Số 4

Đa dạng sinh học Vườn quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở phía Tây Nam huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, trên vùng tam giác ranh giới giữa 3 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La. Với diện tích tự nhiên 15048ha, nơi đây được coi là lá phổi xanh của toàn vùng, theo kết quả điều tra của Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật… Vườn quốc gia Xuân Sơn có giá trị cao về đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa ở mức độ toàn cầu.

Nằm trong vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình từ 200- 800m, với các đỉnh núi cao trên 1000m như núi Voi 1.386m; núi Ten 1.244m; núi Cẩn 1.144m. Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc lưu vực sông Bứa, là nơi kết thúc của dãy Hoàng Liên Sơn với những dãy núi đá kiến tạo nên thống hang động và những thác nước đã tạo nên tạo nên cảnh quan tự nhiên đa dạng kỳ thú.

Đa dạng hệ sinh thái. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật năm 2008, Vườn quốc gia Xuân Sơn có hệ thực vật đa dạng cao với 9 kiểu hệ sinh thái và thảm thực vật (4 kiểu rừng nguyên sinh, 5 kiểu rừng thứ sinh). Đặc trưng, nổi bật chiếm 27% toàn diện tích Vườn quốc gia là hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp và hệ sinh thái rừng kín thường xanh nhiệt đới trên đất đá vôi xen núi đất. Với những họ thực vật chiếm ưu thế như long não (Lauraceae), mộc lan (Magnoliaceae), dẻ (Fagaceae), sến (Sapotaceae)... và một số loài thực vật đặc hữu táu muối (Vatica diospyroides), chò chỉ (Parashorea chinensis), trường mật (Pometia pinnata), rau sắng. Sinh vật ngoại tầng như bàm bàm (Entanda faseoloides), dây đòn gánh (Fetiastigma eberhardtii), dây trắc (Dalbergia sp), ngoài ra có mật độ cây rau sắng (Melientha suavis) mọc tự nhiên cao nhất trong hệ thống các Vườn quốc gia của nước ta. Sự đa dạng của các hệ sinh thái làm nền tảng cho sự hình thành các kiểu thảm thực vật khác nhau, không chỉ tạo ra sự phong phú về thành phần loài của hệ thực vật mà cho cả hệ động vật vì các hệ sinh thái là nơi sinh tồn của các loài động vật.

Đa dạng loài. Về đa dạng thực vật bậc cao có mạch ở Vườn quốc gia đã xác định được có 180 họ, 680 chi, 1.217 loài thực vật trong đó Ngành mộc lan (Magnoliophyta) chiếm số lượng lớn nhất với 83,9% số họ; 93,6% số chi và 92,8% số loài. Trong đó đã ghi nhận 40 loài thực vật quý hiếm (chiếm 3,4% tổng số loài của hệ) bị đe dọa theo Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2000) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cần được bảo vệ; phát hiện một số loài mới bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam như: Loài Aristolochia fangchii C. Y. Wu thuộc họ mộc hương (Aristolochiaceae); loài sồi tây trù - Quercus sichourensis (Hu) C. C. Huang & Y. T. Chang thuộc họ dẻ (Fagaceae); loài Pseudostachyum sp. Nov thuộc họ cỏ (Poaceae), phân bố ở độ cao 300 - 800m tại xóm Dù và chân núi Ten; loài đỗ quyên lá vệ nâu - Rhododendron euonymifolium Lévl, thuộc họ đỗ quyên (Ericaceae).

Trong tổng số 1.270 loài thực vật có tới 1.171 loài có ích, trong đó có 665 loài cây làm thuốc; 202 loài cây lấy gỗ; 132 loài cây ăn được và 172 loài cây cho các giá trị sử dụng khác nhau như: cho tinh dầu, làm cây cảnh cây bóng mát, làm thức ăn gia súc…

Đa dạng động vật: Động vật hoang dã có xương sống trên cạn của Vườn quốc gia Xuân Sơn khá đa dạng, đã ghi nhận được 76 loài thú thuộc 24 họ, 8 bộ; 182 loài chim thuộc 47 họ, 15 bộ; bò sát 44 loài thuộc 14 họ, 2 bộ; ếch nhái 27 loài thuộc 6 họ,1 bộ.

Trong số 76 loài thú rừng có tới 29 loài thú quý hiếm (chiếm 37,7% tổng số loài thú). Trong đó, 20 loài ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2004) gồm: 1 loài bậc nguy cấp (EN), 12 loài bậc sẽ nguy cấp (VU), 6 loài bậc gần bị đe dọa (LR/nt, NT); 25 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2000) gồm 5 loài nguy cấp (E), 14 loài sẽ nguy cấp (V), 6 loài bậc hiếm (R); và 24 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

Vườn quốc gia còn là sinh cảnh của 182 loài chim, với thành phần khá phong phú cả về số bộ, họ và loài. Bộ sẻ (Passeriformes) chiếm ưu thế nhất với 24 họ chiếm 51,06% tổng số họ. Trong đó có 21 loài chim quý hiếm có giá trị bảo tồn cao đáng chú ý là loài gà so ngực gụ (Arborophila chartoni) là loài đặc hữu của Việt Nam.

Khu hệ bò sát và ếch nhái: Đã xác định có 44 loài bò sát, 27 loài ếch nhái sinh sống. Khu hệ bò sát và ếch nhái ở đây đa dạng về thành phần loài nhưng không phong phú về số lượng. Trong đó có 23 loài quý hiếm; 10 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP; 16 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2000) và 8 loài ghi trong Danh lục đỏ IUCN.

Côn trùng của Vườn quốc gia Xuân Sơn có 551 loài thuộc 327 giống 66 họ trong 7 bộ, một số loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2000) như: Byasa crassipes Oberthur, Troides helena (Lin), Jumnos ruckeri tonkinensis Nagai... Kết quả điều tra và định tên côn trùng ở Vườn quốc gia đã bổ sung cho khu hệ côn trùng Việt Nam 64 loài, trong đó chủ yếu là các loài thuộc bộ cánh giống (Homoptera) có 51 loài, các loài cánh cứng là 13 loài.

Hệ động vật ở đây tương đối phong phú và đa dạng, hiện có nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bao gồm: 25 loài thú, 21 loài chim, 21 loài bò sát, 2 loài ếch nhái có tên trong sách đỏ Việt Nam (2000). Những loài thú cần chú trọng bảo vệ và bảo tồn gồm: vượn đen (Nomascus concolor); voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi); voọc xám (Trachypithecus crepusculus); gấu chó (Ursus malayanus); gấu ngựa (Ursu thibetanus); tê tê vàng (Manis pentadactyla); sơn dương (Naemorhedus summatraensis); gà lôi trắng (Hophura nycthemera); gà so ngực gụ (Arborophila charltoni); rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah); rùa hộp vàng (Cuora galbinnifrons);...

Vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi có giá trị sinh học cao, có nhiều lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực mà còn đem lại giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... Vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, là nơi lưu giữ và bảo tồn các loài động thực vật đặc hữu, các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.

TRẦN QUANG HƯNG


Số lượt đọc:  2813  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 02:51:04 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH