Số 1+2 năm 2008

Du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học ở Ninh Bình

Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú. Địch Lộng được coi là "Nam thiên đệ nhị động", đứng sau đệ nhất động Hương Tích, tỉnh Hà Tây. Vườn quốc gia Cúc Phương nơi lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm nổi tiếng trong khu vực về tính nguyên sinh và là "công viên quốc gia", nơi du khách có thể tìm lại ít nhiều dấu vết cuộc sống người tiền sử. Hang động Canh Gà với suối nước nóng có thể chữa "bách bệnh"; Vân Long với bầy voọc mông trắng nô đùa nhởn nhơ trên vách đá cheo leo; động Tam Giao, động Trà Tu, hồ Yên Đồng, hồ Đồng Chương đang trở thành những địa danh quen thuộc của du khách thập phương. Gần đây, Chính phủ phê duyệt dự án Khu du lịch Tràng An với diện tích rộng và vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Đây là nơi xưa kia Đinh Bộ Lĩnh lập đế đô của nước Đại Cồ Việt; nay là Khu rừng văn hóa, lịch sử, môi trường. Trong đó còn lưu giữ nhiều bí mật về khảo cổ, nguồn gen động, thực vật quý hiếm chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đặc biệt nơi đây sẽ trở thành một Khu du lịch sinh thái không chỉ nổi tiếng trong nước, trong khu vực mà sẽ có nhiều du khách trên khắp thế giới chọn làm điểm đến trong hành trình "Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn". Tương lai Ninh Bình sẽ là thành phố du lịch. Năm 2006, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra nghị quyết về phát triển du lịch, trong đó phát triển du lịch sinh thái là một trong những ưu tiên. Cụ thể hóa chủ trương đó, Ninh Bình đã xây dựng và thực hiện chương trình hành động phát triển kinh tế du lịch. Đầu tư tập trung và dứt điểm cụm Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư và thị xã Ninh Bình... Mở rộng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng các ngành nghề, tạo công ăn việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, bảo vệ môi trường, không xâm hại đến các di tích lịch sử, phá vỡ cảnh quan, bảo đảm sự phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch đến 2010 đề cập đến 7 khu du lịch chính: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch trung tâm thị xã Ninh Bình với Dục Thúy Sơn, Ngọc Mỹ Nhân và hồ Kỳ Lân; Khu du lịch Vườn quốc gia Cúc Phương, Kỳ Phú, hồ Đồng Chương; Khu du lịch Suối nước nóng Kênh Gà - động Vân Trình, Vân Long, chùa Địch Lộng; Khu du lịch phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; Khu du lịch hồ Yên Đồng, Yên Thắng, động Mã Tiên, cửa Thần Phù; khu du lịch quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn. Tập trung xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư, tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ...

Năm 2005, Ninh Bình xây dựng xong cơ sở hạ tầng và các khu vui chơi giải trí khu Tam Cốc - Bích Động; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng khu Kênh Gà - Vân Trình, Vân Long, Địch Lộng, động Hoa Lư. Từ 2002 đến 2009 xây dựng xong cơ sở hạ tầng và các Khu du lịch thuộc cố đô Hoa Lư (đón kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội). Lập dự án khả thi và thiết kế kỹ thuật tổng dự toán Khu du lịch trung tâm thị xã Ninh Bình gồm: Non nước và công viên văn hóa lịch sử núi Thúy, lâm viên núi Cánh Diều, công viên nước Kỳ Lân. Lập dự án khả thi các khu du lịch: phòng tuyến Tam Điệp Biện Sơn, hồ Yên Đồng, Yên Thắng, động Mã Tiên, Yên Mô, nhà thờ đá Phát Diệm, vùng ven biển Cồn Thoi. Bên cạnh đó đã củng cố và nâng cấp các cơ sở lưu trú hiện có, xây dựng từ 3 đến 4 khu vui chơi giải trí (chủ yếu ở Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư) thu hút khách tăng thời gian lưu trú. Năm 2005 Ninh Bình đã đón 1.000.000 lượt khách du lịch trong đó khách quốc tế: 300.000 lượt. Doanh thu đạt 100 tỷ đồng. Nộp ngân sách 10 tỷ đồng (chiếm 6 đến 8% tổng thu ngân sách), hiện nay doanh số ngành du lịch đã tăng nhiều so với trước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ GDP du lịch trong tổng GDP là 4 đến 5%.

Luật du lịch nêu rõ: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch. Du lịch sinh thái được hiểu một cách đầy đủ là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa bản địa. Sản phẩm, tài nguyên du lịch sinh thái trước hết là thiên nhiên, không có thiên nhiên sẽ không có du lịch sinh thái. Ngược lại, du lịch sinh thái không tách rời giáo dục môi trư­ờng sinh thái. Các hoạt động của du lịch sinh thái hướng tới nâng tầm nhận thức của con người sống thân thiện với thiên nhiên; khám phá, hưởng thụ và đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững. Một đặc trưng của du lịch sinh thái là các hoạt động của nó có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Vai trò của họ cùng với văn hóa bản địa làm nên sản phẩm du lịch sinh thái, các loại hình du lịch khác. Vì vậy, những người làm công tác bảo tồn và du lịch phải hiểu du lịch sinh thái là công cụ của bảo tồn. Trong hoạt động theo ngành nhất thiết phải có sự phối hợp. Luật du lịch cũng nêu: Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch. Muốn biến du lịch sinh thái thành công cụ của bảo tồn nhất thiết phải phối hợp tốt giữa các bên tham gia vào du lịch. Đây là vấn đề mấu chốt trong quan hệ giữa bảo tồn và du lịch sinh thái. Vì vậy cần xây dựng niềm tin và nhận thức chung trong hoạt động du lịch sinh thái. Không cho rằng bảo tồn là đóng kín và ngược lại không nên hiểu rằng làm du lịch sinh thái chỉ là khai thác tự nhiên. Trước hết phải hiểu được những khu vực, những việc được làm và không được làm trong khu bảo tồn để phát triển du lịch sinh thái. Có thể kể ra một số quy định bắt buộc phải thực hiện trong khu bảo tồn, du lịch sinh thái như: Không xây dựng các công trình phục vụ du lịch trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; có dự án du lịch sinh thái riêng đư­ợc cấp thẩm quyền phê duyệt; hoạt động du lịch phải tuân theo các quy định về bảo tồn, phải trả phí.

Xuất phát từ yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, từ lợi thế và tiềm năng về du lịch sinh thái; thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2010, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với ngành du lịch và các địa phương liên quan triển khai một số việc và đã thu được kết quả ban đầu: Xây dựng quy hoạch các tuyến du lịch trong khu rừng văn hóa, lịch sử môi trường Hoa Lư và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Trên cơ sở quy định trong quy chế quản lý 3 loại rừng, giúp UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể việc bảo vệ rừng đặc dụng do tỉnh quản lý. Tham mưu để UBND tỉnh ban hành quyết định 8 khu vực cấm săn bắn nhằm bảo vệ sinh cảnh cho động vật hoang dã đồng thời bảo vệ các điểm tham quan du lịch của tỉnh. Chi cục Kiểm lâm phối hợp với ngành du lịch đẩy mạnh tuyên truyên nâng cao nhận thức của những tổ chức, cộng đồng, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch, như mở lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp hoạt động du lịch; tổ chức cho các hộ dân tham gia vận chuyển khách những hiểu biết cơ bản về du lịch sinh thái và mối quan hệ giữa lợi ích của bảo tồn với du lịch sinh thái. Phối hợp với địa phương xây dựng các dự án nhỏ nhằm tạo cơ chế cho cộng đồng địa phương được tham gia hoạt động bảo tồn và có thu nhập từ du lịch sinh thái. Thông qua đó chính cộng đồng phải tích cực bảo vệ tài nguyên du lịch, thực chất là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh thái.

Bên cạnh những kết quả tốt trong phối hợp, quan hệ giữa hoạt động du lịch sinh thái và bảo tồn còn không ít khó khăn, bất cập. Nổi cộm nhất vẫn là vấn đề nhận thức chung về du lịch sinh thái và xây dựng niềm tin. Chỉ khi nào có được nhận thức chung trên cơ sở phát huy đặc tính riêng của mỗi hoạt động thì khi đó mới có thể có được những kết quả bền vững trong hoạt động này.

Đặng xuân Tài


Số lượt đọc:  2442  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 01:34:58 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH