Số 1+2 năm 2008

Viết tiếp về vùng gỗ trắc Bình Định

Trong khi cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố lớn liên tục phát hiện những đường dây mua bán, xuất khẩu gỗ trắc trái phép thì tại các những miền rừng Nam Trung bộ gỗ trắc lại được khai thác, mua bán khá nhộn nhịp. Một trong những địa phương có nạn khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trắc trái phép diễn ra phức tạp là tỉnh Bình Định. Bản tin Kiểm lâm Việt Nam số 6/2007 đã đăng bài viết về vấn nạn này ở huyện Vĩnh Thạnh, tuy nhiên siêu lợi nhuận từ gỗ trắc đã làm cho các đối tượng bất chấp tất cả, không từ thủ đoạn nào, bài viết chỉ là phần nổi của tảng băng. Chúng tôi đã có dịp về tận nơi để viết tiếp về vấn nạn này. Theo Nguyễn Văn T, một đối tượng chuyên vận chuyển lâm sản thì mua bán gỗ trắc thời nay quả là siêu lợi nhuận, có lẽ chỉ kém buôn "hàng trắng" chút ít. Tôi tỏ vẻ không tin, T giảng giải: một khúc gỗ trắc (kích thước 10cmx10cmx60cm) mua tại rừng khoảng 100.000 đồng, vận chuyển về tới Trung tâm huyện Vĩnh Thạnh (30km) có giá khoảng 200.000 đồng, nếu vận chuyển tiếp về thị trấn Đồng Phó, huyện Tây Sơn (thêm 20km) sẽ có giá 300.000 đồng. Như vậy, chỉ cần vận chuyển trót lọt trên quãng đường (50km), qua địa phận của một hạt kiểm lâm, một khúc gỗ trắc đã có giá gấp 3 lần. Và chẳng có lâm tặc nào lại chỉ vận chuyển một khúc gỗ như vừa nói. Với mức lợi nhuận như vậy, thử hỏi có loại hàng nào sánh bằng buôn bán và vận chuyển gỗ trắc. Nếu trót lọt, một người tham gia khai thác, mua bán và vận chuyển gỗ mỗi ngày cũng kiếm được tiền triệu. Những đối tượng có phương tiện và tiền vốn có thể thu được vài chục triệu tiền lãi cho mỗi phi vụ. Chính vì thế, ở Vĩnh Thạnh mọi người đổ xô đi khai thác, mua bán và vận chuyển gỗ trắc. Họ không từ một thủ đoạn nào để có thể vận chuyển trót lọt gỗ trắc, từ việc ngụy trang bỏ gỗ trắc vào tủ đứng, làm xe hai ngăn hai đáy, theo dõi, cản đường, quăng gỗ chèn ép, đến hành hung kiểm lâm. Về Vĩnh Thạnh, chúng tôi được nghe kể và chứng kiến nhiều những vụ việc "lâm tặc" liều mình vì gỗ trắc. Có vụ lâm tặc lao cả xe và gỗ xuống suối Xem để thoát thân, hoặc liều mình tông thẳng vào xe kiểm lâm khi bị chặn bắt. Trước kia, thông thường khi vận chuyển gỗ trái phép bằng xe máy, gỗ thường được cột thành từng lớp bằng dây chun, khi bị phát hiện đối tượng dùng câu liêm cắt để gỗ bon ra đường thành chướng ngại vật cản sự truy đuổi của kiểm lâm. Đến nay, hành vi vi phạm tinh vi hơn, khốc liệt hơn và gây nhiều nguy hiểm hơn cho kiểm lâm. Ngoài việc tổ chức thành nhóm chuyên trách từng công việc đối phó với kiểm lâm đối tượng vận chuyển lâm sản còn chống trả quyết liệt nếu bị truy đuổi. Gỗ không còn là vật cản đường mà còn cùng với dao, kiếm... thành phương tiện tấn công kiểm lâm. Bản thân xe của Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh nhiều lần bị lâm tặc dùng gỗ trắc tấn công gây móp méo. Nhiều cán bộ của Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh bị lâm tặc chặn đánh, bản thân hạt trưởng cũng bị lâm tặc nhắn tin đe dọa. Vụ việc vào tháng 3/2007 là một minh chứng. Khi Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát lâm sản trên trục đường giao thông tại khu vực thôn K4, xã Vĩnh Sơn phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Diễn, sinh năm 1968, quê quán tại tỉnh Nam Định điều khiển xe honda biển số 77F8-2508 vận chuyển trái phép bốn khúc gỗ. Đi cùng với đối tượng còn có Nguyễn Văn Thể sinh năm 1977, người cùng quê Nam Định điều khiển xe honda biển số 77H7-5684 với mục đích dẫn đường. Qua đấu tranh, đối tượng Nguyễn Văn Diễn khai đã mua số gỗ trên tại xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và trên đường vận chuyển đi bán thì bị bắt. Lợi dụng sơ hở, đối tượng bỏ trốn. Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh đã gửi giấy báo gọi đến giải quyết nhưng đối tượng không đến. Thế rồi những ngày sau đó, trên máy điện thoại di động của hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh luôn nhận được tin nhắn với lời lẽ đe doạ, uy hiếp với nội dung ác ý. Khi về Vĩnh Thạnh để tìm hiểu, thu thập thông tin phục vụ bài viết này, vì là người lạ nên ngay khi đến địa phận huyện, chúng tôi đã được "giám sát" cẩn thận. Còn đồng nghiệp của tôi không thể uống nổi ly cà phê vì những ánh mắt và những lời lẽ rất khó chịu. ở Bình Định, gỗ trắc mọc chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh và các vùng giáp ranh huyện này. Đặc điểm của của cây trắc chậm lớn, thường mọc xen với các loài khác trong rừng lá rộng thường xanh. Vùng phía Tây giáp ranh với tỉnh Gia Lai, cây gỗ trắc lớn hơn vùng phía Đông. Thường phải là người địa phương biết rõ địa hình mới có thể biết được nơi cây trắc phân bố. Để khai thác được một khúc gỗ trắc không hề đơn giản vì những khu vực gần hầu như không còn. Đối tượng khai thác tiến dần lên vùng làng O2 , xã Vĩnh Sơn (giáp ranh với huyện An Lão), chính vì thế việc ngăn chặn nạn khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trắc đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Khi mọi con đường đưa gỗ trắc trái phép qua địa phận huyện Vĩnh Thạnh bị lực lượng chức năng ráo riết kiểm soát, bọn lâm tặc đã ngay lập tức chuyển hướng qua địa phận huyện An Lão. Những con đường này rất hiểm trở, ẩn trong những cánh rừng giáp ranh. Qua con đường này, bọn lâm tặc đã vận chuyển gỗ trắc khai thác trái phép không chỉ ở vùng Vĩnh Thạnh mà còn từ Tây Nguyên tập kết xuống, chờ ngày “hành phương Bắc”. Thực tế, rừng An Lão là rừng giàu nhưng có rất ít gỗ trắc. Những súc gỗ trắc vận chuyển qua đây hầu hết được khai thác từ rừng Tây Nguyên và huyện Vĩnh Thạnh. Do nằm sâu trong rừng nên những con đường này đã hiểm trở lại thêm lầy lội, rất bất lợi cho lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, truy quét. Nhưng đó lại là điều kiện thuận lợi cho lâm tặc tổ chức vận chuyển gỗ trắc tập kết tại rừng An Toàn bằng những con đường vận chuyển gỗ trước đây của Lâm trường An Sơn và đường 629 suối Bà Nhỏ giáp ranh giữa huyện Kbang và huyện Vĩnh Thạnh. Sau đó chúng dùng xe honda chuyển gỗ ra ngoài. Bọn lâm tặc rất ma mãnh, không bao giờ đi tập trung, chỉ đi từng nhóm nhỏ khoảng 5 người với những chiếc xe honda “không số” nhưng chạy rất khỏe, mỗi xe chở 2 khúc gỗ to. Nhóm vận chuyển nào cũng có một đội quân tiền trạm từ 7 đến 10 thanh niên lực lưỡng. Đội quân này có nhiệm vụ đi trước dò đường, khi lực lượng kiểm lâm tập kích thì đội quân này trở thành lực lượng giải vây, chống trả quyết liệt để tẩu tán lâm sản. Khi nào “bí” lắm chúng mới bỏ của chạy lấy người. Sau khi ra khỏi rừng, những súc gỗ trắc được đưa về cất giấu trong những khu vườn rậm rạp hoặc trong những chuồng bò nằm sát mặt đường thuộc địa bàn xã An Hòa (An Lão) và xã Ân Hảo (Hoài Ân) chờ xe ô tô đến vận chuyển đi tiếp. Suốt nhiều tháng nay, không chỉ Vĩnh Thạnh mà tại địa bàn huyện An Lão (Bình Định) đang nóng hổi từng ngày chuyện gỗ trắc. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm An Lão, số gỗ trắc và phương tiện tịch thu tăng đột biến. Những diễn biến phức tạp trong cuộc chiến chống lâm tặc vận chuyển gỗ trắc trái phép đang diễn ra trên địa bàn huyện An Lão khiến những cán bộ kiểm lâm giữ rừng ở đây phải hết sức vất vả. Bởi dù đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn nhưng suốt nhiều năm qua, nạn khai thác gỗ tại rừng An Lão chưa có một ngày yên tĩnh thì nay lực lượng kiểm lâm ở đây lại phải đối mặt với lâm tặc ngoại tỉnh “mượn” đường vận chuyển gỗ trắc khai thác trái phép qua địa phương. Lực lượng kiểm lâm mỏng, vừa ngăn chặn nạn phá rừng trên địa bàn vừa canh giữ những nẻo đường vận chuyển gỗ trắc nên nhiều khi không quản hết. Bài toán lấp chỗ này thì trống chỗ kia thật quá nan giải. Bởi nếu dồn lực lượng vào rừng để ngăn chặn việc khai thác thì bỏ trống những con đường vận chuyển và thế là gỗ trắc mặc sức “thong dong”; còn nếu bố trí lực lượng canh giữ những con đường vận chuyển gỗ trắc thì lâm tặc trong rừng lại hoành hành. Đã thế, những cán bộ kiểm lâm ở đây còn phải đối mặt với mối nguy hiểm đến tính mạng trước sự manh động của bọn lâm tặc tham gia vận chuyển gỗ trắc. Hiện nay, thị trường gỗ trắc đang “nóng” hơn cả gỗ huỳnh đàn, vì huỳnh đàn bị cấm ngặt hơn. Chủ thu mua gỗ trắc cũng chính là những “đại gia” huỳnh đàn. Lực lượng này có mặt khắp mọi nơi, ngoài thu mua những súc gỗ tươi vừa được khai thác từ những cánh rừng, họ còn thu mua tất tần tật mọi thứ vật dụng làm bằng gỗ trắc. Không chỉ ở Vĩnh Thạnh, ở An Lão cũng vậy, khi bị truy bắt, lâm tặc không ngại ngùng dùng hung khí uy hiếp lực lượng kiểm lâm để tẩu tán. Vụ xảy ra mới nhất vào ngày 13/9/2007 là một minh chứng. Khoảng 20 giờ, nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão bố trí lực lượng tại địa bàn xã An Tân chặn chiếc xe ô tô mang biển số kiểm soát 43H- 5740 đang vận chuyển gỗ trắc chạy về hướng thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Khi bị chặn, trên xe có chừng 2 khối gỗ trắc và chỉ có tài xế Hồ Tấn Thanh Truyền ở Quảng Vinh, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cầm lái. Thế nhưng chỉ một loáng sau, khi lực lượng kiểm lâm (6 người) chưa kịp xử lý, thì hiện trường lập tức có mặt 9 thanh niên lực lưỡng dùng hung khí đe dọa, bao vây lực lượng kiểm lâm để một số đối tượng khác ùa vào vác gỗ chạy vào khu dân cư lân cận. Trước tình thế trên, tổ công tác buộc phải nhờ lực lượng công an huyện đến chi viện. Khi lực lượng ứng cứu đến thì bọn lâm tặc đã kịp tẩu tán hơn một nửa số gỗ trên xe. Thực tế, không chỉ riêng trong vụ này mà trong những lần truy bắt trước đó bọn lâm tặc đều phản ứng táo tợn. Chúng không ngần ngại dùng nhiều loại hung khí như kiếm, dao to bản và lưỡi lê tấn công, đe dọa kiểm lâm để tẩu tán lâm sản. Nhiều cán bộ kiểm lâm ở đây thừa nhận chưa bao giờ thấy hoạt động của lâm tặc liều lĩnh đến như vậy. Còn rất nhiều tình tiết liên quan đến gỗ trắc, không thể kể hết. Để không còn vấn nạn khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trắc ở Bình Định cũng như các địa phương khác, lực lượng kiểm lâm rất cần một chiến lược bảo vệ tầm vĩ mô như đã làm với gỗ huỳnh đàn.

Hà Bình


Số lượt đọc:  770  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 10:40:24 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH