Số 5

Xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng

Với diện tích đất lâm nghiệp hơn 400.000ha, trong đó diện tích có rừng hơn 300.000ha (hơn 250.000ha rừng tự nhiên và hơn 60.000ha rừng trồng). Tài nguyên rừng ở Lào Cai phong phú với nhiều chủng loại gỗ, động vật rừng quý hiếm, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch cảnh quan và nghiên cứu khoa học tại địa phương, trong nước và quốc tế. Những năm qua, Kiểm lâm Lào Cai đã chủ động, bằng nhiều giải pháp tích cực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành và chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Tài nguyên rừng được giữ vững và từng bước nâng lên. Độ che phủ rừng đạt 48,5% vào năm 2008. Trong đề án phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010 đã đề ra mục tiêu: “Từng bước xã hội hóa nghề rừng; đưa sản xuất kinh doanh lâm nghiệp thành một nghề có thu nhập cao, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh...” đã đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho lực lượng Kiểm lâm Lào Cai.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ có thể thành công khi trở thành sự nghiệp chung của toàn xã hội. Bảo vệ rừng và xây dựng rừng phải có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các ngành, các cấp. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp nhất là cấp xã và thôn bản; làm chuyển đổi sâu sắc nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ rừng, xây dựng phát triển vốn rừng. Việc bảo vệ rừng, xây dựng vốn rừng phải có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân. Lực lượng kiểm lâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật bảo vệ và phát triển rừng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và có hiệu quả, đã làm cho cán bộ chính quyền nhiều địa phương thấy được vai trò trách nhiệm của mình, đồng thời chủ động phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm (đặc biệt là kiểm lâm địa bàn) giúp các chủ rừng giải quyết tồn tại, xử lý vi phạm. Rất nhiều điểm nóng, tụ điểm đã tồn tại nhiều năm, được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm. Nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi học tập và tham gia xây dựng quy ước bảo vệ rừng cộng đồng đã hăng hái nhận đất, nhận rừng để bảo vệ và trồng rừng. Phong trào toàn dân tham gia các tổ đội bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được cổ vũ mạnh mẽ, trở thành lực lượng tại chỗ hoạt động có hiệu quả dưới sự hướng dẫn về nghiệp vụ của lực lượng kiểm lâm. Người dân còn tố giác, giáo dục cảm hóa các đối tượng vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp. Đặc biệt là số vụ nhân dân phát hiện, chính quyền địa phương xử lý tại địa bàn, số vụ khởi tố hình sự, tăng xét xử công khai đưa tin lên báo, truyền hình trực tiếp đã có tác dụng giáo dục, răn đe ngăn ngừa các tội phạm về rừng. Tình hình gây cháy rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép giảm. Các phong trào phát triển mạnh trong nhân dân tạo tiền đề vững chắc cho việc xã hội hóa nghề rừng, đây là tiền đề thực hiện thành công các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Lực lượng bảo vệ rừng nói chung, kiểm lâm nói riêng được củng cố, tăng cường một bước về số lượng và chất lượng. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị công tác và phương thức hoạt động được đổi mới. Lực lượng này thay đổi nhanh sau khi thực hiện đề án đưa kiểm lâm về địa bàn xã phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng cấp xã tham mưu cho chính quyền xã trong việc thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ rừng tại gốc. Đó chính là nền tảng tạo sự phối hợp chặt chẽ, mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa lực lượng kiểm lâm với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tấn công truy quét lâm tặc, xử lý các vụ việc liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng một cách tích cực và có hiệu quả. Xuất hiện ngày càng nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia tốt việc quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng. Nhiều phương thức khác nhau trong kinh doanh lâm nghiệp, lâm sản được thực hiện như: kinh doanh tổng hợp khoanh nuôi bảo vệ, làm giàu rừng, khai thác chế biến và nông lâm kết hợp. Đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương của Lào Cai có nhiều phong tục tập quán, trong đó có tục thờ thần rừng, rừng thiêng... nên có kinh nghiệm trong việc bảo vệ rừng. Già làng, trưởng thôn bản đã đóng góp lớn cho phong trào bảo vệ rừng tại địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu phức tạp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức được vai trò của phát triển lâm nghiệp, chưa thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp nên chưa có định hướng phát triển trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nghề rừng chưa thu hút được nhiều người dân, nhà đầu tư..., việc sử dụng đất lâm nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Thiếu các vùng nguyên liệu, các nhà máy sản xuất sản phẩm tinh chế. Tiềm năng về du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái còn để ngỏ.

Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp lâu dài để thực hiện mục tiêu “xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong quản lý hoạt động lâm nghiệp. Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân các chính sách phát triển rừng của Nhà nước để người dân tham gia hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng. Khuyến khích các hình thức kinh doanh lâm nghiệp như thành lập các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp; phát triển các loài cây có chất lượng cao, cây nguyên liệu, cây dược liệu...; trồng các vùng nguyên liệu tập trung, có sự giám sát, hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, nhất là tại vùng đệm, vùng ven các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tạo dựng các phong trào toàn dân đoàn kết, bảo vệ và phát triển rừng. Nghiên cứu và ban hành các chính sách hợp lý cùng với nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với địa phương như sử dụng vốn ưu đãi, vốn đầu tư theo các dự án... hỗ trợ người dân về giống cây tốt, phân bón, công thực hiện tạo nguồn cho đầu ra như xây dựng nhà máy, đầu tư cho các công ty thu mua sản phẩm... Đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực lâm nghiệp, phục vụ tốt cho việc tiếp thu khoa học và thực hiện ứng dụng khoa học vào thực tế. Đẩy mạnh các hoạt động về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, hướng cộng đồng phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.

HÀ ANH ĐỨC


Số lượt đọc:  739  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:31:59 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH