Số 4

Đồng tiền sạch, đồng tiền bẩn

Bố tôi già rồi mà có đôi mắt thật tinh. Ông có thể phân biệt rõ ràng tiền thật tiền giả. Không những thế, ông còn phân biệt được tiền sạch, tiền bẩn nữa. Tôi nghĩ phân biệt thật giả mới khó, chứ nhận biết tiền sạch, tiền bẩn thì dễ ợt, cứ tiền mới là sạch nhất. Nhưng sau này tôi thấy bố nói đúng, biết được tiền bẩn, tiền sạch cũng chẳng đơn giản chút nào.

Hồi tôi mới lớn, nhà tôi khổ lắm. Mẹ mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, bốn anh em xây dựng gia đình kẻ gần người xa, nhà chỉ còn lại hai bố con với ba sào ruộng. Ba sào ruộng làm hai vụ, trừ chi phí mỗi năm được dăm tạ thóc, nhưng trăm thứ chi tiêu trông vào đó.

Tôi phải đi làm thêm để kiếm tiền. Lúc đầu là lên Yên Bái đào đãi vàng bị bọn bưởng trưởng xăm xoi từng ly, từng tý. Rồi ngược Lào Cai làm cửu vạn khuân vác hàng lậu chui lủi trốn tránh Công an đến phờ phạc. Cuối cùng về đến lâm trường khai thác gỗ, trồng rừng. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà đói vẫn hoàn đói. Bố tôi một mình ở nhà quần quật tối ngày nên đổ bệnh, tôi lo quá.

Hồi đó, tôi ở Đội một, Lâm trường Suối Cái với mấy đứa cùng quê làm nhiệm vụ chặt nứa. Trăm nứa bảy chuyển ra bãi một được mười nghìn đồng, một ngày cố gắng lắm cũng chỉ được hai lăm nghìn. Chịu khó dành dụm một tháng cũng có vài trăm nghìn gửi về cho bố. Nhưng rồi ở nơi khó khăn, cái gì cũng thèm, cái gì cũng muốn, nên chưa hết tháng đã hết tiền. Do không cờ bạc, rượu chè, hút hít nên tôi cũng dành dụm được ít tiền, thế nhưng lại bị chúng bạn hỏi vay nên nhiều khi cũng cháy túi.

Hôm ấy trời mưa, không có việc làm, nghĩ đến bố ốm muốn về thăm nhưng ngặt nỗi túi không còn tiền. Thế là tôi liều, nhìn đội trưởng gối đầu trên chiếc áo natô ngủ, chiếc ví căng phồng hé mở, tôi khẽ với tay móc được năm tờ một trăm nghìn mới cứng.

... Về đến nhà mà tôi vẫn còn run. Nhà tôi nghèo nhưng sống lương thiện, chưa hề ăn cắp bao giờ nên cảm thấy hổ thẹn lắm. Nhưng biết làm sao khi bố đang ốm! Đưa tiền cho bố, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt ông. Bố tôi nhắm mắt, bàn tay gầy đỡ tiền và cầm lấy bàn tay giá lạnh của tôi. Bất chợt ông thốt lên và hất tay tôi ra:

- Không? Bố không cần những đồng tiền này. Tiền bẩn đấy.

Tôi sợ hãi líu lấy tay bố:

- Bố! Bố cầm lấy để bồi dưỡng, mua thuốc. Ông càng làm mạnh hơn.

- Không, tiền bẩn bố không cầm.

Tôi nhặt những đồng tiền còn mới cố ấn vào tay bố, thật thà nói.

- Bố sao thế, tiền mới cứng đấy mà, có bẩn đâu.

Bố nắm lấy tay tôi, mắt nhìn tôi đăm đắm, tôi thấy ông nhòa đi trong tiếng nấc:

- Con ơi! Bố biết rõ đây không phải là đồng tiền con làm ra. Có phải con đã chót lấy của ai phải không? Đừng giấu bố.

Tôi không đủ can đảm để nói dối. Nước mắt tôi ướt đầm thú nhận.

- Vâng, con xin lỗi bố, con đã nói dối, bố tha thứ cho con.

Nghe lời bố, tôi mang năm trăm nghìn đem trả cho anh đội trưởng, anh nhìn tôi ngạc nhiên.

- Thế à, cậu lấy khi nào mà tớ không biết. Rồi anh vỗ vai tôi:

- Cậu là một người tốt, thôi thế này nhé: Tôi sẽ gửi biếu bố cậu số tiền này để mua thuốc chữa bệnh, tôi sẽ cùng cậu trực tiếp đưa tiền cho cụ.

Sau vụ việc này, đội trưởng rất quý tôi, giao cho nhiều công việc về quản lý bảo vệ rừng... lương của tôi vì thế cũng được tăng lên.

Thật may mắn cho tôi, tuy nhà nghèo nhưng bố mẹ vẫn cho tôi ăn học. Tốt nghiệp đại học, tôi được biên chế chính thức với lương tháng ba triệu đồng. Một tháng tôi làm ra gần một tấn thóc, nói ra không biết bố có tin không nhỉ!

Cầm tháng lương đầu tiên về nhà lần này tôi thấy hồi hộp. Biết ở thôn quê chỉ tiêu tiền mệnh giá nhỏ, tôi đã đề nghị thủ quỹ cho nhận một phần là tiền lẻ. Cầm bọc tiền to đưa cho bố mà tay tôi run run, chỉ sợ bố lại hất tung như lần trước. Tôi khẽ khàng:

- Bố cầm lấy, muốn tiêu gì thì tiêu.

Bố nhìn bọc tiền rồi lại nhìn tôi như nhìn một người lạ. Tôi dạo này cao lớn, ăn mặc chững chạc đàng hoàng, nụ cười tự tin.

Bố mở bọc tiền cầm lên từng tờ giấy bạc. Trong những tờ tiền có đồng mới, có đồng cũ, có đồng mệnh giá lớn, có đồng mệnh giá nhỏ, bố tôi hỏi:

- Bao nhiêu đây?

Dạ tất cả ba triệu. Tôi lại lo lo, định giải thích cặn kẽ cho bố hiểu. Nhưng lạ thay, mắt bố như nhòe đi mà miệng ông lại cười. Ông cầm tay tôi, nắn nắn cánh tay rồi chậm rãi nói:

- Con không phải nói nữa. Bố biết đây là tiền thật, những đồng tiền sạch sẽ. Cả đời người, đây là lần đầu bố cầm một món tiền lớn. Cả đời người bố mới được nghe nói "muốn tiêu gì thì tiêu". Nhưng bố sẽ không tiêu đâu, bố sẽ giữ cho con. Rồi còn phải xây nhà, cưới vợ, rồi còn bao việc khác phải làm.

Tôi cười vui, đúng là bố tôi có tài nhận biết đồng tiền.

HOÀNG BIỂU


Số lượt đọc:  130  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 02:34:15 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH