Số 5

Tin hoạt động

Ra mắt và chính thức đi vào hoạt động các Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản. Chiều 16/3/2010, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động ba tổng cục gồm Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Thủy sản. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Bộ kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò quan trọng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong phòng chống biến đổi khí hậu. Sự ra đời của ba tổng cục sẽ giúp ba lĩnh vực trọng yếu trong ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và chuyên sâu hơn. Nhiệm vụ của ba tổng cục là phải làm tốt từ khâu quản lý Nhà nước cho tới sản xuất kinh doanh, phối hợp với các trường đào tạo nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành. Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản hình thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ tại thời điểm hợp nhất với Bộ Thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ xây dựng đề án kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 10/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2009/NĐ-CP điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó, kể từ ngày 1/11/2009, thành lập 3 Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản trên cơ sở sắp xếp tổ chức một số đơn vị thuộc Bộ.

Sơ kết đào tạo bồi dưỡng công chức kiểm lâm và chủ rừng, giai đoạn 2006-2010. Ngày 10/3/2010 tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Kiểm lâm phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn I, II tổ chức sơ kết đào tạo bồi dưỡng công chức kiểm lâm và chủ rừng, giai đoạn 2006-2010 (theo Quyết định số 1187/QĐ-BNN-TCCB ngày 21/4/2006, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Theo báo cáo, trong 3 năm 2006-2009, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn Ụ, ỤỤ tổ chức 65 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 2.843 học viên là cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm. Trong đó, 1,2% học viên được đào tạo trên đại học, 78% đại học, 18% trung cấp và 2,8% sơ cấp. Kết quả, có 11,7% học viên đạt loại giỏi, 78,2% học viên đạt loại khá và 10,1% học viên đạt trung bình. Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình 1187, ngoài những mục tiêu đạt được so với kế hoạch hàng năm, nhiều mục tiêu khác còn vượt kế hoạch đề ra.

Quảng Nam: Lòng hồ thủy điện nhấn chìm khoảng 10 nghìn hécta đất rừng. Theo Sở Tài nguyên, Môi trường Quảng Nam cho biết: Khoảng 10 nghìn hécta đất rừng trên địa bàn tỉnh bị các dự án thủy điện nhấn chìm dưới lòng hồ trong quá trình triển khai xây dựng. Số liệu này được tổng hợp từ 50 dự án thủy điện triển khai (8 dự án khác đang xem xét phê duyệt do có ảnh hưởng nhiều đến diện tích đất sản xuất). Nhiều công trình gây tác động xấu đến đất rừng như thủy điện Sông Tranh 2, Sông Tranh 3 (chiếm hơn 2.600ha đất lâm nghiệp), thủy điện A Vương (gần 1.000ha); còn lại là các dự án Sông Tranh 1, Sông Tranh 4, Đăk Mi 1, Đăk Mi 2, Đăk Mi 4A, Đăk Mi 4B... Tuy nhiên, việc trồng rừng mới tại Quảng Nam vẫn chưa được các chủ dự án thủy điện liên quan thực hiện, kể cả dự án đã phát điện. Cũng tại Quảng Nam, theo dự án “Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy giai đoạn 2010-2014”, toàn tỉnh sẽ đầu tư hơn 915 tỷ đồng trồng rừng thay thế nương rẫy. 2.581 hộ thuộc 69 xã, 11 huyện trên địa bàn được hưởng lợi, với tổng diện tích rừng được trồng là hơn 18.000ha. Chính vì vậy khoản ký quỹ tái tạo rừng 18,2 tỉ đồng mà các dự án thủy điện đã cam kết theo đánh giá là quá thấp.

Tăng cường quản lý các trại nuôi hổ. Sáng 15/3/2010, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tổ chức họp báo về việc bảo vệ hổ, với sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng. Sau một chương trình điều tra kéo dài 12 tháng về nạn buôn bán hổ, ENV khẳng định, nhu cầu sử dụng xương hổ làm thuốc đông y ở nước ta ngày càng gia tăng, nhất là ở tầng lớp giàu có. Chính nhu cầu này đã góp phần làm suy giảm quần thể hổ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước có hổ phân bố. Từ năm 2006, ENV đã ghi nhận tổng số 104 vụ vi phạm về hổ, trong đó có 16 vụ bị bắt giữ, tịch thu hổ đông lạnh, bộ phận cơ thể hoặc xương hổ. 3 trong 6 trang trại nuôi hổ tư nhân đã đăng ký có dấu hiệu liên quan đến hoạt động buôn bán hổ trái phép. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Điều phối viên Chương trình bảo vệ động vật hoang dã của ỌNV cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các trại nuôi hổ và đóng cửa những trại nuôi hổ nếu phát hiện các cơ sở này liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép.

Không cấp phép mới cho dự án thuê rừng. “UBND các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra chỉ thị xung quanh việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất rừng. Thủ tướng nêu rõ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan lập đoàn công tác tiến hành rà soát kiểm tra, đánh giá và báo cáo Thủ tướng về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian rà soát, các tỉnh sẽ không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê.

Đà Lạt: Bàn giao thú cho Vườn quốc gia Cúc Phương: Ngày 26/3/2010, tại Đà Lạt, Chủ vườn thú tư nhân Tư Loan đã bàn giao một con cầy tai trắng cho Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Cá thể cầy tai trắng có tên khoa học là Arctogadia trivirgata, không thuộc loài quý hiếm, tuy nhiên, đây là kết quả ban đầu do sự thương thuyết của đại diện quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê và Kiểm lâm Lâm Đồng với chủ cơ sở. Ngoài ra cơ sở này đang nuôi một số loài thú hoang dã quý hiếm, trong đó có nhiều cá thể thuộc nhóm ỤB, có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường, có nguy cơ tuyệt chủng như mèo rừng, báo lửa, cầy mực.

Lai Châu: 2 người tham gia chữa cháy rừng bị thiệt mạng: Đêm 7/3/2010, trong khi chữa cháy rừng tại khu vực nương bản Sòn Thầu 2, anh Lý Dâu Quẩy, 24 tuổi dân tộc Dao, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, đã bị đá lăn trúng người làm anh tử vong tại chỗ. Cũng tại Lai Châu, sáng 9/3/2010 khu rừng bản Noong Khoang, xã Khoen Ặn, huyện Than Uyên bị cháy, anh Vừ A Lải, 44 tuổi dân tộc Mông ở xã Khoen Ặn tham gia chữa cháy rừng, do gió lớn làm lửa bùng lên, táp kín người khiến anh bị bỏng toàn thân. Mặc dù được những người tham gia chữa cháy cứu ra và khẩn trương đưa đi cấp cứu, song do vết bỏng quá nặng, nên khi đưa được về đến bản, anh Lải đã tử vong. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ cho hai người đã dũng cảm chữa cháy rừng.

Kiên Giang: 300 sếu đầu đỏ về tứ giác Long Xuyên. Khoảng 300 sếu đầu đỏ đã trở lại với vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa khô năm nay để tìm mồi, so với năm trước, số sếu đông hơn gần 100 con và về chậm hơn 1 tháng. Ngoài điểm đến quen thuộc là địa bàn ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, năm nay đàn sếu còn có thêm địa điểm mới là cánh đồng cỏ bàng rộng 2.800ha tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành.

Lào Cai: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) triển khai trồng 50ha rừng “Vì màu xanh nơi biên cương”. Ngày 26/3/2010, tại xã Tả Gia Khâu (Mường Khương), hơn 500 đoàn viên, thanh niên hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin cùng Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã triển khai dự án trồng 50ha rừng thay thế nương rẫy cằn cỗi, hưởng ứng phong trào “Vì màu xanh nơi biên cương”. Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy tại tỉnh Lào Cai là một trong những hoạt động của VDB nhằm thực hiện nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước. Trong đó, VDB được phân công giúp đỡ ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai là Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Các loại cây được trồng bao gồm trẩu, tống quá sủ, tốc xi dương và cây sa mộc, với tổng số vốn đầu tư 3,7 tỉ đồng.


Số lượt đọc:  167  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:21:19 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH