Số 1+2 năm 2008

Nguy cơ tuyệt chủng bò tót tại Việt Nam

Nếu so sánh thực tại với thập kỷ 70 của thế kỷ trước, sẽ không khỏi ám ảnh trước sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng bò tót ở Việt Nam. Trước năm 1975, ước tính có khoảng trên 3.000 con. Hiện nay con số lượng chỉ bằng 10%. Nếu không thực hiện những biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt ở Việt Nam, bò tót sẽ biến mất...

Báo động từ những vụ săn bắt táo tợn. Đêm 11/8/2007, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) đã bắt quả tang hai đối tượng đèo thịt trên chiếc xe mô tô (BKS 60F2-2994). Vị trí vi phạm được xác định tại tiểu khu 109, ấp 4, xã Hiếu Liêm. Điều làm những người có mặt ngạc nhiên và bàng hoàng là trong những tấm lưới kẽm (4,5m2) có 34kg thịt khô. Tiếp tục điều tra, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện thêm 6kg thịt động vật tươi đựng trong một thùng nước đỏ, 5kg thịt đã nấu chín, một chân trước và một chân sau. Tại văn bản số 151/CV-SHNĐ ngày 14/8/2007, Viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam đã khẳng định toàn bộ tang vật nói trên là những bộ phận của bò tót. Trước những chứng cớ trên, đối tượng vi phạm đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Chúng là Nguyễn Hoài Nam, chủ mưu (sinh năm 1961), Nguyễn Hoài Đức (sinh năm 1964) và Lê Minh Tiến (sinh năm 1961) là anh em họ, cùng trú tại huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk). Lợi dụng việc đi thăm bà con tại Đồng Nai, chúng đã dùng bẫy cáp bẫy được một con bò tót tại Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Sau khi con thú dính bẫy và kiệt sức, chúng đã xẻ thịt mang đi tiêu thụ và bị lực lượng tuần tra phát hiện. Riêng Nguyễn Hoài Nam đã kịp tẩu tán đầu bò tót và bỏ trốn. Kiểm lâm viên Thái Ngô Đức, người đã phát hiện vụ việc cho biết: “Khi tổ tuần tra đến nơi, hiện trường là một khoảng rừng bán kính chừng 15-20m bị quần nát, các thân cây hầu như bị dập nát và bật rễ. Tại đó, một đống thịt đã bốc mùi tanh nhưng vẫn còn nguyên một số bộ phận của con bò bị dính bẫy. Ước tính con bò tót này nặng khoảng 8 tạ, chiều cao 1,4m, dài 2,5m”. Vụ việc đang được cơ quan Công an huyện Vĩnh Cửu điều tra làm rõ để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật nhưng không ai dám khẳng định đây là vụ bẫy bò tót đầu tiên ở Vĩnh Cửu bởi tính chất vụ việc thể hiện rõ tính táo tợn, coi thường pháp luật của những kẻ phạm tội. Trước đó ngày 26/2/2003, xảy ra vụ săn bắn trộm hai con bò tót tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Xa hơn, vào ngày 19/3/2003, Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn phát hiện hai con bò xám bị bắn tại vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn. Tất cả đều gióng lên một hồi chuông cảnh báo với cường độ khẩn cấp về sự sống đang bị đe dọa của một loài thú quý hiếm.

Dấu chân mờ - đầu bò treo công khai, nguyên nhân do đâu? Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu Nguyễn Tuấn Kiệt khẳng định: “Bò tót là loài thú rất dễ bị kích động và chúng có thể tấn công người khi giáp mặt. Thỉnh thoảng chúng ra giữa đường trong Khu bảo tồn ngăn cản cán bộ kiểm lâm đi tuần. Vào tháng 6/2005, kiểm lâm viên Hoàng Văn Phúc trên đường tuần tại tiểu khu 58 đã bị một con bò tót bất ngờ xuất hiện húc ngất xỉu”. Những điều hiển hiện ở Vĩnh Cửu và một số khu rừng đặc dụng chứng tỏ sự sống của bò tót đang bị đe dọa nghiêm trọng khi sự xuất hiện của người dân và những chiếc bẫy thú ngày càng dày đặc. Nếu như tại Vĩnh Cửu, dấu chân bò tót còn hiện rõ thì một số khu rừng đặc dụng khác, dấu chân bò tót thậm chí không xuất hiện. Vượt sông Đồng Nai để đến với vùng núi cao Tà Đùng (Đắk Nông), chúng tôi được biết trước năm 2003, bò tót đã từng xuất hiện tại đây. Bò tót được người dân tộc thiểu số gọi là con minh (trâu rừng) do có hình dáng tương tự loài trâu. Đây là vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng Dương Bá Tiên khẳng định: “Đây là vùng sinh cảnh thích hợp cho bò tót sinh sống nhưng đã lâu rồi không thấy chúng xuất hiện”. Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Minh Trà, Phòng quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông cũng cho biết khả năng ở hai Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và Tà Đùng có bò tót và số lượng chừng 30-40 con. Thế nhưng từ năm 2003 đến nay, ngay cả dấu chân cũng biến mất. Nguyên nhân của hiện tượng trên chính là sự xuất hiện những người dân di cư từ Bắc vào đây xây dựng kinh tế mới. Hiện trong khu bảo tồn có hơn 2.500 người (chủ yếu là dân tộc H' Mông). Phương thức tồn tại duy nhất của họ là săn bắt các loài thú. Điều tương tự này cũng đang xảy ra tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk). Ngoài bóng dáng của những chú voi quen thuộc đi dạo cùng du khách, các nhà nghiên cứu tỏ ra khó khăn để tìm thấy dấu vết của loài thú móng guốc (bò tót) trên những cánh rừng khộp (vốn là nơi trú chân yên bình nhất). Lực lượng kiểm lâm tại Vườn quốc gia Yok Đôn khi đi tuần tra thỉnh thoảng vẫn phát hiện bò tót đi theo đàn khoảng 3-4 con. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Cầu, phó giám đốc thì nguy cơ số lượng bò tót giảm vẫn có thể xảy ra bởi hàng tháng phát hiện nhiều bẫy thú. Có thể số lượng người dân quá lớn (6.270 người) đang sinh sống trong Vườn quốc gia chủ định bẫy nhiều loại thú song bất kỳ một loại thú nào (kể cả bò tót) khi dính bẫy cũng khó có cơ hội thoát thân. Sát cạnh Vĩnh Cửu là Vườn quốc gia Cát Tiên. Bò tót thường xuyên ra phá rẫy mì (sắn) của các hộ dân (khoảng 170.000 người) sinh sống tại đây. Lực lượng kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trước tình trạng các loại bẫy thú ngày càng tăng lên. Chỉ tính riêng trong tháng 9/2007, số bẫy thu được đã đạt 3.674 chiếc. Ngay ở Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, số lượng bẫy thú bị tịch thu rất lớn. Bên cạnh đó, việc người dân sinh sống trong khu bảo tồn, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đối với nơi cư trú của bò tót và các loài động vật khác. Trong những tháng đầu năm 2007, lực lượng tuần tra đã phát hiện vụ người dân tự ý cưa bom lấy 355kg thuốc nổ tại tiểu khu 127. Tiếp đó, tại tiểu khu 135, vùng đệm, một số người dân tổ chức mua bình ắc quy nấu lấy chì. Tất cả những hoạt động trên ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thú hoang dã. Mặt khác, khó khăn lớn không chỉ của Vĩnh Cửu mà cả các khu rừng đặc dụng khác phải đối mặt là số lượng lớn người dân sống trong vùng đệm và vùng lõi. Tại Vĩnh Cửu, có tới 5.000 hộ (gần 24.000 người chủ yếu là dân tộc Chro và Mạ) đang sinh sống. Nhiều hộ đã xây dựng những ngôi nhà 2-3 tầng (rất kiên cố). Tác giả đã có dịp đi thực tế ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và một số huyện tại tỉnh Đắk Nông, Bình Phước. Điều ngạc nhiên là tại một số nhà hàng và hộ dân cư, đầu bò tót được treo một cách công khai ở gian chính. Nhiều hộ dân rất hãnh diện khi trong nhà treo đầu bò tót và coi đây là một điềm may mắn. Câu hỏi được đặt ra: nguồn cung cấp từ đâu? Vì sao những kẻ đi săn tỏ ra rất liều lĩnh? Nếu tình hình này tiếp tục thì khả năng tuyệt chủng của bò tót đang hiện hữu(!!!)

Làm gì để đảm bảo sự sống cho bò tót? Thực tế khẳng định, rừng xanh là mái nhà tốt nhất cho các loài thú nói chung và bò tót nói riêng. Quy hoạch đến năm 2010 cả nước có 164 khu rừng đặc dụng nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu là nơi bò tót có khả năng sinh sản tốt nhất với số lượng có thể lên tới 200 con. Gần đây nhất, đầu tháng 9/2007, đoàn khảo sát của Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu trên đường đi gần tiểu khu 109 phát hiện một bầy khoảng tám con và con đầu đàn nặng chừng một tấn. Thời điểm trên diễn ra vào lúc chiều tối (18h30’). Điều đó chứng tỏ cơ hội tồn tại của bò tót ở Việt Nam vẫn còn, song trong tương lai không ai đoán định được số lượng giảm hay không? Chúng có còn tồn tại ở rừng Việt Nam khi những hoạt động săn bắt vẫn còn diễn ra? Diễn biến qua các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng gần đây cho thấy số vụ mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã chiếm một tỷ lệ không nhỏ (886/30.289 vụ). Điều đó đồng nghĩa với việc các hoạt động săn bắt động vật rừng không hề giảm xuống mà vẫn diễn ra âm thầm và lén lút. Những kẻ vụ lợi không từ một thủ đoạn nào nhằm đạt được mục đích cuối cùng. Là người có kinh nghiệm bảo tồn lâu năm (tại Vườn quốc gia Cát Tiên), ông Trần Văn Mùi, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu khẳng định: “Về lâu dài cần xây dựng chiến lược bảo tồn thú móng guốc (trong đó có bò tót) bởi đây là những loài thú quý hiếm của thiên nhiên Việt Nam. Muốn làm được điều đó, trước tiên là phải tạo được sinh cảnh an toàn cho các loài thú thông qua việc di chuyển người dân ra khỏi nơi thú sinh sống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa đảm bảo thu nhập cho người dân vừa bảo vệ rừng”. Cùng chung quan điểm trên, rất nhiều nhà khoa học cho rằng cũng cần phải nâng cao đời sống của người dân vùng đệm các khu rừng đặc dụng, cần hướng họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng. Nhưng trước hết, cần khẩn trương hoàn thành việc điều tra, phát hiện, khoanh vùng các loài thú quý hiếm (trong đó có bò tót) có nguy cơ đe doạ cao đối với khu vực nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và bản đồ phân bố các loài quý hiếm nguy cấp. Thiết nghĩ, đây là những việc cần làm ngay để duy trì khả năng sinh tồn của bò tót và các loài thú khác (một biểu hiện của đa dạng sinh học) trước khi quá muộn.

Anh Tuấn

Vài nét về bò tót. Bò tót (tên khoa học Bos gaurus) là động vật thuộc bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ trâu bò (Bovidae) có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của ấn Độ và Đông Nam á. Chúng có thể sinh sống ở dạng hoang dã hay đã được con người thuần hóa. Bò tót đã được các chuyên gia động vật học trên thế giới thừa nhận là giống bò rừng lớn nhất trong tự nhiên, to lớn hơn cả trâu rừng Châu á và bò rừng bizon Bắc Mỹ. Một con bò tót có thể cao tới 2,2m và nặng trên 2 tấn. Với vóc dáng này, bò tót là loài thú lớn thứ hai trên cạn về tầm vóc và chiều cao, chỉ xếp sau voi; chúng cao hơn cả 5 loài tê giác. Về khối lượng, bò tót đứng thứ tư trên cạn, sau voi, tê giác trắng và tê giác ấn Độ. Trong tự nhiên, bò tót sống thành từng đàn từ 8-10 cá thể. Đây là loài bò có tầm vóc to lớn nhất, nhưng bị săn bắt nhiều nhất. Hiện nay, tại Việt Nam bò tót phân bố chủ yếu 12 Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng Nai, Bình Phước. Số lượng ước chừng còn 300-350 con và thuộc nhóm IB - nhóm động vật rừng bị nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại (quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP).


Số lượt đọc:  2064  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 02:07:47 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH