Số 1+2 năm 2008

Hiệu quả thực hiện đề án Xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng

Với diện tích đất lâm nghiệp 1.181.293ha, trong đó diện tích có rừng hơn 770.000ha, Nghệ An là tỉnh có rừng và đất lâm nghiệp đứng đầu cả nước. Tài nguyên rừng phong phú, rất nhiều chủng loại gỗ, động vật rừng quý hiếm. Gần đây tổ chức UNESCO đã công nhận rừng miền Tây Nghệ An là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch cảnh quan và nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Những năm qua Kiểm lâm Nghệ An đã vượt qua khó khăn, trở ngại, bằng nhiều giải pháp tích cực, chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành và chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Tài nguyên rừng được giữ vững và từng bước nâng lên. Độ che phủ rừng từ 42% vào năm 2000 đã tăng lên trên 47% vào năm 2006. Thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2006-2010, trong định hướng phát triển kinh tế xã hội Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu: “... Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Hoàn thành giao đất, khoán rừng ổn định lâu dài cho hộ nông dân, đưa nghề rừng thành một ngành kinh tế quan trọng, để người dân vùng núi sống và làm giàu chủ yếu bằng nghề rừng. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới; nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 53% vào năm 2010...” đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho lực lượng Kiểm lâm Nghệ An. Xác định công tác quản lý bảo vệ rừng chỉ có thể thành công khi trở thành sự nghiệp chung của toàn xã hội. Bảo vệ rừng và xây dựng rừng phải có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các ngành, các cấp. Nhận thức được vấn đề này, cuối năm 2003, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã xây dựng đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng” được UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình triển khai thực hiện đề án đã nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, tham gia nhiệt tình của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Phong trào quần chúng tham gia quản lý bảo vệ rừng, phát triển vốn rừng ở Nghệ An bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Hiệu quả bước đầu qua hơn 4 năm thực hiện đề án là:

Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp nhất là cấp xã và thôn bản; làm chuyển đổi sâu sắc nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ rừng, xây dựng phát triển vốn rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng chỉ có thể thành công khi trở thành sự nghiệp chung của toàn xã hội, bảo vệ rừng xây dựng vốn rừng phải có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật bảo vệ và phát triển rừng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và có hiệu quả đã làm cho cán bộ chính quyền nhiều địa phương (nhất là cán bộ xã, thôn bản ở miền núi) thấy được vai trò trách nhiệm chủ động phối hợp cùng với kiểm lâm địa bàn, giúp các chủ rừng giải quyết tồn tại, xử lý vi phạm, từng bước lập lại trật tự trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Rất nhiều điểm nóng, tụ điểm đã tồn tại nhiều năm, được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm như Thành Sơn, Cao Vều (Anh Sơn), Bãi Xa, Cửa Rào, Khe Kiền (Tương Dương), Châu Hồng, Bắc Sơn, Nam Sơn (Quỳ Hợp), Châu Bính, Châu Tiến (Quỳ Châu)... Nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi học tập và tham gia xây dựng quy ước bảo vệ rừng cộng đồng đã hăng hái nhận đất, nhận rừng để bảo vệ và trồng rừng; phong trào toàn dân tham gia các tổ đội bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, tố giác, giáo dục cảm hóa các đối tượng vi phạm về rừng phát triển thành phong trào sâu rộng tạo tiền đề vững chắc cho việc xã hội hóa nghề rừng.

Các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng giảm rõ rệt, góp phần ổn định và phát triển tài nguyên rừng hiện có. Số vụ vi phạm: năm 2003 là 2.924 vụ, khởi tố 32 vụ; năm 2004 là 2.397 vụ, khởi tố 28 vụ; năm 2005 là 1.958 vụ, khởi tố 37 vụ; năm 2006 là 1.641 vụ, khởi tố 33 vụ; năm 2007 (số liệu 11 tháng) 1.485 vụ, khởi tố 12 vụ. Bình quân mỗi năm giảm 16 - 20%. Đến năm 2007 số vụ chỉ còn 50% so với năm 2003. Nếu so với năm 2001 con số 4.533 vụ, thì số vụ năm 2007 chỉ bằng 30%. Đặc biệt là số vụ nhân dân phát hiện, chính quyền địa phương xử lý tại địa bàn, số vụ khởi tố hình sự, tăng xét xử công khai đưa tin lên báo, truyền hình trực tiếp đã có tác dụng giáo dục, răn đe ngăn ngừa các tội phạm về rừng. Tình hình gây cháy rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép giảm mạnh, các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... diện tích rẫy hàng năm chỉ bằng 50% trước đây. Các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp nạn phát rừng làm rẫy hầu như không còn, tạo điều kiện thực hiện thành công các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm được củng cố, tăng cường một bước về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị công tác và đổi mới phương thức hoạt động. Lực lượng này thay đổi nhanh sau khi thực hiện đề án đưa kiểm lâm về địa bàn xã phối hợp với lực lượng cán bộ bảo vệ rừng cấp xã tham mưu cho chính quyền xã trong việc thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ rừng tại gốc theo Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ

Tạo sự phối hợp chặt chẽ, mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa lực lượng kiểm lâm với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tấn công truy quét lâm tặc, xử lý các vụ việc liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng một cách tích cực và có hiệu quả. Nhờ bám sát địa bàn và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, trong các đợt tấn công truy quét lâm tặc, giải tỏa các tụ điểm, điểm nóng về vi phạm lực lượng kiểm lâm luôn nhận được sự phối hợp kịp thời của chính quyền, lực lượng Công an, Quân đội, các cơ quan thông tấn báo chí. Các vụ khởi tố hình sự trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, chống lực lượng kiểm lâm trong khi thi hành công vụ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nên việc xử lý rất nhanh và nghiêm minh, tạo được tác đụng giáo dục ngăn ngừa rất lớn. Ba vụ án gây cháy rừng ở Đô Lương, Nam Đàn được xét xử kịp thời, với một mức án nghiêm minh 4 năm tù dành cho những người vô ý gây cháy rừng và 7 năm tù cho kẻ cố ý đốt rừng là một minh chứng rõ nhất cho điều này.

Xuất hiện ngày càng nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân điển hình xuất sắc về tham gia quản lý, bảo vệ rừng phát triển vốn rừng. Từ trong phong trào rất nhiều điển hình tiến tiến đã và đang xuất hiện. Tại hội nghị điển hình tiên tiến quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng trong cộng đồng dân cư tổ chức trong năm 2006 đã có gần 110 tập thể, cá nhân, già làng trưởng bản tham gia và được các cấp tuyên dương khen thưởng. Nổi bật như lâm trường Con Cuông đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, một điển hình xuất sắc về kinh doanh tổng hợp khoanh nuôi bảo vệ, làm giàu rừng, khai thác chế biến và nông lâm kết hợp; xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Thuận (Nghĩa Đàn), xã Tường Sơn, Khai Sơn (Anh Sơn)... điển hình về khoanh nuôi phục hồi rừng; bản Khe Ngẫu (Tương Dương ) mô hình tốt về quản lý bảo vệ rừng; Tổ hợp trồng rừng Lê Duy Nguyên ở Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu), gia đình ông Phan Trọng Thọ ở Đồng Thành (Yên Thành)... Rất nhiều già làng, trưởng bản đã đóng góp lớn cho phong trào bảo vệ rừng tại cộng đồng như: Cụ Vi Chính Nghĩa, gần 80 tuổi người nhiều năm nay giữ rừng Săng lẻ tại bản Quang Thịnh (Tam Đình, Tương Dương), Cụ Lang Văn Tý, 76 tuổi trưởng bản Tân Sơn (Môn Sơn, Con Cuông), ông Lương Văn Đại, trưởng bản Pà Cọ, xã Hạnh Dịch (Quế Phong), ông Lô An Ninh, trưởng bản Muộng, xã Châu Thái (Quỳ Hợp)... Những điển hình xuất sắc này là những gương sáng tô đẹp thêm bức tranh quản lý bảo vệ rừng, góp phần ổn định trật tự quản lý bảo vệ rừng, giữ vững và phát triển tài nguyên rừng. Nó khẳng định tính đúng đắn và sự bền vững của công tác xã hội hóa bảo vệ rừng ở Nghệ An. Đây chính là tiền đề, cơ sở cho lực lượng Kiểm lâm Nghệ An tin tưởng, vững bước trên chặng đường tiếp theo của sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng đầy gian nan thử thách.

Nguyễn Tất Dứ


Số lượt đọc:  914  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 01:39:48 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH