Tin hoạt động

Vườn quốc gia Vũ Quang chủ động xây dựng và triển khai phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ

Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập ngày 30 tháng 7 năm 2002 theo Quyết định số 102/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên địa phận hành chính 03 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Tổng diện tích được giao quản lý, bảo vệ là: 56.926,90(ha) rừng tự nhiên, trong đó:
+ Trên địa bàn huyện Vũ Quang: 35.941,30 (ha);
+ Trên địa bàn huyện Hương Khê: 11.636,60 (ha);
+ Trên địa bàn huyện Hương Sơn: 9.349,00 (ha);
Toàn bộ diện tích rừng nằm trong vùng hoạt động mạnh của gió Phơn Tây Nam (gió Lào), hàng năm khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ ở vùng này có những thời điểm lên trên 410c, độ ẩm xuống thấp, gió Lào thổi mạnh; với địa hình đồi núi dốc, thực bì rậm rạp, có trên 60 Km đường biên giới Việt Nam - Lào; trên 50 ngàn người dân sống bao bộc, với nhiều đường tiểu mạch đi vào rừng; từ đặc điểm trên, xác định nguy cơ cháy rừng là rất cao nếu không có một phương án sát đúng theo phương châm 04 tại chỗ.
Rừng đặc dụng Vườn quốc gia Vũ Quang là vùng đầu nguồn quan trọng bậc nhất của tỉnh Hà Tĩnh, các con sông lớn (Ngàn Trươi, Ngàn Sâu, Ngàn Phố…) đều bắt nguồn từ rừng của Vườn, đây là những chi lưu lớn của sông La, con sông lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Với chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào, VQG Vũ Quang còn góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV. Ngoài ra, còn giúp phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái. Vườn quốc gia Vũ Quang là địa bàn sinh sống của hàng ngàn loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang cần được bảo tồn, nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả rừng mưa mùa, vùng đồi núi đến núi cao. Nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen kẽ giữa VQG Pù Mát ở phía Bắc và VQG Phong Nha Kẻ Bàng ở phía Nam; Vũ Quang cùng với Khu bảo vệ Quốc gia Nakai-Nam Theun Nationnal của Lào là khu vực bảo tồn lớn nhất, có hệ sinh thái tự nhiên còn lại ở gần với khu vực Bắc Đông Dương. Ở đây là nơi hai loài thú lớn được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới là Sao la, còn gọi là dê rừng dài (1992) và Mang lớn (năm 1993). Vườn quốc gia Vũ Quang được Chính phủ và các tổ chức Quốc tế nhìn nhận đánh giá cao giá trị và tiềm năng về bảo tồn cho Việt Nam, khu vực và thế giới. Vườn Quốc gia Vũ Quang không chỉ là rừng đặc dụng mà còn là khu di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng cuối thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn còn dấu tích của những người anh hùng lưu lại với thời gian như chờ đợi du khách khám phá.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu và nhiệm vụ bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm của Vườn Quốc gia Vũ Quang, đồng thời làm tốt chức năng phòng hộ đầu nguồn của các con sông trong vùng và đảm bảo nguồn nước cho hồ thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang với dung tích hồ chứa được thiết kế trên 9 triệu m3 nước, công trình do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, một trong những công trình trọng điểm của tỉnh đang gấp rút hoàn thành. Do vậy, công tác bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng luôn được đặc biệt chú trọng; ngay từ đầu quý I năm 2016, đồng chí Giám đốc - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nguyễn Danh Kỳ đã giao nhiệm vụ cho các bộ phận chuyên môn, tham mưu xây dựng Phương án BVR-PCCCR năm 2016, sát đúng với tình hình thực tế của đơn vị; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Vườn, các bộ phận trực thuộc đã khẩn trương triển khai những nhiệm vụ như sau: kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR-PCCCR năm 2016 do đ/c Giám đốc - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Vườn làm trưởng Ban; xây dựng báo cáo tổng kết công tác BVR- PCCCR năm 2015 đánh giá ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ năm 2016 đạt kết quả tốt hơn. Thành lập tiểu ban phổ biến tuyên truyền pháp luật năm 2016 với mục tiêu tổ chức 25 cuộc họp thôn để tuyên truyền và ký cam kết thực hiện các quy định của luật bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của nhà nước trong lĩnh vực BVR-PCCCR, phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình huyện xây dụng các chuyên đề, chuyên mục về công tác BVR-PCCR, các văn bản quy phạm của nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học để tuyên truyền rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của rừng đặc dụng; xây dựng Quy chế phối hợp với 03 Đồn Biên phòng Hương Quang, Hòa Hải và Đồn Phú Gia trên tuyến biên giới để giúp Vườn trong việc thực hiện Phương án BVR - PCCCR; thành lập 12 tổ xung kích chữa cháy rừng với 109 thành viên; làm mới và tu sửa 6 km đường băng cản lửa; tu sửa 02 chòi canh lửa; tu sửa 10 cưa xăng, 10 máy thổi gió, 12 loa chỉ huy, 04 máy cắt thực bì; tu sửa 14 biển tường, 70 biển cấm lửa, 01 biển dự báo cấp cháy rừng và các dụng cụ khác sẵn sàng cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Ngày 13 tháng 4 năm 2016, Vườn đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác BVR-PCCCR năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, với sự hiện diện của Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, Chính quyền địa phương các huyện, xã, thị trấn, các Đồn biên phòng, Hạt Kiểm lâm 03 huyện và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Tại Hội nghị tổng kết các đại biểu về dự Hội nghị đã nêu cao quyết tâm chính trị phối hợp giúp đỡ Vườn làm tốt công tác BVR-PCCCR; thay mặt lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đồng chí Nguyễn Huy Lợi Phó giám đốc Sở đã ghi nhận kết quả đạt được của Vườn trong những năm qua, đồng thời quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể cho Vườn trong thời gian tới.
Với công tác chuẩn bị hết sức chu đáo, tinh thần chủ động, quyết liệt theo phương châm 04 tại chỗ và sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp các ngành; sự đồng tình cao của người dân vùng đệm, tin tưởng rằng năm 2016 Vườn quốc gia Vũ Quang cũng sẽ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng - Phòng cháy chữa cháy rừng; bảo vệ bằng được nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia. (Lê Văn Vĩnh - Vườn quốc gia Vũ Quang - Hà Tĩnh)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA







Số lượt đọc:  231  -  Cập nhật lần cuối:  28/04/2016 10:52:43 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH