Số 4

Tin hoạt động

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát động Tết trồng cây Xuân Canh Dần 2010. Sáng ngày 20/02/2010, tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Canh Dần 2010 với chủ đề "Trồng cây trồng rừng để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu". Tham dự lễ phát động có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Đinh Văn Cương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam... cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và học sinh trên địa bàn huyện Duy Tiên. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước trồng càng nhiều cây càng tốt, trồng bất cứ nơi đâu và nơi nào có thể, làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn biến đổi khí hậu; trồng rừng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đem lại lợi tích to lớn cho đất nước, cho nhân dân. Chủ tịch nước biểu dương những thành tựu mà ngành lâm nghiệp đã đạt được; biểu dương Hà Nam là một tỉnh đồng bằng, nhưng đã tích cực trồng cây gây rừng. Phát biểu hưởng ứng tại buổi lễ, đồng chí Cao Đức Phát khẳng định: Rừng Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của đất nước. Chế biến gỗ trở thành ngành thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu đạt 2,7 tỷ đô la mỹ mỗi năm. Ngoài giá trị về gỗ, rừng còn là lá chắn cho đất nước trước sự biến đổi của thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang và sẽ cố gắng làm hết sức mình để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sau Lễ Phát động, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đại biểu trồng cây tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II.

Hà Bình

Cục Kiểm lâm và Kiểm lâm 6 tỉnh phía Bắc tham gia Tết trồng cây Xuân Canh Dần năm 2010. Hưởng ứng Tết Trồng cây do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát động, vừa qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Cục Kiểm lâm và Chi đoàn thanh niên các đơn vị kiểm lâm (Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, cơ quan kiểm lâm vùng II) do đồng chí Nguyễn Văn Cương, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm làm trưởng đoàn đã hành hương về Khu tưởng niệm mười cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tham dự Tết trồng cây Xuân Canh Dần năm 2010. Ngoài tham dự trồng cây, các đại biểu đã ôn lại truyền thống hào hùng của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng cho toàn thể nhân dân, nhất là những người làm công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhân dịp đầu Xuân Canh Dần 2010, nhiều đơn vị kiểm lâm trong cả nước đã tham mưu cho các tỉnh phát động Tết trồng cây tại địa phương.

Cục Kiểm lâm thăm hỏi gia đình đồng chí Lê Văn Phượng. Nhân dịp Xuân Canh Dần, vừa qua Cục Kiểm lâm, Công đoàn cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tới thăm và động viên gia đình đồng chí Lê Văn Phượng, kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hy sinh khi thi hành công vụ và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, Kiểm lâm các thời kỳ, các gia đình kiểm lâm có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là truyền thống, thể hiện sự động viên, tình đồng chí, đồng đội của Kiểm lâm Việt Nam.

Vài thông tin về vụ cháy rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên: Vụ cháy rừng xảy ra ngày 8/2/2010 bùng phát từ tiểu khu 286 thôn Ma Quái Hồ, do thời tiết nắng nóng kéo dài từ nhiều tháng, gió lớn, địa hình phức tạp, xa khu vực dân cư đã mau chóng lan rộng ra các tiểu khu 291, 287, 295B, 320, tạo ra một chuỗi đám cháy trong vùng lõi của vườn. Ngày 12/2/2010, một điểm cháy khác xuất phát từ địa phận thôn Chu Va (Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) thuộc các tiểu khu 221/259 và tiểu khu 193b/252, phía tây Vườn quốc gia Hoàng Liên. Vụ cháy rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên nằm ngoài khả năng chữa cháy của tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, lãnh đạo Cục Kiểm lâm, các đơn vị quân đội đã đến Lào Cai trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng. Ngoài lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ của huyện Sa Pa và Tam Đường với trên 3.000 người, Quân khu II đã điều 1.200 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174 tiếp viện cho tỉnh Lào Cai tham gia chữa cháy rừng sườn Đông, Trung đoàn 882 cử 400 chiến sĩ tiếp viện cho tỉnh Lai Châu chữa cháy rừng sườn Tây. Ngoài ra còn có 3 máy bay trực thăng làm nhiệm vụ trinh sát, cứu hộ cứu nạn và tiếp tế lương thực. Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng bộ đội chủ lực, dân quân, tự vệ và động viên, Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu II tham gia chỉ huy đánh chữa cháy rừng. Lực lượng chữa cháy rừng ở khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên vừa qua đã sử dụng nhiều phương pháp: Dập lửa trực tiếp, đốt chặn, phát đường băng cản lửa... Do địa hình phức tạp, gió lớn, không có nguồn nước để dập lửa, máy bơm nước, cưa xăng, máy bay trực thăng không phát huy hiệu quả. Người dập lửa chỉ tiếp cận được các đám cháy nhỏ, gió núi lại luôn đổi chiều khiến nhiều đám cháy cứ luẩn quẩn trong rừng. Nhiều người bị thương do đá lăn, cây đổ, nghẹt thở vì khói bụi và thiếu ôxy. Các cánh quân chữa cháy không cho phép mọi người tiếp cận các đám cháy to, gió liên tục đổi chiều. Nhiều lô rừng cháy hết mà không tiếp cận chữa được, lửa chỉ tắt khi gặp các khe suối, hoặc rừng già ẩm ướt lực lượng chữa cháy mới tiêp cận để dập lửa. Sau 8 ngày vụ cháy rừng Hoàng Liên mới được không chế hoàn toàn. Thiệt hại về rừng ước tính khoảng 700ha

Xe Camry chở gần 300kg động vật quý hiếm. Tối 7/12/2009, lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ một xe ôtô camry chở 54 con tê tê nặng gần 300kg trên quốc lộ 8A. Khi bị Công an yêu cầu dừng lại, 2 người trên xe mở cửa chạy xuống ruộng tẩu thoát trong bóng tối. Ngoài số tê tê trong túi lưới để phía sau xe, lực lượng chức năng còn phát hiện trên xe có nhiều biển kiểm soát bị nghi là giả ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa... trong số này có nhiều biển xanh của xe công vụ. Sáng 8/12/2009, số tê tê trên bàn giao sang Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh để thả về rừng. Cơ quan chức năng nhận định, số hàng này vận chuyển từ biên giới Lào về. Vụ việc do Phòng cảnh sát môi trường công an Hà Tĩnh phối hợp với Kiểm lâm huyện Hương Sơn bắt giữ.

Kon Plông, Kon Tum: phá rừng lấy đất sản xuất nương rẫy rất phức tạp. Trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum một số diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất đã bị chặt phá ngổn ngang để lấy gỗ và đất sản xuất, làm thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng phòng hộ của địa phương và tạo nên sự phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng. Theo người dân địa phương, trước đây khi còn là rừng phòng hộ, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ thì được trả tiền công hàng năm nên có trách nhiệm. Nay chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, người dân không còn được nhận tiền công quản lý, bảo vệ nên rừng “vô chủ”, không ai có trách nhiệm đã xảy ra tình trạng chặt phá rừng để lấy gỗ và đất sản xuất. Việc phá rừng để lấy gỗ và đất sản xuất của người dân, chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện đã biết, có nhiều vụ bắt được đối tượng vi phạm. Nhưng những trường hợp vi phạm này chỉ xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đối tượng vi phạm là người dân địa phương hoàn cảnh nghèo khổ, không có tài sản gì để thi hành xử phạt, vì vậy hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ bị cảnh cáo, nhắc nhở nên tính răn đe không cao, vi phạm cứ tái diễn. Thực tế này đòi hỏi chính quyền, các ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu, hài hòa để vừa giữ được rừng, vừa giải quyết được cuộc sống cho người dân, có như vậy mới làm yên lòng trên 98% dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Plông.

Hưng Nhiên

Lâm Đồng. Thu giữ 10m3 gỗ quý hiếm. Chiều 8/12/2009, trên quốc lộ 20, lực lượng Kiểm lâm cơ động Lâm Đồng đã bắt giữ ôtô tải đang vận chuyển trên 10m3 gỗ thuộc nhóm quý hiếm. Chiếc xe bị bắt giữ hiệu Maz, màu trắng, đang vận chuyển trái phép một số lượng lớn gỗ không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, trên xe chứa trên 10m3 gỗ bằng lăng (nhóm 3). Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý. Theo Kiểm lâm Lâm Đồng, trước đó tại hai lâm phần của Ban quản lý rừng Lán Tranh (huyện Lâm Hà, giáp với huyện Di Linh) và Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), phát hiện một lượng lớn gỗ bị chặt hạ trái phép lên đến 120m3.

Quốc Dũng

Hoài Ân, Bình Định. Xử tù đối tượng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ngày 26/01/2010, Tòa án nhân dân huyện Hoài Ân đã mở phiên tòa xét xử công khai Nguyễn Văn Nam ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định tuyên phạt 6 tháng tù giam. Theo bản án, ngày 03/9/2009, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bình Định phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hoài Ân kiểm tra phát hiện tại cơ sở cưa xẻ gỗ của Nguyễn Văn Nam có cất giấu gỗ trái phép với khối lượng 28,828m3 gỗ quy tròn (nhóm III và nhóm VIII). Vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra Công an huyện Hoài Ân khởi tố vụ án. Đây là vụ án mà các ngành nội chính Hoài Ân chọn làm án điểm. Mức án là nghiêm minh và là cảnh tỉnh với những người cố tình vi phạm luật pháp lâm nghiệp.

Huỳnh Bảo Ly

Kiểm lâm Kiên Giang. Thả 4 con khỉ đuôi dài nuôi trái phép về rừng. Chiều 28/1/2010, tại xã Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cơ quan chức năng vừa thả 4 con khỉ đuôi dài (mỗi con nặng 5kg) về rừng. Số khỉ này trước đó được một hộ dân đảo Hòn Tre nuôi nhốt nhưng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Đây loài động vật quí hiếm cần được bảo vệ, riêng 4 con khỉ vừa được thả về rừng lần này có tuổi thọ khá cao và có thể tồn tại nhiều năm trên các hòn đảo ở huyện Kiên Hải. Theo khảo sát hiện huyện đảo này tồn tại một số loài động vật hoang dã như khỉ, chồn, heo rừng, tắc kè, trăn, rắn... và sống tập trung tập trung tại các đảo lớn Hòn Tre, Hòn Lại Sơn và quần đảo Nam Du. Riêng khỉ đuôi dài có số lượng nhiều nhất khoảng 1.000 con tập trung ở 2 xã đảo Hòn Tre và Lại Sơn. Loài khỉ vùng hải đảo này có đời sống khá thân thiện với con người, vì thế những năm gần đây đàn khỉ đang tăng dần số lượng và được chính quyền địa phương cùng người trên đảo bảo vệ khá tốt.

Rừng gỗ tếch ở Đồng Nai bị chặt phá. Do quản lý lỏng lẻo và xử lý thiếu kiên quyết, hơn 15ha rừng gỗ tếch tại tiểu khu 83-84 thuộc Phân trường 2, xã Gia Canh, thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai do Lâm trường Tân Phú quản lý đang bị nhiều người dân ở các khu vực xung quanh tàn phá để lấy đất làm rẫy trồng điều, trồng ngô. Từ đầu tháng 12/2009 đến nay, đã có hơn 1.000 cây gỗ tếch bị người dân sử dụng dao băm chặt xung quanh gốc, rồi đổ thuốc diệt cỏ loại cực mạnh vào vết chặt làm cho cây rụng lá dần rồi chết khô. Đây là khu rừng gỗ tếch với khoảng gần 12.000 cây, mỗi cây có đường kính từ 20-30cm, chiều cao từ 12-15m được trồng cách đây hơn 20 năm. Tại khu vực này, Lâm trường Tân Phú cho một số hộ dân trồng xen hoa màu, điều, cà phê tại khu vực trồng rừng gỗ quý nói trên, đồng thời đảm nhiệm việc bảo vệ, chăm sóc rừng cho đến khi khép tán. Tuy nhiên, khi rừng phát triển tốt, tán che kín khiến hoa màu của những hộ dân này không phát triển được nên họ đã tìm cách hủy hoại rừng, mở rộng đất rẫy sản xuất. Mặc dù một số đối tượng đổ thuốc vào gốc làm cho cây chết đã bị bắt và bị xử lý hồi tháng 10/2008, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng để bảo vệ rừng, nhưng tình trạng phá hại cây rừng tại đây vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Kon Tum: Phát hiện doanh nghiệp tư nhân cất giấu 248 hộp gỗ trái phép. Ngày 21/12/2009, Hạt Kiểm lâm Đắk Tô kiểm tra tại khu vực xưởng chế biến lâm sản trước đây của Công ty TNHH Thuận Phát tại km số 9 tỉnh lộ 672, thuộc xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum có cất giấu một số gỗ trái phép. Đơn vị đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và lực lượng công an, Viện Kiểm sát huyện tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 248 hộp gỗ tương đương 34,499m3 không có dấu búa kiểm lâm, không có ai nhận gỗ. Trong đó gỗ giổi (nhóm III) 68 hộp tương đương 8,573m3; gỗ cáng lò (nhóm VI) 180 hộp, tương đương 25,926m3. Xác định ban đầu, toàn bộ số gỗ vi phạm trên được xẻ bằng cưa xăng và được vận chuyển từ địa bàn khác về. Toàn bộ tang vật được về Hạt Kiểm lâm Đắk Tô để phục vụ quá trình điều tra, xử lý theo pháp luật.

Hoài Bắc


Số lượt đọc:  214  -  Cập nhật lần cuối:  13/04/2010 04:19:34 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH