Số 5

Kiểm lâm Kon Tum làm tốt công tác tuyên truyền

Kon Tum có diện tích rừng là 658.668ha (độ che phủ của rừng trên 68%) và hơn 86 nghìn hécta đất trống, đồi núi trọc. Rừng Kon Tum có trữ lượng gỗ khoảng trên 53 triệu mét khối, gần 2 tỷ cây tre, nứa và nhiều loài động thực vật quý hiếm nằm trong danh mục "sách đỏ" Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng Kon Tum có giá trị cao về kinh tế, về nghiên cứu khoa học, bảo vệ và điều hòa môi trường sinh thái. Với vị trí là tỉnh có đường biên giới giáp với Lào và Campuchia nên Kon Tum có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng... Tuy lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhưng điều kiện xã hội khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, đời sống kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp và còn dựa vào rừng là chính nên tình trạng xâm hại rừng còn phổ biến, làm hạn chế đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Kon Tum trong vòng 5 năm (2005 - 2009), toàn tỉnh đã xảy ra gần 1.700 vụ phá rừng làm rẫy, làm thiệt hại trên 358 ngàn hécta. Vi phạm các qui định về khai thác nguồn tài nguyên rừng, như khai thác gỗ, củi, săn bắt động vật hoang dã... vẫn còn phổ biến. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm của người dân địa phương, giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một trong những biện pháp là tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và ý thức tham gia bảo vệ rừng ở địa phương.

Chi cục Kiểm lâm Kon Tum là đơn vị giữ vai trò nòng cốt thực hiện công việc này. Những năm qua, Kiểm lâm Kon Tum đã thông qua hệ thống báo, đài, các loại tạp chí, bản tin, tờ rơi... đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, ngành giáo dục... tổ chức thông tin, tuyên truyền pháp luật của Nhà nước tới mọi tầng lớp dân cư. Chỉ riêng năm 2009, Kiểm lâm Kon Tum đã thực hiện được 64 chuyên mục về bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Kon Tum và bản tin của các ngành trong tỉnh; thực hiện được 18 chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ rừng và 9 chuyên mục phòng cháy chữa cháy rừng trên hệ thống đài truyền hình của 9 huyện, thị xã. Tổ chức 960 buổi họp dân tại 97 xã của 9 huyện, thị xã, với gần 20 nghìn lượt người tham gia. Phối hợp với Hội Nông dân của 97 xã tổ chức được 324 đợt tuyên truyền trực tiếp cho nông dân, với gần 10 ngàn lượt người tham gia. Tổ chức được 9 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng ở 9 huyện, thị xã cho 320 chủ rừng, cán bộ lâm nghiệp xã và kiểm lâm địa bàn.

Với học sinh, sinh viên, đây được xác định là đối tượng có vai trò quan trọng trong việc tiếp thu, chuyển tải thông tin và tham gia thực hiện có hiệu quả công tác bảp vệ rừng... Kiểm lâm Kon Tum đã phối hợp tốt với ngành giáo dục tổ chức những cuộc thi đố vui, thi tìm hiểu pháp luật lâm nghiệp, những buổi sinh hoạt ngoại khóa, thành lập "Câu lạc bộ xanh" trong trường học... Năm 2009, đã tổ chức được 432 buổi sinh hoạt ngoại khóa về công tác bảo vệ và phát triển rừng tại 18 trường THCS trong tỉnh; 9 cuộc giao lưu và thi tìm hiểu về công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở 9 trường THCS của 9 huyện, thị xã với gần 4 ngàn học sinh và quần chúng địa phương tham gia.

Năm 2010, Kiểm lâm Kon Tum tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục tổ chức xây dựng "Câu lạc bộ xanh" trong học đường. Đây là một hình thức tuyên truyền, giáo dục mới nằm trong chương trình học của học sinh và được xem là buổi học ngoại khóa. Tại các buổi sinh hoạt này, học sinh vừa được tiếp thu kiến thức về rừng và các văn bản luật thông qua hình thức thi giao lưu trao đổi giữa các đội, các thành viên trong trường học, vừa được thực tế tham quan và đánh giá thực trạng rừng ở địa phương mình, tham gia các trò chơi xung quanh chủ đề về rừng... Mục đích của "Câu lạc bộ xanh" nhằm giáo dục nâng cao kiến thức về rừng, kiến thức về pháp luật, kiến thức về môi trường sinh thái... qua đó bồi đắp tâm hồn và nâng cao trách nhiệm của học sinh đối với việc bảo vệ rừng và môi trường sinh thái địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong học đường thông qua hoạt động của "Câu lạc bộ xanh" trong trường học, anh Bùi Minh Châu, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Kon Tum cho biết: Với hình thức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về rừng nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi đã kích thích sự tìm hiểu, tham gia tích cực của các em học sinh. Khi chúng tôi tổ chức các hoạt động này, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía nhà trường và học sinh. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong học đường là rất tốt, bởi sau khi tiếp thu kiến thức, các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, cộng đồng, qua đó vận động được gia đình và cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương.

PHÙNG VĂN MÙI


Số lượt đọc:  426  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:34:52 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH