Số 4

Viết về những người bảo vệ rừng Nghi Xuân

Cứ đến Nghi Xuân là người ta nghĩ đến biển, ít ai nghĩ đến rừng. Vậy mà Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân lại có khối chuyện bảo vệ những cánh rừng trồng trong mùa khô hạn. Anh Nguyễn Huy Thiện, hạt trưởng tâm sự: "Dầu ở đâu cũng thế, nếu không có lòng yêu nghề thì giao phó nhiệm vụ gì cũng khó hoàn thành. Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân từ ngày tôi về làm hạt trưởng bằng việc tự chủ và điều hành công việc linh hoạt nên sớm lấy lại lòng tin của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân". Tôi được biết anh Thiện khi còn ở Hạt Kiểm lâm Đức Thọ, năm nào đơn vị của anh cũng được cấp trên khen thưởng về công tác bảo vệ rừng. Bây giờ người hạt trưởng này đã sắp bước vào tuổi lục thập nhưng lòng nhiệt huyết của anh vẫn như thời trai trẻ. Nghi Xuân không có những cánh rừng đại ngàn để khai thác, nhưng số diện tích rừng trồng cũng làm cho cán bộ kiểm lâm phải làm việc từ đêm sang ngày từ tuần sang tháng. Toàn huyện hiện nay có diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 7.800ha, trong đó hơn 4.500ha rừng trồng bao gồm các loài thông, keo, bạch đàn. Hạt trưởng Nguyễn Huy Thiện tiết lộ thêm cho chúng tôi: "Để phủ cho hết màu xanh của một địa bàn bé nhất tỉnh cũng rất vất vả bởi đang còn gần 3.300ha đồi trọc. Đồi trọc chưa có màu xanh của rừng chỉ có lau lách sim mua, loại cây hoang dại này nếu gặp được nắng gió, gặp lửa thì dễ phát hỏa lớn lắm". Thế nhưng Nghi Xuân có lẽ nêu tấm gương cho người gần kẻ xa đến học tập kinh nghiệm bởi thành tích 10 năm không để xảy ra cháy rừng. Tôi đã từng leo lên tận đỉnh núi Hồng ngắm sông La và thật sự cảm kích màu xanh bao la ở đây. Màu xanh bất diệt được kết tinh bằng công sức bứng từng bầu thông vun trên sỏi đá của bao lớp người đi trước, màu xanh bất diệt của những người cán bộ, nhân viên kiểm lâm biết giữ rừng như giữ ngôi nhà mình ở. Màu xanh bất diệt của ý thức lòng dân Nghi Xuân khi hiểu lá phổi xanh từ rừng phi lao ven biển đến một dải non hồng cho ta lợi ích gì.

Trở lại câu chuyện phòng cháy chữa cháy rừng, những ngày cao điểm cháy rừng luôn là vấn đề thời sự nhất. "Nhất thủy nhì hỏa" việc gì cán bộ lãnh đạo chủ chốt huyện Nghi Xuân cũng lo. Việc lo không phải dày công văn chỉ thị rồi nằm im trên bàn, việc lo cũng nóng lên như lửa từ huyện tới xã, từ xã tới thôn. Nghi Xuân coi việc phòng cháy chữa cháy rừng như một mặt trận, đã gọi là mặt trận thì phải có chỉ huy. Với 13 ban chỉ huy cùng lực lượng hùng hậu 145 người phủ kín từ huyện tới xã. Ban chỉ huy cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân làm trưởng ban. Thực tế qua nhiều năm mà một cán bộ ở phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân cho hay: Chọi với lửa không chỉ bằng sức người với các vật dụng như dao, rựa, gậy, xe phun nước mà còn ở tính phát hiện sớm. Chính hiểu được cách làm này mà đội xung kích của huyện bao giờ cũng có lệnh là đi, tư thế luôn sẵn sàng. Mười ba đội xung kích với 318 người những ngày cao điểm cháy rừng ít có những giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần một cú điện thoại là tất cả lên đường. Họ đã được tập duyệt kỹ thuật phòng cháy chữa cháy rừng qua bao lớp tập huấn. Nhưng tất cả đều khẳng định rằng: Nếu lửa trái tim mình lạnh thì lửa từ que diêm nhỏ có thể đốt cháy rừng.

Đi leo núi cùng tôi, một cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện bảo: "Anh nhìn thấy chỗ ni là lau lách um tùm, chỗ này cỏ héo chỉ cần sơ suất là vài chục hécta thông sẽ bị thiêu trụi trong khoảnh khắc. Nhưng qua tuyên truyền vận động, nhân dân Nghi Xuân gia đình nào cũng giác ngộ được. Không ai bất mãn cầm lửa đang tâm đốt rừng. Điều hay nữa là việc giáo dục con cái, khi nhàn rỗi họ biết sắp xếp cho con mình những công việc phụ để không còn thời gian rỗi lêu lổng". Anh cán bộ kiểm lâm tiếp lời: "Chúng tôi thường xuyên vào rừng kiểm tra, một điều đáng mừng là không thấy một cậu học sinh nào đưa trâu bò lên chăn trên đồi núi này, nói gì đến chuyện săn động vật rừng hay đốt ong làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng". Tổ ong làm mật trên cây nơi nào chẳng có, chỉ có điều tối kỵ là đốt ong làm cháy rừng. Ngay từ cấp tiểu học, các em đã được học tập về Luật bảo vệ và phát triển rừng, những quy định về phòng cháy chữa cháy rừng. Năm học 2008 - 2009 đã có 18 trường, 16.570 học sinh tham gia ký cam kết bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Lời hứa nằm trong đầu, lời hứa dán trên vách và ở đâu lời hứa cũng nhắc nhở mình phải biết làm theo. Trên đỉnh núi cao vời vợi những tấm biển lại ngời ngời trong nắng lửa "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý". Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu càng thức tỉnh lương tri cộng đồng.

Những ngày hạn kiệt trên đất Nghi Xuân càng gay gắt hơn, thời tiết càng khắc nghiệt cán bộ kiểm lâm càng vất vả. Chòi canh lửa giống như điểm chốt của người chiến sỹ ở chiến trường. Đứng trên chòi canh lửa giơ ống nhòm lên quan sát các anh đã thấy rõ mồn một những gì khi cánh rừng đang có nguy cơ phát lửa. Chịu đựng nắng trời hoa cả mắt, chịu đựng những cơn khát khô cả họng đó là chuyện thường tình của người kiểm lâm gác trên chòi canh lửa rừng. Ngày nọ tiếp ngày kia, người thay người đổi gác. Mỗi lần thay phiên nhau người trước lại dặn dò người sau không được lơ là nhất là thời điểm nửa đêm về sáng. Những gì đã chuẩn bị sẵn sàng trước mùa nắng nóng khô hạn này chưa phải là điều quyết định để giặc lửa không tràn vào. Cả huyện Nghi Xuân, các ngành, các cấp đều có chung một nỗi lo thường trực. Nghi Xuân đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện dự phòng sẵn sàng tham gia chữa cháy nếu xảy ra cháy lớn. Cán bộ kiểm lâm Nghi Xuân ngoài nhiệm vụ trực tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng còn tham gia tích cực kiểm tra, giám sát các điểm trực cháy của các xã, thị trấn và chủ rừng. Đi đến nơi, về đến chốn, duy trì chế độ báo cáo hàng ngày với ban chỉ huy đó vừa là nguyên tắc vừa là mệnh lệnh. Những thông tin cảnh báo về diễn biến phức tạp của thời tiết, những điều cần phải làm ngay, những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đều được Đài Truyền thanh, Truyền hình Nghi Xuân và các xã phổ biến kịp thời, tất cả vì màu xanh quê hương...

PHAN THẾ CẢI


Số lượt đọc:  815  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 02:36:25 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH