Số 4

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau: Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ tám của Việt Nam

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cách thành phố Cà Mau 120km về phía Tây Nam. Vùng đất Mũi Cà Mau ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp nên thơ, bên trong nó còn chứa đựng sự đa dạng về cảnh quan, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học hiếm có, ở đây có nhiều vùng sinh quyển độc đáo. Sự độc đáo của Mũi Cà Mau là vùng sinh thái bãi bồi, rừng ngập mặn ven biển, vùng sinh sản và trú ngụ của các loài thủy sinh vịnh Thái Lan, điểm dừng chân và trú ngụ của nhiều loài chim di trú quí hiếm trên thế giới.

Chính những đặc điểm đó mà vào lúc 11h 20' ngày 26/5/2009 (giờ Hàn Quốc), trong khuôn khổ kỳ họp thứ 21 của ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển (MAB - ICC thuộc UNESCO) diễn ra tại đảo JeJu (Hàn Quốc) từ ngày 25 đến 29/5/2009 đã công nhận Cù Lao Chàm và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phiên họp MAB - ICC lần này công nhận 22 khu dự trữ sinh quyển mới của 17 quốc gia, nâng tổng số các khu dự trữ sinh quyển trên thế giới là 553 (107 quốc gia). Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong 22 địa danh được bầu chọn trong tổng số 32 địa danh của 21 nước đề cử lần này. Theo tiêu chí của UNESCO, để được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới phải là khu vực có nhiều hệ sinh thái đại diện cho những vùng địa lý sinh học chính, kể cả mức độ suy giảm do tác động của con người; có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội để thể hiện tiếp cận phát triển bền vững cho một vùng; có diện tích thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển trong 3 vùng (lõi, đệm và chuyển tiếp); có cơ chế thực hiện sự tham gia của cộng đồng được thể hiện trong cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý, các chương trình nghiên cứu, giám sát, giáo dục và đào tạo.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có quy mô trên 371.500ha với ba vùng: vùng lõi 17.330ha, vùng đệm 43.300ha và vùng chuyển tiếp 310.870ha. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven Biển Tây. Nơi đây có các hệ sinh thái đặc trưng điển hình như hệ thống diễn thế rừng nguyên sinh trên đất bãi bồi, hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn theo chế độ thủy triều sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa, hệ sinh thái biển là vùng sinh sản và nuôi dưỡng con giống tự nhiên các loài thủy hải sản cho cả vùng biển phía Đông, phía Tây Mũi Cà Mau và vùng Vịnh Thái Lan.

Như vậy, từ năm 2000 đến nay Việt Nam đã có tổng số 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới là: Rừng ngập mặn Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh (được bầu chọn tháng 01/2000), Quần đảo Cát Bà - Hải phòng (được bầu chọn tháng 12/2004), Châu thổ Sông Hồng - đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng (được bầu chọn tháng 12/2004), Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang - ven biển và các đảo của Kiên Giang (được bầu chọn tháng 10/2006), Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (được bầu chọn tháng 9/2007) và thứ 8 là khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm - Quảng Nam và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập ngày 14/7/2003 trên cơ sở nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi. Vườn nằm trên địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Tổng diện tích tự nhiên là 41.862ha; trong đó phần trên đất liền 15.262ha, phần ven biển 26.600ha. Các phân khu chức năng trên phần đất liền: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.203ha; phân khu phục hồi sinh thái 2.859ha; phân khu hành chính dịch vụ 200ha. Phân khu chức năng phần trên biển: chủ yếu là bảo tồn tài nguyên sinh vật biển và hệ sinh thái ven bờ, duy trì và nghiên cứu quá trình địa mạo và sinh thái tự nhiên. Vườn quốc gia còn có vùng đệm với tổng diện tích là 8.194ha, nằm trên địa bàn các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Mục tiêu và nhiệm vụ của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau: Bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước vùng đất mũi đang trong quá trình diễn thế tự nhiên. Phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước. Qua đó cải thiện điều kiện sống của nhân dân trong vùng. Phát huy vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường, hạn chế xói lở, thúc đẩy quá trình bồi tụ bờ biển, để bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân các vùng đất liền, bảo vệ khu cư trú của ngư dân ở vùng ven biển, tạo nền tảng cho quá trình phát triển bền vững ở vùng ven biển. Bảo vệ đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú cho các loài sinh vật ở vùng ven biển, các loài chim nước di cư, cung cấp dinh dưỡng cho các loài thủy sản, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất ở vùng ven biển. Xây dựng cơ cấu xã hội nghề rừng ổn định, phù hợp với các mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc cải thiện và nâng cao tính bền vững của các hệ canh tác lâm - ngư nghiệp, tăng năng suất của rừng để nâng cao lợi ích kinh tế của những diện tích rừng ngập mặn ở vùng đệm. Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm không ngừng cải thiện điều kiện sinh sống của nhân dân trong vùng. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về các giá trị của rừng và của hệ sinh thái đất ngập nước và các phương pháp sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước. Củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội vùng cực nam của Tổ quốc.

Đa dạng sinh học đặc trưng là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và rất quan trọng trong phòng hộ bờ biển, chắn gió, chắn sóng chống xói lở, cố định đất trong quá trình hình thành đất liền tiến ra Biển Đông. Đây là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn da dạng sinh học của nước ta, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Tạo nên một vùng sinh thái cửa sông, ven biển duy nhất ở Việt Nam với những nét đặc trưng của hệ động thực vật rừng ngập mặn.

Hệ thực vật ở đây có 22 loài ngập mặn đã được phát hiện, trong đó chiếm ưu thế thuộc về loài đước (Rhizophora apiculata), mắm trắng (Avicennia alba), mắm (A. officinalis), mắm ổi (A. marina), trang (Kandelia candel) với quần thể thực vật gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, cây vẹt và rừng mấm. Cây mấm là loài tiên phong lấn biển có hệ thống rễ đặc biệt giữ đất bãi bồi, chống xói lở và hình thành các dãy rừng phòng hộ ven biển. Ngoài cây đước, thảm thực vật ở rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn có vẹt, sú, bần, cóc, chà là, dương xỉ, nhiều loại dây leo…Theo các nhà khoa học, hệ thống rừng ngập mặn ở đây được cho là đa dạng thứ hai thế giới, chỉ kém rừng ngập Amazon ở Nam Mỹ.

Hệ động vật, với lớp thú có 13 loài thuộc 9 họ. Trong đó có một số loài nằm trong sách đỏ thế giới (IUCN) như: khỉ đuôi dài (Macaca Fascicularis), voọc bạc (cà khu), nhọ nồi (Trachypithecus Cristatus) và nhiều loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam; lớp chim có 74 loài thuộc 23 họ, trong đó có một số loài quí hiếm như cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), choắt mỏ cong hông nâu (Numeniusmadagascariensis), rẽ mỏ rộng (Limnodromus semipalmatus), bồ nông chân xám - còn gọi là chàng bè (Pelecanus philippensis), cò lạo ấn Độ (giang sen) - (Mycteria leucocephala), diệc mốc (Egretta gularis) và quắm đầu đen (Threskiornis melanocephalus), quần xã chim trong sinh cảnh rừng ngập mặn đặc trưng với các loài phổ biến như chích bông nâu (Orthotomus ruficeps), vành khuyên họng vàng (Zosterops palpebrosa) và rẻ quạt java (Rhipidura javanica); bò sát có 17 loài thuộc 9 họ, nhiều loài bò sát ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Có 5 loài lưỡng cư thuộc 3 họ; 14 loài tôm; 175 loài cá thuộc 116 giống và 77 họ; 133 loài động, thực vật phiêu sinh. Động vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có số lượng cá thể từng loài lớn. Đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, quí khách có thể dễ dàng bắt gặp nhiều loại đặc sản của Cà Mau như: rắn, rùa, trăn, cua biển, ba khía, ốc len, dọp, sò huyết, nghêu, cá ngát, cá đuối, cá nâu, cá mú, cá thòi lòi...

Đặc biệt, diện tích đất liền của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau không ngừng được mở rộng một cách tự nhiên, hàng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng vài chục mét bằng nguồn phù sa do hệ thống sông, kênh, rạch bồi đắp dưới sự giúp sức của bộ rễ phù sinh của rừng mắm, đước ven biển. Với những đặc tính quí giá về sự đa dạng sinh học và điều kiện lập địa hiếm có nên Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xứng đáng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

LÂM NGỌC KIÊN


Số lượt đọc:  4749  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 02:45:19 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH