Số 1+2 năm 2008

Giải pháp bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã ở Thanh Hóa

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền giáo dục, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã nên đã hạn chế nạn săn bắt động vật hoang dã trong các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ.

Ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định quy hoạch mở rộng diện tích rừng đặc dụng từ gần 30.000ha lên hơn 80.000ha, bằng việc thành lập thêm 3 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông và Xuân Liên, để bảo tồn các hệ sinh thái rừng đặc trưng của tỉnh; đồng thời với việc bảo vệ, phục hồi diện tích rừng tăng từ 405.883ha năm 2000 lên 497.584ha năm 2006, đã góp phần quan trọng mở rộng môi trường sống cho các loài động vật hoang dã.

Đầu năm 2005, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã bằng việc xây dựng và ban hành quy chế quản lý súng săn, bảo vệ động vật hoang dã. Sau khi có quy chế, tỉnh đã mở cuộc vận động toàn dân giao nộp súng săn, dụng cụ bẫy bắt động vật hoang dã, đã có 5.304 khẩu súng săn các loại được nhân dân tự nguyện giao nộp. Đồng thời tiến hành điều tra, thống kê và tổ chức gắn chíp điện tử quản lý 86 cá thể gấu nuôi nhốt của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tỉnh đã quyết định đầu tư gần 2 tỷ đồng cho 3 dự án "Bảo tồn loài bò tót ở Pù Hu", "Bảo tồn loài voọc mông trắng ở Pù Luông", "Bảo tồn, phát triển hai loài thực vật hạt trần quý hiếm pơmu và samu ở Xuân Liên".

Mặc dù đã có nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, nhưng kết quả chưa như mong muốn, cụ thể chỉ tính trong 2 năm 2006 - 2007, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa đã bắt giữ và xử lý 22.968kg động vật hoang dã, trong đó số động vật hoang dã có nguồn gốc tỉnh ngoài 21.894kg chiếm 95,3%, có nguồn gốc trong tỉnh 1.066kg chiếm 4,7%, như vậy bình quân hàng năm hơn nửa tấn động vật hoang dã bị săn bắt trái phép có nguồn gốc trong tỉnh bị bắt giữ. Việc săn bắn, bẫy bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều nơi với những mức độ khác nhau như: Săn bắt động vật hoang dã ở các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ rất khó kiểm soát; tàng trữ, buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều khu dân cư; nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã ở nhiều hộ dân.

Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, nhân dân rất quan tâm đến vụ việc xử lý nuôi nhốt hổ ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sự việc này được phát hiện từ ngày 30/6/2007, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa phối hợp Công an tỉnh, chính quyền địa phương kiểm tra phát hiện tại gia đình ông Nguyễn Mậu Oai và Đoàn Viết Nha, ở xã Xuân Tín đang nuôi nhốt 10 con hổ. Nguồn gốc số hổ trên là của ông Nguyễn Mậu Chiến (con trai ông Oai), công tác tại Công ty Cổ phần hóa dược Việt Nam. Theo lời khai của ông Chiến, số hổ trên được mua vào năm 2006 và đầu năm 2007 của một số người dân khu vực xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa mang đến bán tại nhà, trọng lượng bình quân mỗi con khi mua khoảng 3 đến 4kg. Việc mua, nuôi nhốt số hổ nói trên không có bất cứ một loại thủ tục, giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Vụ việc vi phạm được xác định là nghiêm trọng, Chi cục Kiểm lâm tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với ông Nguyễn Mậu Chiến về hành vi "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã", giao cho ông Chiến tiếp tục nuôi nhốt số hổ nói trên, đồng thời báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép ông Chiến tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng trên cơ sở phải bảo đảm có phương án gây nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiêm cấm việc giết mổ, di chuyển, mua bán thêm và kinh doanh vì mục đích thương mại; việc nuôi nhốt hổ của ông Chiến phải đưa vào hệ thống theo dõi, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

Sự việc không dừng lại như mong muốn, ngày 10/10/2007, Chi cục Kiểm lâm cùng các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện tại khu cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín có 7 con hổ nuôi nhốt trái phép, trọng lượng mỗi con từ 30 đến 40kg do ông Nguyễn Văn Tư, trú tại xóm 21, xã Xuân Tín. Căn cứ lời khai của ông Tư, bước đầu xác định ông Tư mua 7 con hổ của một số người dân huyện Quan Sơn với giá 30 triệu đồng vào tháng 2/2007, đợt một mua bốn con và đợt hai mua ba con, trọng lượng khi mua từ 3 đến 4kg/con, ông Tư không xuất trình được bất kỳ thủ tục, giấy tờ nào cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Chi cục Kiểm lâm lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Tư và tạm giao cho ông Tư tiếp tục nuôi nhốt, chờ hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Hổ là loài động vật quý hiếm cực kỳ nguy cấp nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam và Thế giới, phụ lục I Công ước CITES. Vấn đề đặt ra là xử lý hai vụ việc trên thế nào cho thấu tình đạt lý, đạt hiệu quả về pháp luật mà vẫn mang tính giáo dục cao. Theo Nghị định 139/2004/N-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (nay được thay thế bằng Nghị định 159) thì vụ việc trên phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu toàn bộ số cá thể hổ không có nguồn gốc hợp pháp để giao cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nuôi, chăm sóc vì mục đích bảo tồn. Tuy nhiên, theo Điều 190 của Bộ luật Hình sự, chỉ xem xét xử lý hình sự về hành vi săn bắt, giết, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị cấm (thực tế chỉ xác định có việc mua, nuôi nhốt hổ trái phép từ nhỏ; chưa làm rõ được hành vi buôn bán, chưa làm rõ được xuất xứ, nguồn gen động vật, thế hệ, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong điều tra). Trước tình hình trên việc xử lý đúng theo quy định của Nghị định 159 chưa thực hiện được. Để bảo vệ tốt động vật rừng hoang dã ở Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi cần tăng cường thực hiện các giải pháp:

Một là, tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng đến đối tượng người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, những người trực tiếp tham gia săn bắn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã. Đối tượng đáng quan tâm là cán bộ công chức, giới doanh nhân. Theo một cuộc điều tra gần đây nhất của Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF cho thấy việc sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã diễn ra rất phổ biến. Gần 50% số người được khảo sát đã sử dụng sản phẩm động vật hoang dã trong đó có đến 45% sử dụng 3 lần trong một năm và 19% sử dụng trên 3 lần một năm. Điều đáng nói là những người có thu nhập, địa vị càng cao thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật quý hiếm càng lớn. Hầu hết những người được khảo sát cho thấy, việc sử dụng các loại sản phẩm này được họ xem như là một biểu hiện tượng trưng về sự thành đạt, địa vị xã hội của mình.

Hai là, tiếp tục thực hiện vận động nhân dân giao nộp hơn 7.000 khẩu súng săn các loại đã được thống kê, hiện đang lưu trữ trong dân. Cơ bản số súng săn còn lại có chất lượng tốt, khả năng sử dụng cao. Nhà nước cần có giải pháp trưng thu, trưng mua đối với số lượng súng này, để khuyến khích nhân dân tự giác giao nộp, đồng thời tiến hành ngừng cấp giấy phép và thu hồi giấy phép sử dụng súng săn đã cấp.

Ba là, khuyến khích các tổ chức, cá nhân gây nuôi phát triển các loài động vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát, trong đó các đơn vị chức năng cần làm tốt việc cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật, thủ tục pháp lý cho người nuôi. Việc gây nuôi phát triển động vật hoang dã phải được tổ chức quản lý theo đúng các quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ.

Bốn là, tổ chức tuần tra, ngăn chặn tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã ở các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn giàu tài nguyên, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, vận chuyển, chế biến động vật hoang dã có nguồn gốc gây nuôi hoặc sản phẩm của chúng, phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.

Năm là, cần tổ chức cứu hộ các cá thể động vật hoang dã đã bị xử lý tịch thu, đảm bảo động vật hoang dã khỏe mạnh trước khi thả về môi trường tự nhiên phù hợp với từng loài. Động vật hoang dã đã bị xử lý tịch thu nhưng không thể thả về môi trường tự nhiên thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sáu là, vụ việc “nuôi nhốt hổ” là vấn đề mới, phức tạp liên quan đến nhiều văn bản qui phạm pháp luật, việc xử lý hổ nuôi nhốt trái phép của một số địa phương có khác nhau, để đảm bảo xử lý đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn trên thì phải xây dựng bổ sung hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để đảm bảo thực hiện tốt hơn.

Phí Đức Quế


Số lượt đọc:  8340  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 01:54:31 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH