Số 9

Nuôi cá sâu, hướng làm giàu của người dân Quảng Bình

Nuôi các giống cá nước ngọt như trắm, rô phi đơn tính, hay cá lóc, nuôi ếch là điều không có gì xa lại đối với người nông dân Quảng Bình từ nhiều năm nay, nhưng việc đưa cá sấu về nuôi trên đất Quảng Bình là chuyện khá mới, rất táo bạo mà từ trước đến nay ở vùng đất vốn có khí hậu khắc nghiệt, ít vốn này chưa ai dám mạnh dạn. Cá sấu vốn chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu ở các tỉnh Miền Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ, cá sấu nuôi ở Quảng Bình thì từ trước đến nay chưa có ai thử nghiệm.

Vừa qua, ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, có một người đã xây dựng một mô hình nuôi cá sấu đầu tiên ở Quảng Bình, đó là anh thanh niên 24 tuổi, Đậu Anh Tuấn. Tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên Đậu Anh Tuấn đã đăng ký học Trường Trung cấp Thủy sản tại tỉnh Bắc Ninh. Có bằng cấp chuyên môn, lại thấy trong vùng nhiều người đã “đổi đời” nhờ nuôi tôm trên diện tích lớn, Đậu Anh Tuấn cũng “hăm hở” bàn với gia đình vay vốn làm theo. Do thiếu kinh nghiệm, nguồn nước ao nuôi lại không đảm bảo, tôm thường mắc dịch bệnh, việc nuôi tôm của gia đình anh bị thua lỗ nặng, thất vọng, Tuấn quyết định bỏ nghề đề vào Miền Nam tìm “kế sinh nhai”.

Vốn là dân thủy sản, khi còn đi học nghe các thầy, các cô giới thiệu nhiều về mô hình nuôi cá sấu thành công ở các tỉnh Miền Nam, Nam Trung Bộ, có dịp vào đây, Đậu Anh Tuấn đã không ngại ngần “lân la” tìm tiểu. Càng học hỏi, càng quan sát chàng thanh niên người miền biển này đã đem lòng “mê” giống quái thú này khi nào chẳng rõ. Vậy là trong anh đã bắt đầu “manh nha” chuyện nuôi cá sấu. Nghiêm túc nghĩ đến nghề mới này nên Đậu Anh Tuấn rất chuyên tâm vào việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm thả nuôi giống cá này ở các mô hình trang trại trong các vùng mà anh đã có dịp đặt chân đến. Ngoài học hỏi ở kinh nghiệm thực tế, Tuấn còn tranh thủ mua thêm nhiều sách vở, tài liệu có trên thị trường về đọc, nghiên cứu thêm. Khi cảm thấy mình đã “nắm chắc đằng chuôi” kỹ thuật nuôi cá sấu, Đậu Anh Tuấn bàn với gia đình quyết định mang con cá sấu về nuôi ở quê mình.

Được gia đình và các cán bộ ở Trung tâm Khuyến nông Quảng Trạch ủng hộ, động viên, cuối năm 2007, Đậu Anh Tuấn đã mạnh dạn bỏ ra 500 triệu đồng vào lại Miền Nam mua 100 con cá sấu giống, đồng thời xây 5 chuồng để thả nuôi cá sấu. Để có nguồn thức ăn đảm bảo cung cấp cho 100 con cá sấu của mình, hàng ngày, Đậu Anh Tuấn phải cho người đi các nơi trong vùng để tìm mua các loại nội tạng động vật như của lợn, bò ở các lò mổ, mua các loại cá biển nhỏ đem về. Riêng khoản tiền này, mỗi ngày gia đình anh đã phải bỏ ra trên 35 ngàn đồng. Nhờ chăm sóc đảm bảo, đúng kỹ thuật, hiện nay 100 con cá sấu giống của Đậu Anh Tuấn đều sinh trưởng, phát triển tốt, có con đạt 2m. Theo tính toán của Tuấn, nếu nhanh, khoảng 20 tháng anh sẽ có cá sấu thương phẩm để xuất ra thị trường. Để nắm chắc đầu ra cho sản phẩm, Đậu Anh Tuấn đã vào các tỉnh Miền Nam ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy khoảng cách và đoạn đường khá xa, nhưng theo Tuấn, với giá cả hiện nay, 100 con cá sấu trưởng thành, anh có thể thu về trên 500 triệu đồng... Tuấn cũng rất mong muốn, có nhiều người trong vùng mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi cá sấu như gia đình anh để có thể hỗ trợ và liên kết nhau trong sản xuất. Đem chuyện mô hình nuôi cá sấu ở Cảnh Dương ra kể với nhiều người, tôi thấy ai cũng tò mò, tìm hiểu và có ý định làm theo. Tin chắc rằng, mô hình nuôi cá sấu của chàng trai trẻ Đậu Anh Tuấn sẽ mở ra một hướng làm giàu mới cho người dân Quảng Bình.

TRƯƠNG THỊ HIỀN


Số lượt đọc:  366  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:51:22 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH