Số 5

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ công chức Kiểm lâm Bình Định

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 6.039km2, dân số 1,5 triệu người. Diện tích đất lâm nghiệp 320.492ha (chiếm 60,3% diện tích tự nhiên). Độ che phủ của rừng 43,6%. Để quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp như trên, Bình Định cần đội ngũ kiểm lâm khoảng hơn 300 người, có sức khỏe, kinh nghiệp và vững về chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế, những năm qua, Kiểm lâm Bình Định luôn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản. Nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, phân bổ công chức kiểm lâm đã xuất hiện. Công chức, viên chức có chuyên môn nghiệp vụ tập trung ở thành phố, các huyện đồng bằng. Miền núi, hải đảo, tuy đã có chính sách đãi ngộ nhưng một số địa bàn chưa trở thành động lực thu hút công chức, viên chức nên kiểm lâm ở những vùng này dù rất cần nhưng lại mỏng. Công chức, viên chức có trình độ đại học lại càng thấp. Một số công chức, viên chức tuy có thâm niên nghề nghiệp, công tác ở địa bàn miền núi, vùng xa, kinh tế gia đình khó khăn nên không có điều kiện để học tập, bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ. Phần lớn công chức, viên chức được đào tạo từ những năm 90 của thế kỷ XX, tuy có những kiến thức về lĩnh vực được đào tạo, nhưng tính thích ứng với công việc mang tính đa ngành, đa lĩnh vực không cao. Nhiều kỹ sư mới tốt nghiệp còn bỡ ngỡ chưa quen với công việc, chưa nhiệt tình áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Trình độ tin học và ngoại ngữ của nhiều công chức, viên chức kiểm lâm còn thấp.

Để nâng cao chất lượng cán bộ công chức kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Bình Định luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hằng năm, đơn vị chủ động mở các các lớp tập huấn nghiệp vụ cho công chức, viên chức và chủ rừng tại địa bàn các huyện, thành phố. Cử công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Cục Kiểm lâm Việt Nam tổ chức. Khuyến khích tinh thần tự học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. Tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức đi học với nhiều hình thức. Công tác đào tạo cán bộ kiểm lâm còn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh Bình Định. Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để công chức kiểm lâm phát huy hết năng lực của mình trong công tác chuyên môn. Ban hành nhiều chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ công chức học tập và nghiên cứu khoa học; cử nhiều lượt công chức đi học tập, nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn tại các trường trong nước. Chính nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh Bình Định, công chức, viên chức kiểm lâm được tăng cường và phủ ở tất cả các địa phương trong tỉnh, trong đó có những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công chức kiểm lâm hầu hết được đào tạo ở các trường lớp chính quy; có tinh thần học hỏi; kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết với thực hành. Nhiều công chức, viên chức có những sáng kiến kinh nghiệm đem lại hiệu quả cao cho công việc.

Qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đến nay cán bộ, công chức Kiểm lâm Bình Định gồm 1 tiến sĩ, 2 thạc sỹ, 12 người Đại học Lâm nghiệp, 10 người trung cấp kiểm lâm. Về chính trị 20 người cao cấp, 22 người trung cấp. 30 người được tập huấn nghiệp vụ kiểm lâm địa bàn; 15 người được tập huấn nghiệp vụ điều tra hình sự... Đến nay tổng số công chức viên chức có trình độ đại học và trên đại học là 107 người, trung cấp là 108 người.

Trải qua gần 35 năm gắn bó với cơ sở; đội ngũ cán bộ từng bước trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và lực lượng kiểm lâm nói riêng; trong giai đoạn mới đòi hỏi cần phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức hơn nữa, phải tăng cường đào tạo và đào tạo lại để bổ sung kịp thời cho những đơn vị còn thiếu; nhất là địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Thời gian tới, theo kế hoạch, Chi cục Kiểm lâm Bình Định sẽ tiếp tục cử 3 công chức đi học cao cấp chính trị; 15 công chức đi học trung cấp chính trị; 10 công chức đi học lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; 25 công chức đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ kiểm lâm viên chính; 50 công chức đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ kiểm lâm viên; 10 công chức, viên chức học lớp tiếng dân tộc (Ba Na, Hrê, Chăm); 44 công chức, viên chức học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra hình sự và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức kiểm lâm đạt kết quả như mong muốn đề nghị Cục Kiểm lâm Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các trường thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm lâm, đặc biệt là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Nội dung đào tạo phải phù hợp, lý thuyết đi đôi với thực hành tạo điều kiện cho công chức, viên chức sau mỗi khóa học có thể nắm vững kiến thức và làm việc tốt hơn. Cần coi trọng việc đào tạo tiếng của người dân tộc thiểu số. Có kế hoạch đào tạo lại cho những công chức, viên công tác lâu năm trong lực lượng kiểm lâm.

NGUYỄN HIẾU HÒA


Số lượt đọc:  1237  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:36:19 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH