Số 5

Canh tác trên đất dốc, chống sa mạc hóa, giải pháp góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Hiện nay thế giới đang rất quan tâm đến vấn đề thoái hóa đất - sa mạc hóa - biến đổi khí hậu và thiên tai (nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại, hạn hán lũ lụt, dịch bệnh) đang đe dọa cuộc sống con người. Việt Nam là nước tham gia Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc từ năm 2006. Ngày 16/11/2007, Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa - chống thiên tai đến năm 2020 nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế và an sinh xã hội. Được sự hỗ trợ của Dự án ENABLE thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Câu lạc bộ Lâm nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp với tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Canh tác trên đất dốc - chống sa mạc hóa - góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai”. Các báo cáo tham luận và ý kiến của các nhà khoa học, quản lý đã làm rõ các khái niệm về đất dốc, canh tác trên đất dốc, thoái hóa đất, sa mạc hóa, nguyên nhân và tác hại của sa mạc hóa đất đai ở vùng trung du miền núi. Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác các loài cây chịu hạn năng suất cao trên đất dốc.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều rừng và đất lâm nghiệp, năm 1960 toàn tỉnh có 702.101ha, đến năm 1990 còn 658.000ha, năm 2005-2006 sau khi rà soát bổ sung quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh chỉ còn 629.100ha. Trong đó, diện tích có rừng 511.785ha, đất trống đồi núi trọc có 117.315ha. Thanh Hóa có hơn 1 triệu đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng trung du miền núi. Trong vòng 45 năm, từ năm 1960 đến 2005 toàn tỉnh mất đi 73.001ha, đối tượng chủ yếu là rừng tự nhiên giàu gỗ và lâm sản, tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường cao. Những năm vừa qua do tác động của con người vào rừng trái quy luật tự nhiên, khai thác sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai kỹ thuật làm mất rừng và suy thoái môi trường sinh thái, đất rừng bị xói mòn rửa trôi, khô kiệt nguồn nước, không còn khả năng canh tác dẫn đến sa mạc hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt là tác nhân gây ra nhiều hiểm họa vô cùng to lớn cho con người. Hạn hán và sa mạc hóa là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở Thanh Hóa, đứng thứ ba về mức độ thiệt hại sau bão và lũ lụt. Thiên tai này có năm đã làm giảm từ 25% đến 30% năng suất cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Việc chống hạn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước, các hồ chứa nước ở thượng nguồn cạn kiệt do rừng đầu nguồn bị tàn phá, diện tích rừng trồng hiện có gần 150.000ha nhưng tác dụng phòng hộ, giữ nước giữ đất thấp so với rừng tự nhiên. Đây thực sự là nỗi lo không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, không chỉ của người dân Thanh Hóa mà hiểm họa chung của cả nước.

Chống thoái hóa đất, sa mạc hóa, giảm thiểu thiên tai do biến đổi khí hậu, phải đảm bảo cho được mục tiêu về an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo đối với nhân dân miền núi. Để bảo vệ được rừng và góp phần chống sa mạc hóa, Nhà nước cần có chính sách đầu tư khoa học, khuyến khích thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đổi mới cơ cấu cây trồng, đưa các loài cây có tính chịu hạn lên vùng đất dốc để tăng thu nhập, khắc phục tình trạng khai thác lâm sản trái phép, đốt phá rừng làm nương rẫy, thực hiện tốt việc bảo vệ phát triển rừng. Trong thời gian chưa có sản phẩm thu hoạch từ rừng để hưởng lợi theo quy định thì được Nhà nước hỗ trợ để có lương thực ăn. Về phía Nhà nước, cần tổ chức rà soát lại các chính sách đã và đang thực hiện như giao đất giao rừng, định canh định cư, tái định cư, mở rộng các vùng cây công nghiệp... có liên quan đến canh tác trên đất dốc nhưng chưa có cuộc sống ổn định thì phải điều chỉnh để mang lại lợi ích cho xã hội và người dân miền núi. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, ngăn chặn có hiệu quả nạn đốt phá rừng làm nương rẫy, làm suy giảm vốn rừng, suy giảm chức năng phòng hộ của rừng, nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sa mạc hóa. Tăng nhanh tiến độ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng kinh phí đầu tư, kiên quyết bảo vệ rừng. Nếu không bảo vệ được vốn rừng hiện có thì việc đầu tư phát triển rừng sẽ vô nghĩa, nguy cơ sa mạc hóa là tất yếu. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban Dân tộc và Miền núi cần có kế hoạch điều tra, đánh giá thực trạng tình hình nương rẫy, canh tác trên đất dốc và nạn sa mạc hóa đất đai trên phạm vi toàn quốc, chỉ đạo xây dựng qui hoạch làm nương rẫy cho từng vùng cụ thể nhằm đảm bảo tính bền vững, dài lâu trong phát triển nông - lâm nghiệp. Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất nông lâm nghiệp và canh tác nương rẫy cố định, chấm dứt nạn đốt phá rừng làm nương rẫy du canh; chỉ đạo canh tác trên đất dốc theo mô hình RVC (ruộng bậc thang - vườn đồi - vườn rừng - chăn nuôi) đây là mô hình canh tác bền vững, có điều kiện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, nâng cao năng suất, nâng cao cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có phương án cụ thể phòng chống lũ quét, lũ ống cho các vùng xung yếu ở miền núi, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho dân và quan trọng hơn là phải chỉ đạo cụ thể, đi đôi với kiểm tra đôn đốc giám sát thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo khẩn cấp với Chính phủ về tình hình chặt phá rừng và chống người thi hành công vụ. Việc tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương trên vừa ngăn chặn được nạn phá rừng, vừa ngăn chặn thoái hóa đất đai ở vùng trung du miền núi, góp phần quan trọng thực hiện chương trình hành động quốc gia của Chính phủ về phòng chống sa mạc hóa, giảm nhẹ thiên tai.

KHƯƠNG BÁ TUÂN


Số lượt đọc:  1354  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 11:33:08 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH