Số 1+2 năm 2008

Tung còn ngày Tết của người Mường

Ngày xuân, tại các bản làng của người Mường diễn ra nhiều trò chơi bổ ích và lý thú. Lễ hội tung còn là vui nhất, thu hút nhiều thanh niên nam nữ đồng bào Mường.

Gần đến ngày Tết, các chị em Mường thi nhau thêu còn. Ai cũng muốn có quả còn đẹp nhất để đi tung trong ngày hội. Ngày hội tung còn diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt từ sáng Mồng Một Tết. Con trai, con gái lũ lượt từng đoàn trong những bộ quần áo sặc sỡ như rừng xuân đơm hoa khoe lá. Họ kéo đến bãi tung còn, nơi hàng năm thường được tổ chức.

Thường là trước Tết Nguyên đán dân làng chọn cây tre thẳng, già, dài từ 5m đến 6m. Trên đầu gắn một vòng tròn có đường kính 80cm, được bịt giấy bản màu đỏ. Cây tre này được chôn giữa bãi đất bằng phẳng. Thường thì mở đầu cho các cuộc chơi bao giờ cũng là các cặp nam thanh nữ tú tung còn với nhau. Trước đó các chàng trai đã ngầm chọn sẵn cho mình đối tượng để tung còn. Ngược lại, các cô gái kín đáo, e ấp hơn nên thường tụm năm tụm ba lại với nhau để sửa lại những tua còn bị hỏng từ năm ngoái. Và khi cô gái Mường xinh nào được chọn, cảm thấy chàng trai tung còn với mình là chàng trai Mường tốt thì đồng ý chứ không hoàn toàn có chuyện gượng ép.

Luật chơi như sau: Quả còn được người đứng phía bên này tung, chui qua vòng tròn trên đầu cây tre, cho người đứng phía bên kia bắt rồi ném qua vòng tròn ấy trở lại cho người bên này bắt. Bao giờ cũng là các chàng trai tung trước cho các cô gái bắt. Cứ thế, cuộc chơi kéo dài nhiều khi hết cả buổi hoặc hết cả hội còn vẫn không phân nổi thắng thua bởi họ tung hứng rất tài tình, khéo léo. Đặc biệt, bên nào thua thì phải để lại một vật làm tin cho người thắng cuộc giữ. Nhưng thường người thua bao giờ cũng là các chàng trai. Sau khi thua, chàng trai nộp phạt bằng cách để lại vật làm tin nhưng miệng thì cười tươi như hoa bởi vì họ coi đó là sự tác thành của trời đất.

Sau hội tung còn, chàng trai quay lại tìm nhà cô gái (người thắng cuộc) để xin lại vật làm tin trong cuộc thua. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái cớ để các chàng trai Mường tốt tìm đến nhà cô gái Mường xinh mà họ thầm yêu, trộm nhớ. Chỉ mong đợi mùa xuân mau về để được vào hội tung còn với nhau, để mà được "thua" cô gái, để mà được gửi vật làm tin cho nhau. Bởi vậy, thường là các chàng trai Mường bị thua (tuy nhiên thua, sau khi thực sự trổ tài khéo léo của mình, có khi hàng buổi hoặc hàng ngày cho bạn tung còn biết rồi mới tìm cách để được thua, chứ không phải mới bắt đầu vào hội đã thua ngay). Để rồi sau đó, cha mẹ đôi bên mới làm các thủ tục: dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin.

Hội tung còn của người Mường được tổ chức như vậy, cho nên cứ mỗi độ xuân về, trẩy hội mùa xuân để tung còn là đất Mường bừng lên sắc xuân của các trò chơi, trò diễn tưng bừng náo nhiệt.

Ngày nay, tung còn vẫn được duy trì ở vùng đồng bào dân tộc Mường vào dịp Tết Nguyên Đán, mang theo chức năng này là trò chơi giải trí, giao duyên. Mọi người chỉ xếp thành hai hàng hai bên, nhiều khi không có cây tre ở giữa với vòng tròn trên đầu mà đơn giản chỉ tung ở phía bên này qua bên kia. Ngày Tết, họ chơi bắt còn với nhau để rồi yêu nhau, kết đôi thành vợ thành chồng, để cùng nhau đoàn kết, xây dựng bản Mường no ấm.

Phong tục này còn phản ảnh một tự do lành mạnh, hồn nhiên trong quan hệ trai gái của người Việt Nam xưa, chống lại quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân" của Nho giáo phong kiến.

Tung còn không phải là trò chơi riêng của bà con miền núi. ở thời Lê, Trần, phong tục này rất thịnh hành ở đồng bằng và Thủ đô Thăng Long. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ làm phong phú hơn bức tranh của đời sống văn hóa cơ sở.

Hoàng Ngọc Tài


Số lượt đọc:  633  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 02:02:01 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH