Số 1+2 năm 2008

Đa dạng sinh thái rừng vùng bảy núi An Giang

Rừng và đất lâm nghiệp An Giang được phân bố trên hai dạng địa hình khác nhau đó là vùng rừng đồng bằng, vùng rừng đồi núi. Tập trung tại Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Châu Đốc. Khu vực này có 33 đồi, núi lớn nhỏ liên kết với nhau, song cũng có một số đồi núi đứng độc lập, bao bọc xung quanh là vùng đồng bằng. Cụ thể, khu Núi Cấm, huyện Tịnh Biên diện tích 4.198ha, độ cao tuyệt đối 710m, khu Núi Cô Tô, huyện Tri Tôn diện tích 1.944ha, độ cao tuyệt đối 614m, khu Núi Dài, huyện Tri Tôn có diện tích 2.839ha, độ cao tuyệt đối 554m khu vực này được gọi chung là khu vực Bảy Núi. Toàn vùng có tổng diện tích khoảng 21.000ha chiếm 6% diện tích toàn tỉnh. Hiện có trên 14.100ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 600ha, rừng trồng 13.500ha. Rừng không những có ý nghĩa to lớn tạo ra các sản phẩm nuôi sống con người mà còn sản sinh ra một khối lượng lớn về lâm sản hàng hóa đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh quốc phòng... Rừng Bảy Núi còn có tầm quan trọng lớn lao trong việc góp phần cải thiện đời sống hiện nay cho đồng bào dân tộc quanh vùng.

Để có được khu rừng này như ngày nay, từ xa xưa rừng Bảy Núi đã có quy định bảo vệ nghiêm ngặt. Thời kỳ Pháp thuộc, thời điểm đó (16/6/1906) đã quy định rừng Núi Cấm (Bảy Núi) là một trong 46 khu rừng dự phòng được thành lập trên toàn Nam kỳ 1892-1905. Thời kỳ chống Mỹ vùng Bảy Núi là căn cứ địa cách mạng, nên rừng bị chiến tranh tàn phá kéo dài. Thời kỳ thống nhất; giai đoạn 1986 - 1990 quy hoạch vùng là 41.000ha chiếm 12% diện tích tự nhiên của tỉnh; giai đoạn 1991 - 2000 quy hoạch vùng là 23.000ha chiếm 7% diện tích tự nhiên của tỉnh; giai đoạn 2003 - 2010 quy hoạch vùng là 21.000ha chiếm 6% diện tích tự nhiên của tỉnh. UBND tỉnh An Giang đã ban hành quy định về chính sách khuyến khích sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp, kêu gọi nhiều thành phần cùng bỏ vốn tham gia trồng rừng, với mong muốn là tăng diện tích rừng, tăng độ che phủ. Quy định về trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng, chính sách này được người dân vùng núi đồng tình ủng hộ, việc trồng rừng, ngoài hưởng lợi từ rừng còn được hưởng tiền đầu tư, hưởng chu cấp thêm gạo. Vì thế việc trồng rừng diễn ra mạnh mẽ, hiện tượng chặt phá rừng giảm hẳn. Hiện nay, Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng đã và đang thực hiện có hiểu quả tốt trên điạ bàn vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.

Rừng Bảy Núi, tỉnh An Giang phong phú và đa dạng, kết quả điều tra cho thấy ở đây hiện có khoảng 815 loài thực vật thuộc 5 ngành, 84 bộ, 145 họ, 501 chi. Các ngành điển hình như thạch tùng (Lycopidiophyta), tuế (Cycadophyta), dương xỉ (Polypodiophyta), thông (Pinophyta), ngọc lan (Magnoliophyta). Trong tổng số 815 loài thực vật nói trên có 116 loài cây gỗ lớn; 149 loài cây gỗ nhỡ, 208 loài cây bụi tiểu mộc, 105 loài dây leo, 178 loài cây dạng cỏ, 34 loài khuyết thực vật, 25 loài thực vật ký sinh, phụ sinh. Đặc biệt có 20 loài thực vật cây gỗ quí hiếm thuộc 13 họ thực vật khác nhau có tên trong sách đỏ Việt Nam như gõ mật (Sindora siamensis), cẩm lai (Dalbergia oliveri), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), trầm hương (Aquilaria crassna)... Có 42 loài thực vật đặc hữu hoặc cận đặc hữu của vùng Bảy Núi thuộc 29 họ khác nhau. 3 loài mang tên địa danh Châu Đốc, như tiêu Châu Đốc (Piper chaudocanum), ba gạc Châu Đốc (Rauvolfia chaudocensis), xâm cánh Châu Đốc (Glyptopetelum chaudoccensis). Thảm thực vật vùng Bảy Núi được phân thành hai kiểu rừng chính: kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới, kiểu rừng kín nửa rụng lá và rụng lá hơi ẩm nhiệt đới. Hai kiểu rừng trên có khoảng 15 xã hợp thực vật rừng khác nhau trong đó có 6 xã hợp thực vật tự nhiên và 9 xã hợp thực vật rừng trồng. Ba quần thể thực vật rừng khác nhau đó là các quần thể: Quần thể thực vật rừng tự nhiên trên vùng đồi, núi; Quần thể thực vật rừng cây trồng nhân tạo trên vùng đồi, núi; Quần thể thực vật rừng tràm trên đất úng phèn. Các quần thể thực vật nói trên đều có giá trị rất cao về nhân văn, kinh tế, xã hội, môi trường... Để phục vụ cho phát triển rừng Bảy Núi đã được phân thành các loại khác nhau. Vùng rừng đặc dụng, gồm khu rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên và một số khu rừng khác thuộc thị xã Châu Đốc, huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn với tổng diện tích gần 1.600ha. Vùng rừng phòng hộ có tổng diện tích gần 12.500ha. Vùng rừng sản xuất có diện tích khoảng 5.000ha chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng đất nhiễm phèn nặng mục tiêu chủ yếu trồng để bán cừ cho xây dựng các công trình nhà cửa, nguyên liệu bột giấy, số còn lại bán củi làm chất đốt hàng ngày cho cộng đồng nhân cư có nhu cầu. Diện tích này được khai thác theo từng chu kỳ khi cây đạt đến độ thành thục và nó cũng tùy thuộc vào cung cầu thực tế của xã hội mà phát triển.

Với trên 116 loài cây gỗ lớn được phân bố ở rừng Bảy Núi đã phản ánh sự đa dạng về chủng loài. Cây lấy gỗ ở đây được quy tụ của nhiều luồng thực vật với khu hệ thực vật ấn Độ, Mianma, vùng núi cao phía tây của miền Bắc Việt Nam tràn xuống phía Nam Việt Nam dọc theo dãy Trường Sơn xuống cực Nam Trung Bộ và phần đuôi của Nam Trường Sơn kéo dài. Các loài cây gỗ lớn thường xanh, hay rụng lá theo mùa được hình thành từ xa xưa tồn tại đến ngày nay. Đặc biệt có nhiều loài cây gỗ quí hiếm, như gõ mật (Sindora siamensis), cẩm lai (Dalbergia oliveri), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus) trầm hương (Aquilaria crassna), lát hoa (Chukrasia tabularis), trám trắng (Cinariumalbum racosh)... Nhóm cây thuốc, khoảng 680 loài, nhiều loài không những sử dụng tại địa phương mà còn được trao đổi các địa phương ngoài tỉnh. Nhóm cây công nghiệp và tinh dầu gồm điều (Anacardium occidentale) diện tích khoảng trên 200ha; trầm hương (Aquilaria crassna) diện tích trên 500ha, ngoài ra còn một số loài như trám trắng (Cinariumalbum racosh), bời lời nhớt...; nhóm cây ăn quả gồm nhiều loại như sầu riêng, mít ráo, bơ, xoài, chuối, dâu, hồng quân và một số cây ăn quả khác.

Hiện rừng Bảy Núi đang chịu áp lực lớn, như nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng còn hạn chế, hoạt động đều ở dạng khai thác tài nguyên hiện có là chính, việc bù đắp lại hầu như rất hạn chế. Nhu cầu đời sống ngày càng tăng về sử dụng gỗ, cây thuốc chữa bệnh ngày càng nhiều, như các loại gỗ quí hiếm, cây thuốc bị đào bới, khai thác dưới nhiều hình thức làm cho tài nguyên ngày càng kiệt quệ. Đất đai canh tác manh mún khó sản xuất hàng hóa lớn. Thực tế, tiềm năng lớn nhưng đời sống người dân vùng núi vẫn nghèo cháy rừng là nguy cơ tiềm ẩn. Hàng năm mùa khô bắt đầu khoảng từ tháng 10 và kết thúc tháng 4 năm sau, trung bình có 6 tháng mùa khô trong năm. Thường là nắng hạn gay gắt nhiệt độ cao, việc quản lý lửa rừng trong thời gian này là hết sức khó khăn. Để bảo vệ rừng Bảy Núi theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp, đó là cần có một tỷ lệ diện tích rừng ổn định, phù hợp với quy hoạch vùng tối thiểu từ 4% độ che phủ của rừng tạo điều kiện phát triển bền vững lâu dài. Dành khoảng 4.000ha giữ nguyên trạng thái rừng, và bảo vệ đa dạng sinh học không cho dân định cư tạo các tuyến tham quan, du lịch sinh thái, chinh phục độ cao vùng Bảy Núi. Cần đầu tư xây dựng các hồ, đập chứa nước quy mô vừa và nhỏ ở trên vùng núi những nơi có điều kiện để trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, du lịch, dành một số diện tích ở những nơi có nước và các điều kiện khác thuận lợi để quy hoạch lập các vườn cây ăn trái đặc sản, phục vụ du khách du lịch, phát triển kinh tế cho vùng. Cần thiết phải có một đề tài, dự án bảo tồn các loài cây thuốc quý hiếm, về lâu dài sẽ mở rộng quý mô trồng phục vụ nguồn nguyên liệu cho sản xuất thuốc chữa bệnh. Mở rộng qui mô vườn thực vật quý hiếm với diện tích khoảng 20ha (hiện có 4,2ha) để có điều kiện quy tụ, di thực các loài thực vật quý hiếm ở các vùng khác về An Giang. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vùng đồi núi để người dân có cơ hội vay vốn ngân hàng và hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi khác về vốn cho việc đầu tư phát triển rừng, vườn cây ăn trái, chăn nuôi và đầu tư cho các lĩnh vực khác được thuận lợi. Tiềm năng vùng Bảy Núi thì rất lớn, nhưng người dân vùng Bảy Núi còn nhiều khó khăn đời sống còn nghèo, thu nhập thấp hơn so với các vùng khác. Vùng này rất cần được đánh thức chuyển động nhanh hơn nữa hy vọng trong tương lai không xa vùng Bảy Núi sẽ có sự đột phá về phát triển kinh tế xã hội so với thời điểm hiện nay.

Nguyễn Đức Thắng


Số lượt đọc:  4620  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 01:57:23 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH