Số 6

Cần tăng cường tuyên truyền cho người dân trong phòng cháy chữa cháy rừng ở Bắc Kạn

Trong các tháng đầu năm 2010, tại Bắc Kạn các điểm cháy rừng và diện tích bị cháy cứ tăng dồn dập. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, đã có 77 vụ làm thiệt hại 188ha rừng và cỏ tranh lau lách các loại. Trong đó cháy rừng là 24 vụ gây thiệt hại 37ha; cháy lau lách 53 vụ gây thiệt hại 152ha. Rừng bị cháy thuộc rừng núi đá, IIa, vầu xen gỗ, keo, vầu nứa... Cháy nhiều nhất là huyện Chợ Đồn lến tới 14 vụ, tiếp đó là Bạch Thông 13 vụ, Ngân Sơn 10 vụ... Phần lớn các huyện đều xảy ra cháy rừng tại nhiều khu vực đa số xa khu dân cư. Huyện Pác Nặm cháy ở Khau Nèn (Nghiên Loan), Công Bằng. Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cháy ở Phe Khao (Kim Hỷ), Bản Lài (Côn Minh, Cóc Phia (Ân Tình). Na Rì cháy ở Pò Xì (Cư Lễ), Nặm Sặc (Vũ Loan). Bạch Thông cháy ở Nà Pán, Nà Váng (Đôn Phong). Chợ Mới ở Bản Tết, Nà Cù (Nông Hạ). Ba Bể ở Khuổi Liên (Hà Hiệu), Bản Vàng (Hoàng Trĩ). Chợ Đồn ở Tủm Tó (Bằng Lãng), Bản ỏm (Ngọc Phái), Thôn 7 (Đại Sảo). Thị xã Bắc Kạn ở Kho K97 (Nông Thượng), Bản Giềng (Dương Quang). Ngân Sơn ở Bản Duồm (Thượng Ân), Nà Cọt (Cốc Đán), Nà Mu (Thuần Mang)... Những diện tích bị cháy đa phần là rừng chưa giao cho các hộ dân quản lý.

Trong thời điểm báo động cao nhất, các lực lượng kiểm lâm đã phải làm việc hết công suất, người dân tích cực tham gia chữa cháy rừng. Các số điện thoại trực cháy 24/24 liên tục reo vang thông báo tình hình và chỉ đạo xử lý cháy. Hầu như các chiến sỹ kiểm lâm các hạt, trạm trong thời gian cao điểm cháy rừng đã phải trắng đêm liên tục. Tại xã Khang Ninh (Ba Bể), một người dân tham gia chữa cháy ban đêm đã bị ngã và phải vào bệnh viện khâu vết thương. Theo ghi nhận phần lớn các vụ cháy đều bắt nguồn từ nguyên nhân người dân bất cẩn khi sử dụng lửa, đốt nương làm rẫy không theo quy trình gây ra. Tuy nhiên, tất cả các vụ cháy đã được dập kịp thời bằng mọi biện pháp có thể nên không để cháy lan rộng vào những khu rừng lớn. Toàn tỉnh đã huy động khoảng 2.525 người tham gia chữa cháy các vụ cháy được khống chế ngay từ khi mới xảy ra.

Để hạn chế cháy rừng xảy ra, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành công điện chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Theo đó địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND huyện, thị đó. Kiểm lâm là chuyên trách trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, theo nhận thức của xã hội thì trách nhiệm chữa cháy rừng là của toàn dân. Đây là sự thay đổi tư duy, từ chỗ coi kiểm lâm là lực lượng phải chịu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sang việc cả xã hội phải chung sức trong công tác này, trong đó trách nhiệm chính thuộc về cá nhân chủ tịch UBND các cấp. Việc này tạo hiệu ứng mạnh trong việc chỉ đạo điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Để thực hiện tốt chỉ đạo UBND các huyện, thị đã huy động sẵn sàng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy xảy ra. Các chủ rừng khi xử lý thực bì phải thông báo cho chính quyền địa phương, bố trí canh gác bảo đảm đám cháy dập tắt hoàn toàn mới được về.

Theo thống kê so với thời điểm các năm trước, năm 2010 số vụ cháy rừng ở Bắc Kạn tăng đột biến. Trong hoàn cảnh các phương tiện chữa cháy thô sơ, dập cháy chủ yếu là thủ công nếu không chủ động phòng cháy sẽ rất khó kiểm soát cháy rừng. Rõ ràng ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Số vụ cháy rừng nhiều chứng tỏ chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Cần biết rằng mức phạt đối với hành vi gây cháy rừng là không nhỏ. Đối tượng gây cháy phải đền bù chi phí chữa cháy rừng, trồng lại rừng trồng bị cháy hoặc đền bù bằng tiền cho chủ rừng, ngoài ra còn phải chịu mức xử phạt từ 3 triệu đến 50 triệu đồng tùy theo diện tích bị thiệt hại. Với các hộ dân ở Bắc Kạn kinh tế khó khăn thì khoản tiền phạt 50 triệu là con số khổng lồ. Để tránh gây những điều đáng tiếc có thể xảy ra, người dân cần phải nâng cao ý thức, không đốt nương làm rẫy trái phép, các chủ rừng phải chú trọng kiểm soát tình hình khi xử lý thực bì trồng rừng.

PHAN PHÚC QUÝ


Số lượt đọc:  266  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:46:10 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH