong quản lý hổ nuôi tại Việt Nam từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã trong và ngoài nước.
Giám đốc văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp – WWF, Bà Michelle Owen chia sẻ: “Việc quản lý hổ nuôi nhốt đòi hỏi nỗ lực chung của các cơ quan Chính phủ, chủ sở hữu cơ sở và đối tác từ các tổ chức quốc tế. Điều này đã được thể hiện rõ qua sự đa dạng của thành phần đại biểu tham dự từ các lĩnh vực khác nhau trong Hội thảo ngày hôm nay. Chúng tôi hoan nghênh cơ hội nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia nhằm cải thiện công tác quản lý hổ nuôi nhốt ở Việt Nam” và khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để tăng cường năng lực cho các cơ quan thẩm quyền hướng tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động nuôi nhốt hổ.