Số 5

Rừng nước mặn

Ngày 26/5/2009, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 21 của ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển (MAB - ICC thuộc UNESCO) diễn ra tại đảo JeJu (Hàn Quốc) từ ngày 25 đến 29/5/2009 đã công nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong 22 địa danh được bầu chọn trong tổng số 32 địa danh của 21 nước được đề cử. Tại Cà Mau, từ ngày 25-30/4/2010, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và tổ chức tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Mũi. Nhân dịp này, Bản tin Kiểm lâm Việt Nam xin giới thiệu bút ký "Rừng nước mặn" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về vùng đất mũi để các bạn biết thêm về giá trị của rừng ngập mặn đất mũi Cà Mau.

Đọc ký của Nguyễn Tuân viết về Cà Mau, tôi nhớ có một nhân vật, tên là cô Lê, quê Nam Bộ, công tác ở Liên đoàn du lịch. Theo cô Lê, trong những yếu tố bồi dưỡng nên lòng yêu nước, thì “địa lý là quan trọng hơn lịch sử”. Cô đã tranh luận rất sôi nổi với tác giả để bênh vực ý kiến ấy của cô. Lúc đầu, tôi không chú ý mấy luận điểm của cô Lê; tôi cho rằng khi nói về lòng yêu nước, thực ra cô Lê đã bị chi phối bởi tâm lý nghề nghiệp, nghĩa là tâm lý những người khách của Liên đoàn du lịch. Mãi đến vừa rồi, về thăm Mũi Cà Mau, lênh đênh trên những kênh rạch của miệt rừng Đước, sực nhớ lại nhân vật ấy của Nguyễn Tuân, tôi mới nghĩ ra tại sao cái yếu tố địa lý nó lại có sức gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí của cô Lê đến như thế. Vâng, cũng vẫn là những dòng sông và những cửa biển, những cánh rừng và những đêm sao, nhưng Cà Mau không giống một miền nào trên khắp đất nước. Tôi đã từng nghe nói, đã đọc về Cà Mau; được đặt chân trên cái mũi nhọn chót vót mà ngày còn bé đi học, mỗi khi vẽ bản đồ Tổ Quốc, tôi vẫn lo lắng tự hỏi, không biết khi đứng ở nơi đó, liệu mình có bị rơi xuống biển hay không. Và giống những người dân chài làm nghề xạt sò trên Đất Mũi, tôi cúi xuống vốc từng nắm bùn sinh dưới chân ngọn triều đêm qua, nghe chất phù sa ướt nhão ấy rung động, bồi hồi trong tay như một mẩu thịt da mới mọc. Thế mà khi xa rồi, về ngồi nhớ lại, tôi vẫn chưa hết xúc động về một cõi đất trời quá đỗi lạ lùng ở Mũi đất cực Nam của Tổ Quốc.

“Cái yếu tố địa lý” trong câu chuyện của cô Lê cứ quanh quẩn trong đầu óc của tôi hoài; những sự kiện rải rác nhặt được đây đó dọc đường của một chuyến đi mang tính chất hành hương của tôi chỉ càng gợi thêm nỗi khao khát muốn hiểu biết về một vùng đất nước đúng nghĩa là giàu và đẹp; và trước sau đó đối với tôi, vẫn đầy tính chất bí ẩn của những khu rừng “mới từ biển nhú lên” theo cách nói của người dân vùng Mũi. Tôi đành gác bài ghi chép đã dự định về Cà Mau, dành thêm một ít thời gian vào thư viện ở Huế mượn đọc một số sách vở cũ về rừng sác. May được gặp cụ Nguyễn, một kỹ sư thủy lâm rất am hiểu loại rừng ngập ở Cà Mau. Cụ Nguyễn đã bổ sung cho chuyến đi thực tế của tôi nhiều hiểu biết thật kỳ thú. Nhờ đó, tôi đã có thể hiểu thiên nhiên miền bán đảo cực Nam một cách cụ thể hơn - dù còn lâu tôi mới có thể hiểu nó một cách tường tận - và càng thấy yêu quý mảnh đất ấy sâu sắc hơn về cái sức bồi đắp vô tận của nó.

Từ Sài Gòn đi xe hơi theo quốc lộ 4 về đến thành phố Cà Mau thì hết đường bộ. Từ đấy xuống đò máy ở chợ Cà Mau theo kênh 16, một con sông rộng thẳng tắp và dài ngun ngút, rẽ ngoằn ngèo ra sông Năm Căn, vượt tất cả khoảng một trăm cây số đường sông thì đến Vàm Ông Trang, nơi đóng trụ sở ủy ban nhân dân xã Viên An là xã tột cùng phía Nam, đối cực với xã Lũng Cú ở phía Bắc Tổ Quốc trên hai đầu kinh tuyến 105, mà anh Nguyễn Tuân đã có lần nhắc tới. Mũi Cà Mau nằm trong xã Viên An, còn cách Ông Trang năm chục cây số đường thủy, qua một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt không thể nào ghi chép hết tên, có lẽ nhiều bằng đường sá ở một thành phố lớn cỡ thành phố Hồ Chí Minh.

Về Cà Mau, lần đầu tiên tôi được sống cái cảm giác sung mãn rất lạ của đất phù sa. Tôi thấy sức vóc của mình như không dừng lại ở cái mức cố định của tuổi đời, mà hình như tôi vẫn tiếp tục lớn lên như một gã con trai bước vào tuổi trưởng thành. Đấy rõ ràng là cảm giác hữu cơ do đất đai mang lại, là sự hóa thân của phù sa vào giữa tâm hồn tôi khi đứng trên Đất Mũi. Đúng thế, có lẽ trên thế giới cũng ít có một đất nước nào được món quà tặng kỳ diệu của biển cả như đất nước ta với Mũi Cà Mau; nằm trần mình dưới chân sóng mà vẫn được bồi đắp không ngừng, diện tích cứ thế mở rộng thêm mãi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, mỗi năm lấn ra biển khoảng chừng bảy chục đến một trăm mét.

Nói đến quá trình bồi đắp của Mũi Cà Mau, người ta thường nghĩ đến sông Cửu Long. Điều ấy đúng. Nhưng còn phải kể đến công lao của một kẻ lặn lội tháng năm ở ngoài biển khơi, mà trước nay ít người để ý đến, ngoài các nhà địa lý học. Đó là câu chuyện về một dòng hải lưu. Chính là dòng hải lưu Bắc - Nam nổi tiếng của vùng Nam Thái Bình Dương ấy. Phát xuất từ ngoài khơi phía nam lục địa châu á, dòng hải lưu này tiến dần vào đất liền, áp sát vào duyên hải Việt Nam đúng vào vùng bờ biển Bình - Trị - Thiên. Từ đó nó ôm sát cái viền cung của bờ biển Việt Nam để đi vào phía Nam. Một nhà hải dương học người Pháp, ông Sơ-vây (Chevey) đã phát hiện ra dấu vết của dòng hải lưu ấy in trên bờ biển Việt Nam: Nhìn vào bản đồ, từ chỗ tiếp cận của dòng hải lưu với vùng biển Thừa Thiên trở ra, những chỗ lồi lõm răng cưa của bờ biển đều hướng mũi nhọn về hướng Bắc; trở vào thì các mũi đất ấy lại tà theo hướng Nam. Chính dòng hải lưu Bắc - Nam này đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam, và vì đụng phải đảo Hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tấp hết lên Bãi Bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng xung quanh. Dòng hải lưu Bắc - Nam và sông Cửu Long là hai cánh tay vĩ đại của tự nhiên đã đón bắt những hạt phù sa vạn dặm mà bồi đắp nên Mũi Cà Mau. Còn có thể lưu ý thêm đến những nguyên nhân địa lý, thủy văn khác, thí dụ như sự giao thoa giữa hai chế độ khác nhau của thủy triều ở biển Đông và Vịnh Xiêm La; nhưng cái cơ bản là như vậy.

Do hội đủ mọi điều kiện thuận lợi như thế, Cà Mau trở thành một vùng đất lý tưởng cho sự phát triển của loại rừng sác. Thực ra, rừng sác không phải chỉ có riêng ở Việt Nam, mà chung ở các khu vực lục địa thuộc vĩ tuyến 28, cũng như những vùng có những dòng sông lớn với mực thủy triều cao, như sông A-ma-dôn-na ở Bra-xin, sông Hằng ở ấn Độ, sông La-ruy ở Philippin, cả sông Hồng và sông Cửu Long ở Việt Nam. Nhưng theo các nhà chuyên môn, thì ngoại trừ vùng A-ma-don-na, rừng sác Cà Mau có tầm quan trọng vượt xa các khu vực khác trên thế giới.

Cùng với phù sa của những dòng sông, cát từ đáy biển bị hắt lên trong trò chơi tháng năm của sóng bể đã dần bồi nên những giồng đất. Những giồng đất này càng cao lên không ngừng bởi các lớp vỏ cây mục và lá khô trong rừng; giữa những giồng đất ấy là những đầm trũng đọng đầy nước mưa. Lịch sử tự nhiên của rừng sác bắt đầu trên những giồng đất phù sa còn ướt đẫm nước mặn ấy với sự xuất hiện của cây mắm. Từ năm sáu năm trở đi, có những thế hệ kiều dân thứ hai của rừng sác trôi dạt theo sóng triều đỗ lại trên nền đất vừa đủ cứng mà họ mắm đã củng cố được. Đó là các loại đước, vẹt tách, và dà. đước mọc trên những vùng đất bùn rộng lớn, vẹt tách trên đất khô cứng hơn, còn dà thì mọc trên những đầm phá cũ. Khoảng năm thứ hai mươi trở đi, họ hàng nhà đước sinh sôi nảy nở đông đúc, và nhờ có bộ rễ lợi hại đứng choãi ra xung quanh giống như những chiếc cần cẩu vững chãi trên đất phù sa trẻ, đước quay lại tiêu diệt dần họ mắm và chiếm lĩnh rừng sác. Nhưng chính bản thân cây đước cũng chỉ tồn tại trên những vùng đất ngập có nước mặn luân lưu chầm chậm. Vì thế khi đất đã cao, rắn lại, nước cũng ngọt dần thì lịch sử rừng đước cũng kết thúc, nhường chỗ cho rừng tràm (tức là rừng U Minh nổi tiếng ở Nam Bộ). Từ đó giữa lòng rừng tràm vẫn còn tiếp tục diễn ra cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa các loài thực vật, thí dụ giữa tràm và choại; nhưng đó là một quá trình khác, thuộc lịch sử hậu kỳ của rừng sác.

Đất Cà Mau, tuy nước ngập quanh năm, nhưng rất hà tiện nước đối với cây cối. Do cấu tạo địa chất, nó chỉ chịu chi cho cây một lượng nước rất nhỏ, còn bao nhiêu thì giữ lại hết. Dưới mắt của thực vật sống trên mặt nước bao la của rừng sác, đất Cà Mau thực chất vẫn là đất khô, gọi là “khô sinh lý”. Nhưng những dân cư của rừng sác đã có cách riêng để sống còn trên mảnh “đất khô” ấy; ấy là cấu trúc của lá cây. Lá của tất cả các loại cây rừng sác đều dày với những mô trữ đầy nước, và lớp da ngoài được tráng bằng một lớp qui-tin láng bóng, có khả năng phản chiếu tía sáng mặt trời, hạn chế bớt sức nóng mà cây phải chịu đựng. Điều này, giúp tôi tự giải thích cái ấn tượng lạ lùng về vẻ đẹp riêng của rừng Cà Mau khi con thuyền vừa vượt khỏi Vàm Ông Trang để bắt đầu trôi vào giữa cái miên man xanh biếc của rừng Đước. Tôi chưa bao giờ hình dung được một khu rừng lại có thể sáng đến như thế: để ý đến tư thế từng chiếc lá, thấy nó thảnh thơi choãi lên trong không, phơi ra giữa ánh sánh của mặt trời nhiệt đới, những chùm tia nắng nhấp nháy xanh tím trên mỗi ngọn lá, và toàn bộ khu rừng cứ sáng trưng như sau một cơn mưa.

Tuy rằng ít có loài cây có thể sinh sôi được trong bùn, mặn, vừa chịu đựng nổi những cơn ngập lụt có định kỳ của biển cả, nhưng rừng Cà Mau vẫn rất phong phú về loài thực vật. Theo tài liệu cũ thời Pháp, toàn bộ rừng ngập (nghĩa là kể cả khu vực rừng U Minh) có tất cả mười lăm họ thực vật, gồm mười sáu giống và ba chục loại cây rừng thuộc loại quí. Những họ thực vật quan trọng nhất của rừng sác là họ đước (gồm đước, đưng, vẹt dù, vẹt tách, vẹt đen, vẹt thăng, dà vôi, dà quánh), họ mắm (mắm đen, mắm trắng, mắm ổi, mắm lưỡi đồng), họ bần (bần đắng, bần ổi, bần chua), họ dừa nước (gồm dừa nước và chà là). Ngoài ra còn có các loại sú, cóc, giá, tra,...

Mắm là họ cây tiên phong của rừng sác, đến cư ngụ sớm nhất trên những giồng đất vừa mới được bồi đắp. Chính vì thế lịch sử cần ghi nhớ công lao của cây mắm như những tiền bối của con người trong quá trình mở đất về phương Nam. Cây mắm già nhất có thể cao đến hai mươi mét. Rễ mắm phát triển nhiều dạng tùy theo chỗ đất, có lúc mọc thẳng, lúc bò ra thành chùm rậm rạp, có nơi như ở Bãi Bùn, rễ mắm lại tua tủa đâm thẳng lên không, mặt đất trông như một bãi chông dày đặc. Dạng rễ này gọi là rễ phổi (phế căn), nhờ đó cây mắm có thể thở được trong vùng đất còn thường xuyên bị ngập nước. Hàng năm vào tháng bảy, mắm nở hoa vàng, khoảng một tháng trở đi thì kết trái. Trái mắm từng chùm cỡ lóng tay, ở trong ruột có cái lõm màu xanh giống hình quả tim, có thể ăn được. Những năm khó khăn, bộ đội, cán bộ vùng Mũi đã phải đi hái từng thúng trái mắm, bóc vỏ, nhặt ra từng cái lõm nhỏ bằng hột bí, đem luộc đi luộc lại hàng chục nước cho hết đắng, để ăn thay cơm. Nhờ trời cũng đỡ lòng, bám trụ đánh giặc được. Gỗ mắm màu trắng xám, dùng làm gỗ xài việc trong nhà, cũng còn dùng làm ván ép. Củi mắm dùng để đốt lò gạch; hơi gỗ mắm phả vào đất sét nung, đem lại cho gạch ngói một màu đỏ tươi rất đẹp, đắt giá trên thị trường. Điều cuối cùng này không thể quên khi nói về cây mắm: đó là loại cây kiên cường nhất của rừng sác Miền Nam, có thể đương đầu nổi với cuộc chiến tranh hóa học của giặc Mỹ. Sau những trận mưa khai quang của đế quốc Mỹ, mọi loại cây rừng khác đều bị hủy diệt, chỉ riêng rừng mắm thì rụng lá để rồi nảy mầm và xanh tươi trở lại.

Tuy nhiên, cây đước mới là linh hồn của rừng Cà Mau, do tuổi nó sống lâu với rừng già, do sự giàu có mà nó mang lại cho con người, và nhất là do sự gắn bó sâu xa của nó với đời sống và tâm hồn của người dân Đất Mũi. Ra khỏi Vàm Ông Trang chừng hơn một tiếng đồng hồ để xuôi về Rạch Tàu, vượt qua những bãi vẹt giống như hàng rào ô rô được cắt xén thẳng tắp chạy dọc hàng chục dặm sông thuộc khu vực Cái Xép, người ta bắt đầu gặp những khu rừng đước vẫn còn lại sau chiến tranh. Tôi không ngờ rừng biển lại hùng vĩ đến như thế. Rừng đại ngàn hẳn hoi với toàn bộ những cây đước cao từ hai mươi đến ba mươi mét. Cây đước có vỏ màu xám nhạt, lỗ đỗ từng đám rêu, gợi dáng da cá sấu. Gỗ đước lúc còn mới màu sáng, lâu năm thì ửng lên màu nâu sẫm, bóng láng rất đẹp. Cây đước hai mươi tuổi trở lên, đem cưa ván rộng đến năm tấc mặt, dùng để lát sàn nhà. Gỗ đước đóng vai trò chủ lực trong kiến trúc một ngôi nhà ở làng biển vùng Mũi: sàn nhà, đố, cột kèo, bậc thềm, rượng phơi lưới, cả đường đáy và những chiếc cầu khỉ để đi lại trong ấp... Có thể nói, ở đất Mũi Cà Mau, cây đước đã thay vào vị trí cây tre của nông thôn Việt Nam, trong sinh hoạt cũng như trong cuộc sống văn hóa, tình cảm của con người. Cây đước được gọi đến để làm chứng cho lời thề vĩnh viễn, cho những gì bền vững sắt son khi con người đối diện với Tổ Quốc, với đạo lý, với tình yêu: “Bao giờ hết đước Năm Căn…”

Tất cả những cây họ đước đều có một giá trị kinh tế rất lớn. Vỏ đước và vỏ dà rất giàu chất ta nanh (trên 24%), dùng để nhuộm quần áo và nhuộm lưới. Trước chiến tranh, ở Chợ Lớn có những hãng sản xuất chất ta nanh khai thác từ các rừng sác ở Nam Bộ, tổng sản lượng hàng năm lên tới 9.000 tấn.

Đước và vẹt tách dùng để sản xuất than, nguồn nhiên liệu chính của đồng bằng Nam Bộ. Đặc biệt là than đước, có nhiệt năng rất lớn, mỗi kilôgam than đước cho đến 6.660 calo, gấp đến hai, ba lần loại than thường, rất quí trên thị trường trong và ngoài nước. Một cây đước bình thường khoảng hai mươi tuổi, đem hầm cho được 300 kilôgam than. Rừng Cà Mau là vàng thực sự. Nó còn giúp ích cho con người trong bao nhiêu cái lặt vặt khác rất cần thiết trong đời sống; gỗ được dùng để làm răng cối xay, cóc dùng để nhuộm lưới, vẹt dù dùng để ghép ván bánh lái thuyền, ngâm trong hóa chất thì dùng làm cột trụ điện. Lá dừa nước dùng để lợp nhà và làm phên; nhà vùng Cà Mau mát rượi cả bốn mùa vì lá dừa nước có đặc tính cách nhiệt rất tốt. Trái dừa nước làm thức ăn cho lợn. Còn con đuông chà là là một món ăn nổi tiếng của vùng Cà Mau mà người dân thành phố chỉ có thể tìm thấy trong những khách sạn đắt tiền ở Chợ Lớn. Bọn Tây thuộc địa trước kia, sống lâu năm ở Nam Bộ, rất sành ăn món đuông chà là, gọi nó là con “nhộng tê giác” (larves du Rhinocéros).

Sông và biển Cà Mau đầy ắp những tôm cá. Tôm khô cá mặn ở đây có giá trị cả trong nước lẫn quốc tế. Cá đủ các loại: đường, gộc, vượt, chẻm, sú, bống mú, ngát, đuối, kèo, nhám, khoai, chét, đối, đao, chốt... Người đất Mũi có nghề đánh cá mập bằng cây xà búp. Còn cá dứa thì dùng lao để phóng. Cá dứa rất ham ăn trái mắm. Khoảng tháng 8, tháng 9 mùa mắm rụng, cũng là mùa lao cá dứa. Con cá dứa mình trắng, đuôi vàng, trung bình nặng khoảng ba kilôgam, có khi nặng đến bảy, tám kilôgam, thịt rất ngon, là một nguồn hải sản quí của vùng rừng mắm.

Trước ngày giải phóng ở Mũi này, tàu Thái Lan, Nhật Bản, Singapore thường tới bắt cá. Dân mình thì mới ở rừng về, dụng cụ mười mấy năm chiến tranh đã hư hao, nên sản xuất lẻ tẻ; tính ra mới bắt được một phần mười của biển.

Nằm lại chờ đò ở Ông Trang, tôi có thì giờ tò mò ngồi nhìn lũ cá bống sao kéo nhau ra phơi nắng đầy trên mặt bùn. Chúng di chuyển chậm chạp bằng hai vây trước. Ngó vậy nhưng không tài nào chụp bắt được chúng. Nghe động, chúng phóng nhanh tới trước bằng cách giương cao cả hàng vây dọc sống lưng, trông giống con kỳ nhông; con bé vi ngắn, màu đỏ rất đẹp, trông như cánh bướm. Khi về tới hang thì chúng dừng lại, quay đôi rồi từ từ thụt lùi vào hang, giống như ô tô vô ga ra. Loại cá sao này làm hang sống ngay bên hè nhà ở vàm sông, nhiều hơn cóc nhái, thịt thơm ngon, nhưng ít ai để ý tới chúng, lý do là “bắt mất công”. Một loại cá khác rất nặng gặp ở đây là cá thòi lòi, loại cá này vừa sống trên cạn, vừa dưới nước, thường từng cặp rượt đuổi nhau trên khắp các nẻo sông, nhiều khi trườn lên tận những chùm rễ đước cao khỏi mặt nước.

Sau Tết, biển Cà Mau vào mùa tôm; làng biển suốt ngày vang động cái âm hưởng sập sã của dân chài đập vỏ tôm để vô bao. La cà năm bảy hôm ở Rạch Tàu, theo những chuyến thuyền đổ đáy về mỗi buổi sáng, tôi đã biết mặt, biết tên hầu hết cái đám thủy tộc đông đúc này vốn là nguồn lợi lớn nhất của Đất Mũi: tôm ú, tôm gân, tôm bông lau, tôm sú là loại tôm bự. Tôm mặt quỵt tức là con tép bạc. Tôm nghệ, nghệ gân màu vàng, còn nghệ vợt là con khuyết. Tôm tít, có cặp càng rất bén. Tôm gai, mọc gai cùng mình. Cái anh tôm đầu không này, chỉ thấy đầu và mắt mình nhỏ tí xíu. Tôm chầu trời, lội ngước đầu khỏi mặt nước. Tôm càng trứng, bao giờ cũng ôm một bụng trứng. Tôm vác giáo, mỏ nhọn hoắt. Tôm vú nàng, màu đỏ hồng. Vú nàng sắt, vỏ đỏ, dày, sọc đen,...

Đất Mũi còn một loại hến biển, gọi là con điệp. Điệp già thường có một hoặc hai hạt ngọc ở trong, nhỏ bằng hạt tấm, màu trắng ngà. Người ta đi nhặt điệp về làm món nhậu, gặp ngọc thì để dồn lại, từng đợt có người ở Chợ Lớn về mua, nói là để làm thuốc. Mua giá đắt, tính từng chỉ, từng lạng như vàng, giá cũng bằng một phần ba giá vàng. Đó là nói điệp bãi Rạch Tàu. Còn điệp Hòn thì ngọc lớn bằng hạt tiêu trở lên, chủ kim hoàn Chợ Lớn mua về nhận cá rá. Hòn Củ Tron, Củ Tru và những đảo nhỏ xung quanh có rất nhiều loại điệp này. Nhưng dân ở đây không coi đó là nghề sinh sống, chỉ là để kiếm thêm chút đỉnh xài chơi vậy thôi.

Bãi Bùn Cà Mau còn có một giống hải sản quí khác là sò huyết. Người xạc sò, ngồi trên một tấm ván, dùng dầm và chân đẩy nhẹ cho tấm ván trượt đi trên mặt bùn, cứ phát hiện một cái lỗ tròn trên bãi là cho tay vào, nhặt ngay được một con sò, ném thả vào chiếc thùng gỗ phía sau. Bằng cách đơn giản ấy, người lướt ván có thể di chuyển như bay trên Bãi Bùn không kém xe đạp đi trên đất.

Với phương tiện thô sơ nhưng với tốc độ đáng ngạc nhiên ấy, người xạc sò trên Bãi Bùn đã đi lại có mặt khắp nơi trên mặt đất mới thành hình này của Tổ Quốc; mặt đất còn bập bềnh giữa hai trạng thái đặc và lỏng, trên đó những con đường quả nhiên chưa rõ đâu là thực là hư, chỉ mới hiện ra như một niềm hy vọng của con người, đúng như trong câu nói cảm động của Lỗ Tấn. Cà Mau!... Nơi cuối đất cùng trời, nơi đó “thuyền chèo trong rừng, cá sống trên cây và những dòng sông bắt nguồn từ biển...” Nơi đó, đất nước rừng vàng biển bạc... Nơi đó, cũng chính là quê hương của thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người đã lãnh đạo cướp Hòn Khoai thuở Nam Kỳ khởi nghĩa, quê hương của Bông Văn Dĩa, người anh hùng đã dám cầm tấm bản đồ Việt Nam xé từ một cuốn giáo khoa cấp một, giong buồm ra tận Hải Phòng để dò đường đưa vũ khí vào Miền Nam, mở ra con đường Hồ Chí Minh trên biển... Nơi đó, quê hương của hàng vạn con người như ông Hai Pháp, đã bới từng lon nước mưa nuôi anh Ba (cố Tổng bí thư Lê Duẩn), thuở ấy đang bám Miền Nam, bộ bà ba đen bê bết đất lầy rừng Đước. Nơi đó, có những xã toàn dân đã kéo nhau vô rừng đước, cất nước biển thành nước ngọt để uống, đánh Mỹ cho đến thắng lợi cuối cùng. Trời ơi, nơi đó!...

Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh ngày 09/9/1937 tại Huế, nguyên quán làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1960, tốt nghiệp khóa I, ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, nhận bằng Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Năm 1960-1966, dạy tại trường Quốc Học Huế. Năm 1966-1975, ông thoát ly lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng hoạt động văn nghệ. Ông từng là Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Ông được Nhà nước trao giải thưởng về văn học nghệ thuật (2007), cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ; Huân chương Độc lập hạng Ba.


Số lượt đọc:  983  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:25:37 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH