Số 9

Tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Bình Thuận

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu nằm ở phía nam huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Với đặc trưng rừng thưa cây họ dầu đặc hữu của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Tài nguyên lâm sản ngoài gỗ ở khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu đóng vai trò hết sức to lớn đối với sinh kế của người dân sống ven khu bảo tồn.

Theo phân loại của các tổ chức Quốc tế, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu thuộc điểm nóng đa dạng sinh học Miến Điện - Đông Dương (Conservation International, 2001). Đây là vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới (WWF, 2001) và nằm trong tiểu vùng sinh thái quan trọng cần bảo tồn khẩn cấp (SA7) (WWF, 2001). Kiểu rừng khô cây họ dầu của khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu cần được quan tâm bảo vệ do mức độ đa dạng sinh học của nó. Hiện tại có rất ít thông tin về giá trị đa dạng sinh học của khu vực này.

Dự án VN CBD 600174 được IUCN - NL/EGP đến nay đã ghi nhận hệ thực vật khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao. Hệ động vật có khoảng 178 loài trong đó gồm 36 loài thú, 107 loài chim, 35 loài bò sát. Côn trùng và lưỡng cư đang được điều tra nghiên cứu.

Lâm sản ngoài gỗ chưa được điều tra nghiên cứu chuyên sâu. Phần lớn đối tượng này chỉ được thống kê dựa trên một số đề tài nghiên cứu của sinh viên. Ghi nhận đến nay có 187 loài cây thuốc qua phỏng vấn 20 thầy thuốc cổ truyền và 30 đối tượng khác thường thu hái và sử dụng nguồn tài nguyên này. Với cường độ và hình thức khai thác quá mức như hiện nay, việc mất đi một số loài là điều khó tránh khỏi bởi từ lâu cây thuốc từ núi Tà Kóu đã nổi tiếng khắp miền Nam Việt Nam.

Với ghi nhận này cho thấy có khoảng hơn 40 tấn thuốc được khai thác từ núi Tà Kóu mỗi năm. Con số này thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Lâm sản ngoài gỗ có giá trị dược liệu đang bị đe dọa tuyệt chủng trong tương lai gần như nhựa cây dầu cũng đang bị người dân khai thác quá mức. Hậu quả là nhiều cây dầu bị đổ ngã khi có gió bão tràn qua khu vực.

Thực hiện dự án: “Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu” do Quỹ bảo tồn Việt Nam tài trợ đã cải thiện và chặn đứng một phần các hoạt động kể trên thông qua việc hỗ trợ tuần tra trong năm. Trong đó việc phân định đường ranh giới khu bảo tồn là một việc làm mang lại nhiều thành công bước đầu. Thông qua việc họp dân để phân định đường ranh giới, đơn vị đã lồng ghép chương trình tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học nói chung. Người dân và chính quyền địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung. Một số hộ đã tự tìm tòi và đưa một số cây có nguồn gốc từ rừng về trồng tại vườn nhà. Cây trôm và sâm lông là những ví dụ về tạo thu nhập từ vườn nhà. Một mô hình khá mới nuôi dông trên đất cát cũng được người dân thực hiện với nhiều kết quả khả quan. Mở ra nhiều hướng cho tương lai nếu được nghiên cứu và đầu tư đúng mức. Các mô hình được nhân rộng sẽ là một hướng sinh kế mới cho người dân vùng đệm. Đây là tiềm năng và triển vọng cho việc phát triển, nhân rộng trong tương lai tạo công ăn việc làm ổn định và thu nhập cho người dân đồng thời giảm áp lực lên khu bảo tồn.

VÕ THANH LIÊM


Số lượt đọc:  544  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 02:04:06 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH