Số 1+2 năm 2008

Sâu ăn lá keo

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh (25/8/2007) trên địa bàn sâu ăn lá keo gây hại 25,9ha rừng trồng keo lá tràm trồng năm 2000 tại 3 thôn Trường Kỳ, Đông Trường, Tự Chính thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh; sau đó một tuần diện tích đã tăng lên 64,2ha. Hiện trường để lại là những cánh rừng trơ trụi, cảnh quan tiêu điều gây thiệt hại nghiêm trọng, làm người dân hoang mang. Theo đánh giá: Thức ăn cho sâu cơ bản hết (trụi hết lá), như vậy chắc chắn sâu phải xuống đất để di chuyển qua vùng khác, tại thời điểm kiểm tra phần lớn sâu đã vào kén hóa nhộng, kiểm tra kén dưới lớp thảm khô mật độ khoảng 200 kén/gốc tương đối dày. Hiện trường vùng cát rất thuận lợi cho việc bắt diệt thủ công. Khu vực này người dân địa phương gọi là "động cát vàng" cao hơn vùng xung quanh, dân lại ở gần như khép kín. Thời tiết đang khô hạn tiện cho cào lá đốt. Lực lượng lao động đang thời kỳ nông nhàn, nếu huy động tốt bảo đảm kịp thời cho việc cào đốt trước khi nhộng hóa bướm (dự đoán khoảng từ 7 đến 10 ngày).

Ra quân dập dịch: Ngay trong đêm Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh phối hợp UBND xã Vĩnh Tú chủ trì họp dân, dựa vào các điều kiện nêu trên biện pháp thủ công được chọn lựa, chiến dịch bắt đầu. Giai đoạn 1: Diệt nhộng, huy động toàn bộ nguồn lực ba thôn nói trên cho cào đốt toàn bộ thực bì để tiêu diệt nhộng, công việc rất khẩn trương và phải cào đốt hoàn thành trong vòng 7 đến 10 ngày trước khi nhộng hóa bướm; công việc đang tiến hành suôn sẻ như dự kiến, đến ngày thứ năm trời lại mưa, mọi người lo lắng, song tinh thần phải tiếp tục thực hiện, biện pháp dùng dầu để đốt đã được tính đến; với tinh thần làm việc tích cực nên trong vòng 9 ngày cơ bản đã cào đốt xong. Giai đoạn 2: Bắt bướm. Sâu ăn lá keo lần đầu tiên phát hiện, vòng đời của sâu chênh nhau với sâu róm thông vài ngày, trong giai đoạn 1 đã chuẩn bị các điều kiện để bẫy bướm bằng đèn vào ban đêm vì thông thường bướm có tính xu quang; sau 3 đêm bẫy bướm không hiệu quả, có thể trời mưa làm cho bướm không di chuyển, một biện pháp khác khác được triển khai ngay là bắt bướm thủ công; quan sát tại hiện trường bướm thường đậu thấp, ít di chuyển, bay ngắn, thuận lợi cho bắt; trong vòng 6 ngày hàng trăm học sinh và dân của 3 thôn nói trên đã bắt được trên 450kg bướm bảo đảm kịp thời trước khi bướm vũ hóa đẻ trứng (khoảng 8 đến 12 ngày). Hàng ngày kiểm lâm địa bàn bám hiện trường theo dõi diễn biến sâu, tình hình thời tiết để đề xuất biện pháp xử lý thích hợp, hướng dẫn bà con cào, chọn thời điểm đốt để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, bảo vệ được cây để phục hồi, chọn thời gian bắt bướm hiệu quả nhất. Song song việc tập trung dập dịch, Kiểm lâm Vĩnh Linh đã tích cực triển khai điều tra theo dõi mức độ lây lan vùng phụ cận, các đơn vị liên quan đã tổng kiểm tra trên toàn diện tích rừng keo hiện có trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời. Vòng đời sâu ăn lá keo cũng được theo dõi. Việc thử nghiệm phun các loại thuốc sinh học, hóa học bước đầu được triển khai nhanh chóng để đưa ra dự báo và biện pháp phòng trừ trong thời gian tới (trong điều kiện tại Quảng Trị). Trở lại chiến dịch đập dịch nói trên, có thể nói rằng chiến dịch đã thành công; sau một tháng trở lại hiện trường lứa sâu sau đã giảm hẳn không có khả năng gây hại và bùng phát thành dịch. Những việc phải làm sau dịch sâu ăn lá keo. Sâu ăn lá keo muốn phát triển thành dịch ở một nơi nào đó phải có 3 yếu tố: Thứ nhất là thời tiết thích hợp cho chúng phát triển; Thứ hai là nguồn thức ăn dồi dào; Thứ ba là nguồn sâu. Cả ba yếu tố trên ở Quảng Trị đều thuận lợi. Để phát hiện và giảm thiểu nguồn sâu cách tốt nhất là điều tra sâu theo định kỳ. Công tác điều tra giúp cho việc phát hiện sớm tình hình sâu hại, nơi nào an toàn, nơi nào nguy hiểm, tình trạng thiên địch... Nhờ điều tra theo dõi kịp thời giúp ta phát hiện được những ổ dịch nhỏ và tổ chức diệt trừ ngay bằng thủ công, hoặc các chế phẩm sinh học, như vậy lứa sâu sau không có khả năng lan rộng; Cách này giúp cho công tác phòng trừ đỡ tốn kém lại không gây ô nhiễm môi trường

Rừng trồng ở Quảng Trị rất lớn, gần 80.000ha trong đó thuần keo trên 30.000ha. Có một thực tế, hiện nay một số chủ rừng làm chưa tốt công tác điều tra do đó không phát hiện được ổ dịch, chỉ đến khi lan rộng mới báo cáo và tổ chức diệt trừ rất tốn kém và gây ô nhiễm môi trường. Kinh phí dành cho phòng, trừ sâu bệnh hại rừng rất hạn chế, chủ yếu dành cho điều tra, theo dõi, tập huấn, riêng dành cho mua máy móc, trang thiết bị, phương tiện để phục vụ cho phòng trừ sâu bệnh hại chưa có, mặt khác đặt ra cho việc quản lý các thiết bị, phương tiện cũng khó khăn vì sâu bệnh không phải năm nào cũng có, kinh phí năm không có dịch lại thừa, năm dịch quá lớn không đủ để tổ chức diệt trừ kịp thời. Khuynh hướng chung là khi diệt trừ là không khuyến khích sử dụng thuốc hóa học, chỉ sử dụng nó khi không còn cách nào khác. Vì vậy điều quan trọng nhất là phải làm tốt công tác phòng mà điều tra định kỳ là hết sức quan trọng.

Để quản lý sâu bệnh hại rừng theo chúng tôi cần đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở tỉnh, huyện và bố trí nhiệm vụ ổn định. Hằng năm mở lớp tập huấn về kỹ thuật điều tra, dự tính, dự báo cho cơ sở; từ đó trên từng địa bàn chủ động theo dõi khép kín và phát hiện kịp thời, có phương án trước để chủ động dập các ổ dịch khi mới xuất hiện. Hiện Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đang chịu trách nhiệm chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại rừng, điều này là không phù hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần bàn giao công tác này cho Chi cục bảo vệ thực vật theo qui định của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Qua tổ chức đập dịch cho thấy vai trò của chính quyền địa phương là quyết định, mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa để tổ chức chỉ đạo, huy động lực lượng để kịp thời dập dịch, vì sâu thường lây lan rất nhanh trên diện rộng. UBND tỉnh bố trí một khoản kinh phí dự phòng hỗ trợ cho công tác này để khi dịch bùng phát các cơ quan chuyên môn chủ động triển khai kịp thời. Về lâu dài các Viện, cơ quan nghiên cứu về bảo vệ rừng cần tập trung xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng hệ thống phòng trừ tổng hợp, phổ cập hoặc chuyển giao kết quả về phòng trừ sâu bệnh hại rừng, nhằm làm tốt dự tính, dự báo và phòng trừ phù hợp với từng địa phương.

Lê Văn Quý


Số lượt đọc:  1444  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 01:55:37 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH