Số 5

Rừng Bù Gia Mập kêu cứu

Vườn quốc gia Bù Gia Mập được chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập vào năm 2002 với diện tích 25.926ha. Phía Tây Bắc có suối Đắk Huýt là biên giới giữa Việt Nam và Camphuchia, phía Đông giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp với Nông lâm trường Đắk Mai. Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng tự nhiên liền vùng lớn nhất và duy nhất tại tỉnh Bình Phước, là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới thường xanh rụng lá, đặc trưng cho đới chuyển tiếp giữa Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phu Miên, hồ thủy lợi Phú Hòa... phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái. Rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được mệnh danh là “lá phổi xanh” của khu vực miền Đông Nam Bộ với nhiều sinh cảnh khác nhau, từ sinh cảnh rừng thường xanh đến sinh cảnh rừng nửa rụng lá và các sinh cảnh rừng ven suối tạo một vẻ đẹp nên thơ và huyền ảo của núi rừng. Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn có nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Chính vì có những giá trị và tầm quan trọng như vậy mà trong thời gian qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã có rất nhiều tổ chức trên thế giới và Việt Nam quan tâm như Viện lịch sử tự nhiên hoàng gia Canada, Trung Quốc, Viện nhiệt đới Việt Nga, Viện Missuri Hoa Kỳ, Hiệp hội cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ, Ngân hàng thế giới, Cộng đồng chung châu âu, Đức, Thủy Điển, Đan Mạch... đã tài trợ để bảo tồn các loài động, thực vật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Hiện nay Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang bị áp lực rất lớn, nạn khai thác, săn bắt động vật hoang dã diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là vấn nạn khai thác các loài cây gỗ quý hiếm đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực tiểu khu 5, tiểu khu 6, tiểu khu 9 (nơi có sinh cảnh rừng rất đẹp với nhiều loài gỗ quý hiếm) phía giáp ranh với tỉnh Đắk Nông. Lâm tặc thường xâm nhập vào rừng với số lượng người rất đông để lấn át lực lượng kiểm lâm, có ngày lên tới hàng trăm người với đầy đủ xe máy, cưa máy ào ạt và ngang nhiên tiến vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập để khai thác, săn bắt động vật rừng trái phép, bất chấp lực lượng kiểm lâm, gây nên hiện tượng náo loạn ở những khu vực này. Càng ngày những đối tượng này càng trở nên rất táo tợn và manh động, sẵn sàng dùng hung khí để tấn công lại lực lượng kiểm lâm nếu bị truy cản, thậm chí lâm tặc còn dùng cả người già, trẻ con ngăn cản sự truy quét của lực lượng bảo vệ rừng. Theo thống kê của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, từ tháng 6 năm 2009 và đặc biệt là trong quý I năm 2010 đã có hàng trăm mét khối gỗ quý hiếm bị bọn lâm tặc khai thác và vận chuyển trái phép trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ rừng. Tuy đã có sự quan tâm của các nhà quản lý, nhưng lực lượng bảo vệ rừng rất mỏng, chỉ có 5 đến 6 người cho một trạm, các trạm lại bố trí rải rác trong rừng và xung quanh 200km ranh giới. Lâm tặc khi thực hiện hành vi vi phạm thường đông nên lực lượng kiểm lâm không thể truy cản được. Việc sử dụng vũ khí quân dụng của lực lượng bảo vệ rừng cũng rất phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố, chính điều này làm cho lâm tặc coi thường và thờ ơ sự có mặt của lực lượng bảo vệ rừng, họ sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng khi bị phát hiện và ngăn chặn.

Để bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của lực lượng kiểm lâm rất cần sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền và các ngành chức năng, sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Theo ghi nhận, nếu không có sự quan tâm và sự phối hợp vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng, rất có thể chỉ trong khoảng vài tháng nữa các loài gỗ quý hiếm ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ không còn nữa. Sinh cảnh rừng bị phá hủy, các loài động vật quý hiếm cũng biến mất, khu rừng tự nhiên liền vùng, liền khoảnh lớn nhất và duy nhất của tỉnh Bình Phước sẽ là rừng rỗng.

KIỀU ĐÌNH THÁP


Số lượt đọc:  180  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:26:46 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH