Số 9

Quản lý, bảo vệ rừng ở Ngọc Hồi

Ngọc Hồi là huyện miền núi biên giới của tỉnh Kon Tum. Phía Bắc giáp huyện Đắk Glei, phía Đông giáp với Đắk Tô, phía Nam giáp với Sa Thầy, phía Tây giáp với hai nước Lào và Campuchia. Có tổng diện tích đất tự nhiên là 84.381,96ha. Trong đó diện tích rừng và đất rừng là 58.442,96ha, chiếm trên 65% diện tích tự nhiên. Huyện có 8 xã, thị trấn; dân số hơn 33 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân còn rất khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và dựa vào rừng và đất rừng là chính, nên tình trạng xâm hại rừng để khai thác tài nguyên, phát rừng làm nương rẫy luôn ở mức cao.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi, hiện nay trên địa bàn huyện có 3 đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng là Công ty nguyên liệu giấy miền Nam, Công ty đầu tư phát triển lâm nông công nghiệp và dịch vụ Ngọc Hồi, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk An. Ngoài ra, còn có Công ty 732 được giao đất trồng cao su. Thực tế diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho chủ quản lý là các tổ chức và cá nhân cụ thể như sau: Doanh nghiệp Nhà nước trên 26.344ha (chiếm 45%); Ban quản lý rừng phòng hộ trên 6.970ha (chiếm 12%); Ban quản lý rừng đặc dụng 11.381ha (chiếm trên 19%); Công ty nguyên liệu giấy trên 2.512ha (chiếm trên 4%); các hộ gia đình gần 750ha (chiếm trên 1,3%) và giao cho chính quyền xã quản lý là trên 10.484ha (chiếm gần 18%).

Với chủ trương giao đất rừng và rừng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, trồng, chăm sóc và bảo vệ nên trong những năm qua, trên địa bàn đã hạn chế rất nhiều vụ việc xâm hại rừng để khai thác tài nguyên, từng bước phát triển diện tích rừng ở địa phương. Tuy nhiên, trên lĩnh vực cá nhân hộ gia đình, với diện tích đất lâm nghiệp giao cho nhân dân địa phương quản lý, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng như hiện nay thì còn rất ít (trên 1,3%), do đó nguy cơ xâm hại rừng để khai thác tài nguyên rừng, phát rừng làm nương rẫy của người dân là khó tránh khỏi, bởi đặc điểm về đời sống kinh tế xã hội của đồng bào địa phương là luôn gắn liền với rừng, nếu "tách rừng" là không thể. Thống kê của kiểm lâm huyện năm 2008 xảy ra 44 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, thiệt hại gần 14ha rừng trồng và rừng tự nhiên; 5 vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng gỗ trên 18m3 và xảy ra 01 vụ cháy rừng trồng, thiệt hại trên 16ha. Ngoài những vụ việc được phát hiện trên, thì vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái phép trong nhân dân.

Với thực trạng trên, để vừa góp phần bảo vệ được nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ được môi trường sinh thái của huyện nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung; góp phần ổn định tình hình an ninh biên giới; hạn chế hành vi xâm hại rừng trái phép của nhân dân địa phương, vừa giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc giao đất rừng và rừng cho nhân dân địa phương quản lý, trồng, bảo vệ và chăm sóc. Để việc làm này có hiệu quả, thì đi đôi với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với những hộ gia đình nhận trồng, quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng theo quy định của Nhà nước, thì cần có cơ chế về quyền của người dân được hưởng lợi từ việc khai thác các lâm sản phụ trên diện tích rừng do mình quản lý, bảo vệ. Vì xét đến cùng, lợi ích là trên hết, khi đã gắn kết lợi ích của người dân với rừng, thì họ tận tâm, tận lực quản lý, bảo vệ, chăm sóc tốt để đảm bảo hài hòa lợi ích cả hai bên.

HOÀNG HƯNG


Số lượt đọc:  227  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:59:32 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH