Số 4

Vai trò của nhân viên bảo vệ rừng cấp xã ở Hải Lăng

Huyện Hải Lăng nằm về phía Nam tỉnh Quảng Trị, có tổng diện tích tự nhiên 48.944ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 24.451ha. Đất có rừng 21.564ha (rừng tự nhiên 3.062ha, rừng trồng tập trung 18.502ha, độ che phủ trên 42%. 18/21 xã, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp. Huyện có hơn 1.918ha rừng thông nhựa thuần loài rất dễ cháy, khi cháy rất khó kiểm soát và dập tắt ngọn lửa. Hàng năm, thời tiết diễn biến phức tạp, mùa hè gió Lào khô, nóng, nhiệt độ có ngày lên tới 40oC, tốc độ gió có khi đến cấp 5-6 tập trung vào các tháng cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8; ẩm độ thấp, làm cho lớp thảm thực vật khô kiệt, nguy cơ cháy rừng cao, rất dễ xảy ra nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được đặt lên hàng đầu và quan tâm đúng mức.

Công tác quản lý bảo vệ rừng kể từ năm 1998 trở về trước hầu hết do các chủ rừng quản lý và bảo vệ. Bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ của kiểm lâm. ý thức bảo vệ rừng của người dân giai đoạn này rất hạn chế, thậm chí còn xem thường. Số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng bị phát hiện và xử lý rất cao, bình quân khoảng 70 vụ một năm. Sau khi có Thông tư số 12/1998/TT-BLĐ-TBXH ngày 6/10/1998 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn chế độ đối với những người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Đối tượng xác định những khu rừng xung yếu, trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong các tháng cao điểm mùa khô trên địa bàn huyện tập trung vào 8 xã vùng gò đồi. Năm (1999-2004) toàn huyện được hợp đồng từ 10-12 suất bảo vệ rừng nhưng từ năm 2005 đến nay số lượng hợp đồng tăng lên 14 suất/năm. Việc cho phép Chủ tịch UBND cấp xã ký hợp đồng với những người làm công tác chuyên trách bảo vệ rừng ở các xã vùng xung yếu, trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng đã hạn chế số vụ cháy rừng hàng năm, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng năm sau thấp hơn năm trước. Các lâm phần trong mùa nắng nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng hàng ngày được lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra, kiểm soát tương đối chặt chẽ, đạt yêu cầu hợp đồng đã ký kết. Đây cũng là lực lượng bảo vệ rừng đắc lực giúp cho chính quyền cấp xã trong công tác PCCCR hàng năm, hạn chế thấp nhất số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng và thiệt hại do cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Các suất hợp đồng bảo vệ rừng có năng lực, tinh thần trách nhiệm, tác phong trong công tác, sinh hoạt đúng đắn, luôn có ý thức chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND xã và kiểm lâm địa bàn. Chủ động trong công tác kiểm tra, kiểm soát người vào rừng, theo dõi lửa rừng trong khu vực quản lý, phối kết hợp, thông tin kịp thời, chính xác với BCH PCCCR cấp xã, các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, kiểm lâm phụ trách địa bàn để thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn xã, hầu hết các vụ cháy, điểm cháy rừng đều do các suất khoán bảo vệ rừng tuần tra phát hiện và báo cho BCH PCCCR và UBND xã kịp thời huy động lực lượng địa phương cứu chữa, dập tắt đám cháy nên không gây thiệt hại đến diện tích cũng như tài nguyên rừng. Điển hình như vụ cháy rừng ở thôn Lương Điền xã Hải Sơn, thôn Trường Phước xã Hải Lâm, thôn Vực Kè xã Hải Chánh, lực lượng tham gia cứu chữa 150 người/vụ... Các suất khoán bảo vệ rừng không ngại khó, ngại khổ, luôn chủ động trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôn trọng ý kiến của nhân dân, có thái độ cư xử tốt đối với nhân dân. Luôn kiểm tra nhắc nhở người dân ra vào rừng nhất là trong các tháng mùa khô, nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Điển hình có ông Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Hiểu, Lê Văn Thiệt, Nguyễn Hải... là người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có năng lực thực tiễn được hợp đồng qua nhiều năm, việc nắm bắt tình hình địa bàn rất sâu sát và chính xác.

Trình độ học vấn đối với những suất hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng không đồng đều (lớp 5 đến lớp 12), nhưng là những người có ý thức trách nhiệm cao, có năng lực trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Tuy trình độ học vấn hạn chế, nhưng không vì thế mà họ phó mặc công việc khó khăn hay bỏ bê cho kiểm lâm, UBND các xã, mà họ có trách nhiệm với địa bàn mình quản lý, họ có kinh nghiệm từ thực tin, là những người say mê, yêu thích, gắn bó với nghề rừng nên hiệu quả công tác cao. Hầu hết những suất được xã chọn làm công tác bảo vệ rừng là những người lớn tuổi (35-60 tuổi) nhưng là những người có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, tháo vát, am hiểu địa bàn, đủ sức khỏe để đảm nhận công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn xã giao phụ trách. Là những người hầu hết lớn tuổi, tuy vậy họ đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao đặc biệt là công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người dân vào rừng trong những tháng mùa khô nên tình trạng phá rừng, đốt ong lấy mật, rà tìm phế liệu chiến tranh, chặt củi... dẫn đến cháy rừng trên địa bàn hàng năm giảm đi đáng kể như năm 2000, 2005, 2008 trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào làm thiệt hại đến tài nguyên rừng, những người làm công tác hợp đồng bảo vệ rừng đều có trách nhiệm đối với địa bàn mình quản lý, công tác phối hợp giữa các suất bảo vệ rừng của địa bàn xung quanh trong việc bảo vệ rừng được thực hiện tốt nhờ đó họ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND xã ký hợp đồng những người làm công tác chuyên trách bảo vệ rừng ở những vùng xung yếu, trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong các tháng mùa khô là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi các chủ rừng chưa đủ năng lực bảo vệ rừng, PCCCR. Mức phụ cấp của suất hợp đồng thấp, phương tiện đi lại không có nhưng không vì vậy mà các suất hợp đồng làm kém hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Họ vẫn hoạt động tích cực, đảm bảo các quy định của hợp đồng đã ký, thường xuyên phối kết hợp với thôn, kiểm lâm viên địa bàn tuần tra canh gác, góp ý kiến trong việc xây dựng, mua sắm, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCCR hàng năm, bảo vệ tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị PCCCR ở cơ sở để phục vụ việc chữa cháy rừng đượt tốt hơn, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là những người dân sống gần rừng và ven rừng có ý thức trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR trong các tháng mùa khô đặc biệt là những ngày nắng nóng cao điểm. Do đó trong các năm qua số vụ cháy rừng trên địa bàn đã giảm mạnh. Thường xuyên có mặt tại địa điểm chòi canh lửa hoặc đúng nơi quy định (địa bàn không có chòi canh lửa) ở những thời điểm nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh có nguy cơ cháy rừng cao nhằm phát hiện sớm khi có lửa rừng xuất hiện. Kiểm tra nhắc nhở, đẩy đuổi các đối tượng ra vào rừng khai thác phế liệu chiến tranh, chặt củi, đốt than, đốt ong... ra khỏi rừng, nhất là trong các tháng mùa khô, nhắc nhở người dân có ý thức trong việc dùng lửa trong rừng để đốt thực bì, đốt nương làm rẫy... tránh tình trạng gây ra cháy rừng làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Bảo vệ diện tích rừng đúng như trong hợp đồng đã ký kết. Tích cực tuần tra canh gác, trực PCCCR 24/24h trong những ngày nắng nóng cao điểm. Hàng tháng các suất nhận khoán bảo vệ rừng tham gia trực báo, báo cáo bằng văn bản kết quả đạt được trong tháng đồng thời đề nghị với lãnh đạo Hạt những vướng mắc trên địa bàn để lãnh đạo Hạt chỉ đạo giải quyết. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR nên năm 2008 trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nào làm thiệt hại đến tài nguyên rừng.

NGUYỄN THỊ TUYỀN


Số lượt đọc:  450  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 02:42:27 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH