Số 6

Gian nan bảo vệ rừng Quảng Ngãi

Thủ đoạn của lâm tặc ngày càng tinh vi. Những năm qua, tình hình phá rừng, cháy rừng, lẫn chiếm đất rừng trái phép để trồng mì, trồng keo, cây nguyên liệu giấy, kinh doanh, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản vẫn còn xảy ra, nhất là ở các huyện miền núi như huyện Trà Bồng và vùng giáp ranh giữa các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa; huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành... Trong 2 năm (2008-2009) toàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra có hàng trăm hécta rừng bị phá. Lực lượng kiểm lâm đã tăng cường tuần tra, truy quét và tịch thu hàng trăm mét khối gỗ các loại và nhiều lâm sản khác như than, củi, động vật hoang dã, phương tiện vận chuyển gỗ... Dưới màu xanh của những cánh rừng, lâm tặc ngày càng hoạt động mạnh với những thủ đoạn tinh vi. Trong đợt công tác tại huyện Tây Trà, chúng tôi đã hỏi chuyện với các chiến sĩ kiểm lâm, những người luôn phải đối mặt với hiểm nguy để giữ bình yên cho những cánh rừng. Huyện Tây Trà còn khoảng hơn 8.000ha rừng tập trung chủ yếu ở các xã Trà Thọ, Trà Xinh với nhiều loại gỗ quí như lim, gõ... đây là địa điểm bọn lâm tặc chọn để hoạt động mạnh. Một cán bộ kiểm lâm kể: "Lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi. Sau khi khai thác xong, chúng cưa nhỏ rồi tập kết ven sông suối, tận dụng dòng nước để vận chuyển. Gỗ được buộc thành bè rồi ngụy trang lá cây, trên gắn phao thả xuôi theo dòng nước. Khi bị phát hiện thì tẩu tán tang vật. Chúng thường chọn ban đêm để dễ bề đối phó. Khi bị bắt chúng ngang nhiên ném đá vào lực lượng kiểm lâm...". Nguy hiểm như vậy nên việc bị thương trong khi làm nhiệm vụ đối với kiểm lâm đã là chuyện bình thường. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng tại những "điểm nóng" như tuyến Di Lăng - Trà Trung, Ba Khâm - Đức Phổ, Sơn Tây và các điểm đốt than như Trà giang, Trà Bồng, Bình Trung, Bình Sơn và Đức Phổ... hiện vẫn chưa có những giải pháp ngăn chặn triệt để nạn phá rừng.

Khó khăn còn nhiều. Không chỉ gặp nguy hiểm khi đối phó với lâm tặc mà kiểm lâm còn gặp khó trong phối hợp triển khai. Một số địa phương (nhất là cấp xã), chủ rừng chưa xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng dài hạn. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân chưa được thường xuyên, liên tục. Đề án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông - lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoạn 2008 - 2012 để ổn định cuộc sống cho người dân địa phương chưa được triển khai nên việc đốt rừng làm nương rẫy ở nhiều nơi còn xảy ra. Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm địa bàn với chủ rừng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, một số chủ rừng còn xem nhẹ việc quản lý, khoán trắng cho kiểm lâm. Công tác rà soát, quy hoạch diện tích đất, phân định ranh giới giữa đất trồng rừng và đất sản xuất nông nghiệp, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp cho chủ rừng còn nhiều bất cập. Việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn chậm, một số diện tích đã giao thì không cụ thể, thiếu thủ tục pháp lý nên khó xác định chủ thể trong khi xử lý vi phạm... Khó khăn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như kinh phí hoạt động cho công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế, phương tiện thô sơ, lạc hậu, lực lượng mỏng. Bên cạnh đó, việc tái định canh, định cư cho đồng bào một số huyện miền núi còn bất cập, chưa ổn định. Hiện nay, nhu cầu về gỗ và lâm sản ngày càng tăng trong khi một bộ phận nhân dân thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất nên đời sống gặp khó khăn đã ham lợi vào rừng chiếm đoạt lâm sản. Công tác giao rừng, cho thuê rừng và cắm mốc giới 3 loại rừng chưa được triển khai nên việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, nhất là rừng trồng đầu nguồn Thạch Nham. Giao thông thuận lợi tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội giao lưu hàng hóa, nhưng lại là điều kiện cho việc vận chuyển mua bán lâm sản lấy từ rừng... Đặt ra mục tiêu trọng tâm là tiếp tục bảo vệ rừng hiện có; tăng độ che phủ của rừng lên 42%; hạn chế đến mức thấp nhất nạn phá rừng, đồng nghĩa với việc Kiểm lâm Quảng Ngãi đang đứng trước những khó khăn không nhỏ cần phải vượt qua.

PHƯƠNG TRÀ


Số lượt đọc:  212  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:43:18 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH