Số 6

Cộng đồng bảo vệ rừng ở xã Hiếu: Mô hình điển hình cần nhân rộng

Xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên trên 20 ngàn hécta, chiếm trên 14% tổng diện tích đất toàn huyện Kon Plông. Rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 90%. Xã có 11 thôn, với 578 hộ và gần 2.600 khẩu, trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Năm. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp và nghề rừng nên còn rất khó khăn, thiếu thốn, toàn xã hiện có trên 41% hộ đói nghèo.

Tuy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, nhưng ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào địa phương là rất cao. Một trong những việc làm thể hiện ý thức ấy là "cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng".

Năm 2007, thực hiện dự án "Bảo vệ rừng mưa nhiệt đới" do tổ chức Jai Ca thế giới phối hợp với Việt Nam tài trợ, nhân dân thôn Vi Chơ Ring, xã Hiếu đã nhận quản lý, bảo vệ 808ha rừng. Toàn thôn có 32 hộ thì 100% số hộ tham gia nhận quản lý, bảo vệ rừng. Theo hình thức quản lý, bảo vệ rừng có thời hạn và được hưởng lợi từ rừng sau thời gian hai năm thực hiện dự án. Bắt đầu từ năm thứ hai trở đi, nhân dân được phép khai thác lâm sản với tỷ lệ 5% mỗi năm trên một đơn vị diện tích rừng và được phép khai thác đất dưới tán rừng để trồng các loại cây lâm sản ngắn ngày... và chăn nuôi gia súc. Người dân còn được dự án hỗ trợ một phần vốn để phát triển chăn nuôi, trồng cây dưới tán rừng. Đến nay, sau gần ba năm thực hiện hiệu quả là rất tốt, 100% diện tích rừng nhận khoán đều được quản lý tốt, tình trạng khai thác gỗ và xâm hại rừng trái phép của các đối tượng lạ mặt đã được ngăn chặn kịp thời.

Anh Đinh Văn Dit, trưởng ban quản lý rừng cộng đồng của thôn Vi Chơ Ring cho biết: Khi được chọn tham gia dự án cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng, bà con rất phấn khởi. Toàn thôn đã họp và thống nhất thực hiện nghiêm túc các điều trong "quy ước bảo vệ rừng bền vững", 100% hộ đều ký cam kết thực hiện. Thành lập 3 tổ bảo vệ rừng, phân công tuần tra rừng định kỳ 2 lần mỗi tháng. Nhiều vụ xâm hại rừng để khai thác lâm sản trái phép đã bị phát hiện và xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại về rừng. Từ khi thực hiện dự án đến nay, người dân đã khai thác một số lâm sản phụ dưới tán rừng và khai hoang đất trồng trọt, chăn nuôi gia súc và khai thác một ít gỗ (có sự cho phép của chính quyền địa phương) để làm nhà ở, tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã giải quyết được một số khó khăn trong cuộc sống cho người dân. Hiện nay, đã đến hạn cho phép khai thác lâm sản theo tỷ lệ 5% mỗi năm nhưng do còn vướng về mặt thủ tục nên chưa thực hiện được. Thời gian đến các cấp, các ngành sớm có văn bản hướng dẫn để nhân dân được khai thác lâm sản theo tỷ lệ quy định, giải quyết cuộc sống, qua đó tạo động lực để bà con thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

So sánh giữa hình thức cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng được hưởng lợi từ việc khai thác rừng theo tỷ lệ 5% mỗi năm với hình thức nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng được trả công bằng tiền mặt 200 nghìn đồng một hécta một năm như hiện nay trên địa bàn huyện Kon Plông, thì hình thức cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả cao hơn. Hình thức này đã huy động được cả cộng đồng cùng chung trách nhiệm tham gia nên ý thức của mỗi thành viên trong cộng đồng là rất cao, không có sự so bì thua thiệt. Quyền và nghĩa vụ mỗi thành viên đều công bằng. Hình thức này phù hợp với điều kiện của địa phương, như diện tích rừng lớn, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt (mưa nhiều, nắng ít, lạnh quanh năm), tình hình xâm hại rừng nhiều... nên cần phải có sự liên kết tập thể để giúp đỡ nhau trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng và xử lý vi phạm. Việc giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ có quy ước, cam kết rõ ràng. Rừng có chủ nên việc xâm hại rừng của các đối tượng vi phạm rất hạn chế... Hình thức giao cho cá nhân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, khi chuyển mục đích từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, nhân dân không được trả công "rừng trở thành vô chủ", nên xảy ra tình trạng xâm hại rừng để lấy lâm sản và lấy đất sản xuất. Thành công bước đầu của mô hình này là cơ sở để chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn huyện góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương có hiệu quả hơn.

LÊ VĂN CHÂU


Số lượt đọc:  342  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:44:29 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH