Số 1+2 năm 2008

Duyên rừng

Tháng trước Seo Mỷ lấy chồng, cả bản vui. Hôm nay, Seo Mỷ theo chồng về quê, cả bản lại kéo đến nhà. Đông lắm. Seo Mây túm áo Seo Mỷ khóc đỏ cả con mắt:

- Chị Seo Mỷ à, chị về xuôi theo chồng, ai dạy Seo Mây thêu nốt bộ váy mùa xuân? Ai dạy Seo Mây câu hát tìm bạn? Nương nhà ta buồn không cho hạt bắp, rẫy cũng buồn không cho hạt lúa nữa đâu. Mế lại mất nhiều nước mắt thôi.

- Chị về thăm cha mẹ chồng rồi lại lên ngay. Em gái đừng khóc nữa. ở nhà trông nom mế, trông cái nương, cái rẫy rồi chị sẽ về. Chị còn mế, còn Seo Mây, còn các em học sinh và bà con dân bản nữa mà.

Seo Mỷ sụt sịt dỗ em. Tuấn Hùng đứng bên cạnh vừa vỗ nhẹ vào vai Seo Mỷ vừa quay sang nói với Seo Mây:

- Seo Mây à, anh đưa chị Seo Mỷ về thăm bố mẹ. Con trăng sau anh lại đưa Seo Mỷ về cho mế và Seo Mây, được chưa?

Già A Lầu và bà con dân bản cùng lên tiếng:

- Đúng đấy. Đúng đấy Seo Mây à! Seo Mỷ sẽ về. Cán bộ Hùng bảo thế mà. Seo Mây cho Seo Mỷ đi đi. Mặt trời sắp tìm về núi rồi. Đường ra thị xã xa lắm đấy.

- Seo Mây vẫn thút thít. Giàng A Lử chạy lại cầm tay Seo Mây lắc nhẹ:

- Seo Mây ở nhà đừng sợ buồn. A Lử sẽ cùng Seo Mây lên nương trồng lúa, trỉa bắp. Đưa Seo Mây ra con suối gội cái tóc, lên đỉnh núi Hón hái cái hoa.

Nghe A Lử nói, Seo Mây hốt hoảng rụt tay lại:

- Không! Seo Mây không tin! A Lử đi theo bọn xấu chặt cái cây, phá cái rừng. Seo Mây không tin đâu.

Tuấn Hùng mỉm cười:

- A Lử không là người xấu nữa đâu Seo Mây à! Tin lời A Lử đi. Anh rể không nói dối Seo Mây và bà con dân bản đâu.

Tuấn Hùng vừa dứt lời, Seo Mây im bặt mở to đôi mắt trong veo như nước con suối Nậm Kha nhìn A Lử ngỡ ngàng. Dân bản nhao nhao:

- Cán bộ Hùng nói là đúng, là tin được mà!

Dùng dằng mãi, Tuấn Hùng và Seo Mỷ mới ra khỏi bản. Vạt rừng Tò Kèn thẫm lại như cái áo tràm mới nhuộm. Tiếng khua trâu về bản trong chiều va vào cánh rừng thành những tiếng hu… húc… huầy, hu… húc… huầy táp vào hai sườn núi Tà Loỏng rồi theo gió cuốn xa. Mặt trời xuống thấp kéo theo chút nắng cuối cùng trong ngày không đủ phủ lên búi rừng mênh mông, tạo thành từng khoảng xập xòe đuổi nhau trên những ngọn núi nhấp nhô hình con báo. Seo Mỷ quay lại nhìn phía bản xa, sắc tím đã bao trùm. Mế, Seo Mây và bà con dân bản chắc còn đang dõi theo bóng của vợ chồng Seo Mỷ. Tuấn Hùng âu yếm choàng tay qua vai Seo Mỷ:

- Đi thôi em! Rồi mình lại về cùng bà con dân bản trồng rừng. Anh đã cùng mế đăng ký nhận khoán đất trồng rừng rồi mà.

Seo Mỷ ngước mắt nhìn Tuấn Hùng tin cậy bước đi. Thị xã ở phía trước. Chuyến tàu về xuôi đang đợi họ…

***

Hơn bốn năm học Đại học Lâm nghiệp, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, Tuấn Hùng và hai người bạn hăm hở làm đơn xin lên vùng núi công tác. Không biết Tuấn Hùng là người may mắn hay chẳng có ai muốn nhập cuộc cùng anh mà Tuấn Hùng nhận ngay được quyết định như ước muốn, còn hai người bạn của anh thì hai lá đơn tự nguyện nộp đi lại được tự nguyện rút về. Giờ một người làm ở Sở Tài chính tỉnh, một người làm ở phòng thuế huyện. Tuy có trái ngành thật nhưng lại là những chỗ mà nhiều người mơ tưởng. Còn Tuấn Hùng, hơn sáu năm gắn bó với mảnh đất tận cùng của miền biên này, những gì anh có được là sự vững vàng và nghị lực trong cuộc sống. Nhất là ở cương vị của anh, một cán bộ kiểm lâm nơi đèo heo hút gió, ngày đêm phải đối mặt với bao nhiêu thử thách, mưu mô, thủ đoạn và cả sự cám dỗ của bọn lâm tặc. Khi mới nhận công tác ở đây, Tuấn Hùng đã phải lặn lội len rừng, băng núi để tìm hiểu địa hình cho đến khi thuộc làu từng con đường mòn, từng lách núi, mảng rừng, con suối. Anh còn phải học tiếng của đồng bào, phong tục, tập quán, cách ăn, cách mặc của bà con dân bản. Rừng Na Dàng rộng lớn này đã bao đời bao bọc, chở che vững chắc cho bản làng Tò Kèn, Tò Pẩu, Tò Pình hay các bản Tà Pía, Nậm Chiềng, Nậm Chảy. Nhưng cũng không biết từ bao giờ Na Dàng đã là nơi để bọn lâm tặc thi nhau chặt, phá rừng, săn bắt thú quý. Anh và đồng nghiệp phải ngày đêm lăn lộn, truy quét, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Không ít lần, các anh bị bọn lâm tặc hành hung, đe dọa. Vết thương ở cánh tay trái mà bọn lâm tặc chém anh đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn đau nhức.

Thực tế công việc cho anh thấy cần phải làm tốt công tác tuyên truyền cho dân bản để họ có thể sát cánh bên các anh trong việc bảo vệ rừng. Dân bản còn nghèo và lạc hậu, nhiều người phải lên rừng tìm cái ăn, cái nấu nên không ít người đã bị bọn lâm tặc lợi dụng, tiếp tay cho chúng phá hoại rừng. Biết bao công sức, Tuấn Hùng và đồng nghiệp mới làm cho dân bản tin yêu và cảm phục.

Ban ngày Tuấn Hùng là cán bộ kiểm lâm, tối đến anh là thầy giáo dạy cái chữ cho bà con dân bản. Anh đã cảm hóa được nhiều người bị bọn xấu mua chuộc trong đó có Giàng A Lử và không biết từ lúc nào anh cán bộ miền xuôi có cái dáng thư sinh mà đầy nghị lực ấy đã làm nao lòng cô giáo trẻ, đẹp xinh nhất bản Tò Kèn. Cô giáo ấy là Seo Mỷ. Seo Mỷ có dáng người nhỏ nhắn, miệng cười tươi như hoa ban gọi nắng xuân về bản. Được đồng nghiệp, mế Seo Ly và bà con dân bản vun vén, Tuấn Hùng và Seo Mỷ đã thành vợ, thành chồng…

Tàu chuyển bánh. Thị xã miền ngược dần lùi về phía sau. Seo Mỷ khẽ ngả đầu và ngực Tuấn Hùng. Nhìn khuôn mặt xinh đẹp, dịu hiền như vầng trăng trên núi, Tuấn Hùng thấy mình thực sự hạnh phúc. Rồi anh sẽ trở lại mảnh đất mà anh yêu quý để không chỉ làm tròn trọng trách của một người cán bộ kiểm lâm mà còn trồng thêm thật nhiều cây cho rừng mãi xanh tươi, mãi nguyên vẹn cái màu mà anh và đồng nghiệp đang phải đổ mồ hôi và cả máu để giữ gìn. Và, còn một điều thật thiêng liêng mà giờ đây anh cảm nhận rất rõ ràng: Quê hương anh - quê hương của Seo Mỷ đối với anh đều là máu thịt.

Truyện ngắn của Hương Nghĩa


Số lượt đọc:  163  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 12:07:48 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH