Số 9

Rừng Phú Thọ mãi xanh

Vừa qua, chúng tôi cùng đồng nghiệp Kiểm lâm Quảng Ninh và Ninh Bình đi một vòng hết các huyện miền núi Phú Thọ, đến đâu cũng thấy một mầu xanh thẳm của núi rừng.

Huyện Đoan Hùng 80% diện tích đất đồi là rừng kinh tế, rừng phòng hộ. Đồi rừng Đoan Hùng đã đổi đời người nông dân vùng đồi, trong các vườn rừng của người dân vùng Chí Đám; Khả Lĩnh; Bằng Luân; Quế Lâm... là bạt ngàn cây bưởi đang mùa quả sai trĩu cành. Nắng tháng 8 làm tươi màu vàng óng những trùm quả. Rừng keo phủ kín đất đồi núi đã cho năng xuất gần 200m3 trên 1ha một chu kỳ sáu năm. Qua Hạ Hòa chúng tôi đi vào vùng rừng núi Nả, vùng này cách đây 10 đến 15 năm còn nhiều nương rẫy đất trống, hôm nay trên triền đồi chạy dài hàng chục kilômét từ chân lên đỉnh đã được phủ kín một màu xanh của rừng phòng hộ, rừng tái sinh tự nhiên và những đồi thấp là rừng kinh tế. Từ chân dãy núi Nả chúng tôi đi theo đường đê rải nhựa dọc Sông Hồng và ngắm lại cây cầu Hạ Hòa bắc qua sông Hồng. Cây cầu dài uốn cong, vững chãi hoành tráng, vừa đẹp, vừa duyên dáng. Đi trên đê về huyện Cẩm Khê, bên trái là dòng sông Hồng, nước đỏ au mang nặng phù sa, bên phải những cánh đồng, ruộng lúa, nổi lên là những xóm làng và vùng đồi núi nhấp nhô mà mươi năm trước kiểm lâm rất vất vả phòng chống cháy những đồi cỏ tranh, nhưng hôm nay rừng xanh che phủ toàn bộ đất rừng. Rừng đã làm được chức năng phong hộ, chống sói lở, đem lại nguồn nước cho đồng ruộng, cộng với hệ thống kênh mương được xi măng hóa, người nông dân bớt phần vất vả chống hạn cho lúa và hoa màu. Những xóm làng ven chân đồi, đã yên tâm không sợ lở đất, lở núi, vì đã có rừng giữ đất và cung cấp nước cho họ. Rời Cẩm Khê chúng tôi qua Yên Lập. Từ trên những dãy núi cao dốc xuống vùng đồi thấp, bạt ngàn rừng xanh màu lục. Những đỉnh núi cao dốc trước là nương rẫy theo mùa đất sạt lở, xói mòn đất xô xuống ruộng. Đến nay không còn cảnh bà con nông dân dọn đất cát sỏi ở những thửa ruộng ven rừng. Qua Thanh Sơn đến vùng giáp ranh với Yên Lập, chúng tôi nhớ lại những năm còn công tác, năm nào kiểm lâm cũng phải phối hợp với lãnh đạo hai huyện và các xã để bàn về phòng cháy rừng giáp ranh và phân công tuần tra ngăn chặn hành vi chặt trộm gỗ từ rừng cấm, bảo vệ rừng phòng hộ cho cả hai vùng của hai huyện. Bây giờ lãnh đạo kiểm lâm hai huyện đỡ vất vả, Nhà nước đã có nhiều dự án về phát triển nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, nên người nông dân đã bỏ cách du canh, họ đã nắm được những kỹ thuật canh tác trên đất dốc, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đảm bảo canh tác bền vững trên đất dốc. Chúng tôi theo đường 32 vượt đèo Cón đến tận vùng giáp Sơn La. Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, tôi đã cùng đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh lên vùng này, thấy đồi núi bạt ngàn cỏ tranh dài mấy chục kilômét, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo phải biến những dãy đồi núi cỏ tranh thành khu rừng kinh tế là khỏi phải chống cháy. Giám đốc Lâm trường Tam Sơn (nay là Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn) đã cho trồng cây keo lai, keo lớn nhanh, chóng khép tán, cỏ tranh thiếu ánh sáng đã bị tiêu diệt. Đến nay, khu rừng keo này đã thu hoạch chu kỳ ba (mỗi chu kỳ khoảng 7 năm). Điều thú vị ở đây là Lâm trường đã chia lô, trồng và chặt luân phiên nên lúc nào rừng cũng xanh, vì trồng rừng với kỹ thuật cao, có phân lót với cây keo lai nên rừng được một năm rưỡi đến hai năm tuổi đã khép tán và nếu đầu tư cao có thể 5 năm đã khai thác được gỗ nguyên liệu giấy. Một cung cách làm rừng khoa học đã được tất cả các công ty lâm nghiệp trong tỉnh áp dụng, nên đất rừng luôn luôn được che phủ, cành rơi, lá rụng tự phân giải để nuôi cây chu kỳ mới. Rời khu rừng đèo Cón Thu Cúc, chúng tôi quay sang Vườn quốc gia Xuân Sơn. Đây là điểm nhấn của môi trường thiên nhiên cảnh quan rừng Phú Thọ. Ngày 17/4/2002, Khu bảo tồn Xuân Sơn đã chính thức chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Sơn với tổng diện tích 15.048ha. Hồi ấy Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cùng đoàn công tác lên Xuân Sơn đã căn dặn nhiều điều, song tôi nhớ nhất là: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng nhân dân phải giữ được rừng quý hiếm Xuân Sơn, rừng đa dạng sinh học bậc nhất nước ta. Song để Vườn quốc gia Xuân Sơn phát huy được những giá trị tiềm năng vốn có của mình, trước tiên phải làm đường nhựa vào khu trung tâm và phải đưa điện lưới vào Xuân Sơn. Từ năm 2002 đến nay đã qua 8 năm, hôm nay đến Xuân Sơn đường tỉnh lộ 32 quá đẹp, xe chạy bon bon, hai bên đường trùng điệp rừng xanh, không còn đất trống như trước nữa. Vào đến Xuân Sơn chúng tôi đi từ xóm Lạng qua xóm Dù, xóm Lấp đến tận xóm Cỏi với chiều dài trên 21km đường nhựa rộng 4m có những chỗ tránh xe khi gặp nhau. Đây cũng là đường tuần tra rừng của kiểm lâm. Hai bên đường, một bên là rừng núi đất thấp hơn, một bên là rừng núi đá. Cả hai loại rừng ở đây gần như nguyên sơ, cây rừng đường kính trên dưới 1m, cao từ 20m trở lên, còn tầng dưới cây cao trên dưới 15m, tầng che phủ cuối là tấm thảm xanh. Đặc biệt, núi đá ở đây có cây cao to, cổ thụ che phủ kín lớp đá, chỉ khi nào ta đi hẳn vào trong rừng mới thấy đá tảng, đá to. Đây là rừng núi đá đặc hữu của Việt Nam. Tại rừng núi đá này các nhà điều tra rừng phát hiện 36 hang động, trong số đó có hang Lạng dài hơn 700m, có chỗ cao tới 30m, rộng trung bình 10 đến 15m. Hang Thổ Thần trên núi đá gần xóm Lấp, đường xuống của hang hẹp, nhưng trong hang có nơi rộng chứa được mấy trăm người, trong có nhiều nhũ đá lộng lẫy với nhiều màu sắc đẹp, có những nhũ đá cao 9 đến 10m, gõ vào phát ra những âm thanh vang động khác lạ. Sau 8 năm Vườn quốc gia Xuân Sơn đã tuyên truyền vận động nhân dân các xã trong vùng thực hiện nhiều dự án về rừng. Đời sống người dân vùng này được cải thiện rõ rệt, có đường giao thông thuận lợi, có trường học, trạm xá có bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho dân. Lại có những dự án trồng cây ăn quả, dự án chăn nuôi, đem lại lợi ích kinh tế. Người dân có ý thức bảo vệ, yêu rừng hơn, hiện tượng làm nương xâm hại vào đất rừng Vườn quốc gia không còn nữa. Họ còn cùng với Vườn quốc gia Xuân Sơn trồng rừng bổ sung những vùng đồi thấp. Đến nay những cây bản địa như giổi, chò chỉ, re... đã cao gần 20m phủ xanh không còn khoảng trống. Nhiều người đã nhận xét Vườn quốc gia Xuân Sơn rất đẹp, chất lượng, đa dạng sinh học rừng cao hơn cả các khu rừng khác. Vườn quốc gia Xuân Sơn đã thực hiện thành công được phần quan trọng nhất là giữ gìn được cảnh quan rừng tự nhiên gần như nguyên vẹn. Riêng tôi, đã từng làm kiểm lâm mấy chục năm với bao vui buồn, nay thật phấn khởi vì rừng Phú Thọ đã xanh hơn trong mắt người dân Phú Thọ và bạn bè bốn phương.

PHẠM VĂN VIỆT


Số lượt đọc:  253  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 02:06:53 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH