Số 9

Mô hình bếp cải tiến: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích tự nhiên 15.048ha nằm trên địa phận 5 xã (Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Lai Đồng) thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Xuân Sơn có 9 bản (thuộc 3 xã) có người dân sinh sống với 630 hộ và 2.771 nhân khẩu, hầu hết đều thuộc diện là hộ nghèo (chiếm 92%) chủ yếu sống dựa vào canh tác nông nghiệp và khai thác lâm sản phụ từ rừng như cây thuốc, rau ăn, củi đun. Đây là một thách thức đối với Vườn quốc gia Xuân Sơn và chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Với mục tiêu quản lý rừng bền vững, từ khi thành lập Vườn quốc gia Xuân Sơn đã xây dựng và triển khai nhiều dự án hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế cho người dân như dự án trồng chè Shan, dự án trồng giổi xanh ăn hạt... nhằm giảm tác động của người dân vào tài nguyên rừng nhưng hiệu quả đạt được không như mong đợi. Từ năm 2007, UBND tỉnh Phú Thọ kết hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch triển khai thực hiện dự án “Cải thiện đời sống của người dân trong và ngoài Vườn quốc gia Xuân Sơn góp phần quản lý rừng bền vững”. Với quan điểm chia sẻ lợi ích với người dân để cùng nhau thực hiện tốt mục tiêu quản lý rừng bền vững và rút kinh nghiệm từ nhũng dự án đã thực hiện. Ban quản lý dự án Vườn quốc gia Xuân Sơn đã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của người dân địa phương và đã xây dựng các mô hình thí điểm phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Trong tổng số 12 mô hình được xây dựng, đáng chú ý là mô hình bếp cải tiến (bếp tiết kiệm củi). Mô hình được thực hiện tại 3 xã với tổng số hỗ trợ là 150 bếp, ngoài việc hỗ trợ xây dựng bếp cho các hộ đại diện trong xã, dự án còn tập huấn về kỹ thuật xây dựng bếp và cách sử dụng cho các hộ dân trong xã. Sau hơn 1 năm thực hiện, bàn giao và đưa vào sử dụng, hiệu quả của dự án mang lại rất rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình sử dụng bếp cải tiến đều thấy được tiện ích trong sử dụng và đặc biệt là tiết kiện củi từ 3 đến 4 lần so với bếp thông thường. Nếu tính đơn thuần hiệu quả mà 150 bếp cải tiến mang lại thì tình trạng đốn cây lấy củi giảm đi đáng kể. Nhận thấy rõ hiệu quả mà dự án mang lại, đến nay đã có nhiều hộ gia đình khác trong xã Xuân Sơn, Xuân Đài và các xã khác trong vùng đệm học tập làm theo, số lượng bếp cải tiến tăng lên từng ngày. Đến nay số lượng bếp cải tiến do người dân tự làm đã tăng lên đến hơn 200 bếp. Hiệu quả trực tiếp mà dự án mang lại là làm thay đổi nhận thức, thói quen sống dựa vào rừng của người dân. Từ hiệu quả của việc phát triển bếp tiết kiệm củi, hy vọng sẽ là tiền đề để thực hiện các mô hình tiếp theo của dự án, góp phần bảo vệ, lưu giữ nguồn gen động thực vật quý hiếm, biến Xuân Sơn thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong tương lai.

ĐINH TẤN QUYỀN


Số lượt đọc:  615  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:49:48 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH