Số 6

Canh tác nương rẫy tự phát, nguyên nhân làm suy thoái tài nguyên đất rừng

Sản xuất nương rẫy là kế sinh nhai đã trở thành tập quán lâu đời của cư dân sống ở vùng núi cao, đã và đang biến nhiều vùng đất đai trù phú và giàu tài nguyên trở thành hoang mạc, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Mất rừng làm phá vỡ cân bằng sinh thái, là nguyên nhân của tình trạng sạt lở đất, lũ quét và nạn rửa trôi, cuốn đi hàng triệu mét khối đất màu mỡ, để lại đằng sau là những bãi đất trống khô cằn, trơ sỏi đá, độ ẩm giảm sút, các loài cây chịu hạn hoang dại xuất hiện, như cây xương rồng, các loài cây có gai khác, sim mua, lau lách, cỏ tranh, cây le, nứa tép, các bãi đất trống cỏ may xâm lấn và ngày càng lan rộng. Khả năng phục hồi lại rừng hết sức khó khăn, năng suất cây trồng nông - lâm nghiệp giảm sút, hoặc hàng ngàn hécta đất không thể trồng trọt. Trong các nguyên nhân mất rừng thì sản xuất nương rẫy kiểu truyền thống, du canh là hình thức làm mất rừng nhiều nhất. Sản xuất nương rẫy truyền thống cùng với khói bụi và khí thải công nghiệp của các nước phát triển là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, làm cho trái đất ngày ngày càng nóng lên, hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường. Các tác động của con người không những trực tiếp hủy hoại môi trường mà còn làm trầm trọng thêm các yếu tố mang tính quy luật của tự nhiên, nhất là các yếu tố nhạy cảm như thời tiết và khí hậu. Suy cho cùng thì nguyên nhân của tình trạng thoái hóa đất và sa mạc hóa phần lớn cho con người gây ra. Khắc phục tình trạng mất rừng và tập quán phát nương làm rẫy là giải pháp hàng đầu để bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái ở các vùng núi cao. Tuy nhiên, điều đó không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều, và ngay cả khi kinh tế đời sống của các cư dân đã phát triển, khoa học kỹ thuật trong sản xuất tiến bộ, thì vấn đề canh tác trên đất dốc vẫn luôn luôn tiềm ẩn của sự mất cân bằng sinh thái và đe dọa đến môi trường.

Qua quá trình theo dõi việc canh tác nương rẫy chúng tôi xin nêu một số giải pháp hạn chế sự thoái hóa đất. Trước hết, cần hạn chế các tác động của con người vào các yếu tố sinh thái của tự nhiên, tuân thủ sự tồn tại có tính quy luật của tự nhiên, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, khai thác gắn với tái sinh và bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp canh tác trên đất dốc một cách khoa học. Tăng cường công tác giáo dục và nâng cao năng lực cho người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức cho nhân dân làm rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó thu hút người dân bản địa tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Hiểu rõ những tác hại to lớn, nguy cơ tiềm ẩn do nạn phá rừng và tập quán sản xuất nương rẫy theo kiểu truyền thống gây ra. Trong canh tác nương rẫy cần xây dựng các công trình chống xói mòn, như đắp bờ hoặc đào rãnh theo đường đồng mức với kích thước 40cm x 40cm, hoặc trồng cây họ đậu theo đường đồng mức mật độ dày, vừa có tác dụng cản dòng chảy, chống xói mòn vừa tạo ra độ ẩm và bổ sung độ màu mỡ cho đất. Có thể dùng rơm rạ, cành lá, cỏ khô che phủ mặt đất khi canh tác. Phương pháp này có tác dụng chống xói mòn đất, giữ độ ẩm và tăng độ mùn cho đất. Xây dựng thành các thửa ruộng nương bậc thang, khai thác các nguồn nước để cấy lúa. Thực hiện canh tác theo phương thức nông lâm kết hợp, sử dụng có hiệu quả các loài cây trồng cạn chịu hạn, có năng suất cao, các loài cây họ đậu, cây có củ, cây ăn quả, cây dược liệu, kết hợp cây trồng nông nghiệp với cây lâm nghiệp, cây trồng cao, với cây trồng thấp, cây ngắn ngày với cây dài ngày, trồng trọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá,... Bằng cách đó sẽ tạo ra sự cân bằng sinh thái cục bộ, có khả năng giữ được độ ẩm, cản dòng chảy, chống xói mòn đất, làm cho độ phì của đất luôn luôn được bổ sung trong quá trình canh tác và từ nguồn phân hủy tự nhiên của lớp thảm thực vật, cành lá và các phụ phẩm sau thu hoạch. Kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại ở nhiều nơi cho thấy, canh tác nương rẫy theo phương thức nông - lâm kết hợp sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế khả quan, thu nhập tăng lên, đời sống được cải thiện, góp phần đáng kể vào chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa, rừng được bảo vệ tốt hơn. Tuân thủ các biện pháp phòng chống cháy rừng, xây dựng ở những khu rừng dễ cháy các công trình cản lửa như băng trắng, đào đường hào ngăn cách, thường xuyên tuần tra canh gác để phát hiện và ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

TRƯƠNG VĂN HUY


Số lượt đọc:  2461  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:43:48 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH